Tín hiệu vui cho thương hiệu ''Hồng Đà Lạt''

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Hồng Đà Lạt', đến nay, UBND thành phố Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Từ đây, trái hồng Đà Lạt sẽ có một chỗ đứng đối với thị trường và giá trị kinh tế tăng lên đáng kể.

Trái hồng đem lại nguồn thu nhập cho người nông dân

Trái hồng đem lại nguồn thu nhập cho người nông dân

Nhắc đến hồng ăn trái, người ta thường nghĩ ngay đến địa danh Đà Lạt - loại trái cây ôn đới, một trong những đặc sản đặc trưng của phố núi. Hồng Đà Lạt vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách và người tiêu dùng mỗi khi đến với thành phố này. Và không ngoại lệ, trái hồng Đà Lạt cũng có những nốt thăng trầm của nó, có thời điểm giá cả xuống thấp, người dân không còn mặn mà với cây trồng chủ lực vốn mang lại giá trị kinh tế cao khi xưa, có lúc diện tích bị thu hẹp đáng kể. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, người nông dân phải tìm ra giải pháp để giữ vững diện tích và bảo vệ thương hiệu “Hồng Đà Lạt”.

Năm 2010, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA nghiên cứu và chọn Đà Lạt để phát triển cây hồng. Theo đó, tổ chức hướng dẫn phổ biến kỹ thuật chăm sóc và chế biến hồng khô theo công nghệ Nhật Bản cho người nông dân. Từ đó đến nay, trái hồng Đà Lạt ngày càng khẳng định lại chỗ đứng của mình.

Anh Mai Xuân Long, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đất Làng chuyên về hồng sấy gió cho biết, hiện HTX đã có 100 hộ thành viên tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hồng. Trong năm 2019, HTX đã tiêu thụ khoảng 200 tấn trái hồng tươi của các nông hộ thành viên với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Hiện HTX chế biến các dòng sản phẩm hồng sấy dẻo bằng 2 lò sấy điện và 2 phòng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản. Công suất mỗi lò sấy điện đạt 50 kg hồng dẻo thành phẩm/2 ngày - đêm. 2 phòng sấy gió với tổng diện tích 300 m2, đạt công suất khoảng 1 tấn hồng dẻo thành phẩm/28 ngày, mất tầm 7 kg hồng tươi mới cho ra được 1 kg hồng sấy gió.

Hồng sấy gió ở Xuân Trường không tẩm đường, ko phẩm màu và không chất bảo quản. Vị của trái hồng sấy gió ngọt thanh, thịt của trái hồng mềm dẻo, thích hợp làm quà biếu, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2019, HTX cho ra thành phẩm khoảng 30 tấn cung cấp ra thị trường. Chính vì vậy, khi được triển khai tham gia “Nhãn hiệu Hồng Đà Lạt”, HTX đăng ký ngay. Khi tham gia nhãn hiệu này, HTX cũng phải tuân thủ đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng theo bảng tiêu chí chất lượng sản phẩm hồng mang nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt”; tuân thủ các quy định trong suốt quá trình từ sản xuất đến lưu thông, nhằm đảm bảo sản phẩm có đặc tính và chất lượng.

Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, hiện nay, cây hồng có mặt ở hầu hết các vườn cà phê của người nông dân, bên cạnh việc có thu nhập từ cây cà phê, người nông dân còn có thu nhập từ hồng. Do vậy, họ chăm sóc, bón, tỉa rất kỹ. Hằng năm, ngoài bán hồng giòn (hồng ủ), người nông dân còn biết liên kết để làm hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản, công nghệ Hàn Quốc, từ đây tạo ra sản phẩm đặc sản tiêu biểu của địa phương. Khi nhận được thông báo về việc nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận, xã đã tiến hành thông báo và hướng dẫn đến toàn thể những cá nhân, tổ chức trên địa bàn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hồng để biết đăng ký và bảo hộ sản phẩm. Hầu hết các đơn vị làm hồng trên địa bàn rất hào hứng được tham gia, họ mong muốn cây hồng phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết, hồng là loại cây ăn quả đặc sản được trồng nhiều tại thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương, Lạc Dương. Đặc biệt, hồng giòn và hồng dẻo sấy khô Đà Lạt rất được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện sản phẩm hồng nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn cho người tiêu dùng khi phân biệt hồng Đà Lạt với hồng nhập khẩu. Chính vì lẽ đó, UBND thành phố Đà Lạt đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu độc quyền “Hồng Đà Lạt”.

Nhãn hiệu chứng nhận này sẽ được cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm trái hồng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; trong đó, gồm các loại được trồng phổ biến như hồng trứng, hồng vuông ông Đồng, hồng Tám Hải, hồng chén, hồng Fuju… Các tổ chức, cá nhân được cấp nhãn hiệu phải đáp ứng yêu cầu như: có hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm hồng trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận; có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định trong suốt quá trình sản xuất đến lưu thông… Khi sử dụng nhãn hiệu, các đơn vị cũng phải tuân thủ những quy định nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trái hồng, phát triển giá trị đối với nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt”.

Hiện nay, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn, chủ yếu được trồng nhiều tại các nơi như Phường 3, Phường 4, Phường 5, Phường 7, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành… và là loại quả đặc trưng, đặc sản của Đà Lạt. Việc xây dựng nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng ăn trái, giữ vững và phát triển diện tích trồng hồng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho trái hồng.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/tin-hieu-vui-cho-thuong-hieu-hong-da-lat-3007845/