Tín hiệu vui của trái cây Việt

Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu chanh leo, trong khi sầu riêng đàm phán ở giai đoạn cuối... Đây là tín hiệu vui và cơ hội xuất khẩu trái cây Việt.

Tại thị trường Hoa Kỳ, bưởi da xanh cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng... Đây là những tín hiệu vui và cơ hội xuất khẩu lớn của trái cây Việt.

Tiềm năng lớn

Tại Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản với chủ đề "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam" diễn ra mới đây, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Trung Quốc đã đồng ý cho nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào tỉnh Quảng Đông qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh theo hình thức thí điểm.

Trái cây Việt có nhiều thuận lợi để xuất khẩu

Trái cây Việt có nhiều thuận lợi để xuất khẩu

Về điều kiện chung, chanh leo phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm.

Cùng với chanh leo, việc đàm phán với Trung Quốc trong việc xuất khẩu sầu riêng cũng đang ở giai đoạn cuối cùng. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại. Tại thị trường Hoa Kỳ, hiện Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Hoa Kỳ.

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi: Thanh long, vải và xoài. Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản.

Không ngừng mở rộng thị trường

Đón cơ hội thị trường xuất khẩu, một số địa phương đã có những bước chuẩn bị vùng trồng cũng như nguồn nguyên liệu. Ông Đoàn Ngọc Có - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Gia Lai - cho hay, tỉnh này vừa đưa chanh leo vào danh sách một trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh và có diện tích lớn nhất cả nước với 4.000 ha. Đến năm 2025, tỉnh này định hướng phát triển cây chanh leo lên 20.000 ha, trở thành thủ phủ chanh leo lớn nhất cả nước.

Vẫn còn những khó khăn nhất định trong hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Như đối với trái bưởi xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ dù đã đi tới giai đoạn cuối, tuy nhiên, theo doanh nghiệp phản ánh, việc đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để liên kết xuất khẩu cực kỳ khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn - cho biết, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể tăng biện pháp kiểm dịch bệnh, có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Theo các chuyên gia, các nước hiện nay rất coi trọng vùng trồng và yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sản xuất. Đây được xác định là câu chuyện "sống - còn" đối với doanh nghiệp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-hieu-vui-cua-trai-cay-viet-180279.html