Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (4-9/9/2023)
Chevron tăng vốn đầu tư khai thác dầu tại Mỹ bất chấp nhiều áp lực; ADNOC Gas ký kết thỏa thuận cung cấp LNG trị giá hàng trăm triệu USD với PetroChina; Shell nhanh chân nhảy vào một Venezuela sắp được xóa bỏ lệnh cấm; Gazprom: Khoản nợ của Moldova có đầy đủ bằng chứng; Eni, gã khổng lồ năng lượng cuối cùng rời lĩnh vực dầu khí trên bờ ở Nigeria… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Thứ Năm (ngày 7/9), BP đã khai trương hệ thống trạm sạc xe điện lớn nhất nước Anh gần thành phố Birmingham, với công suất phục vụ lên đến 180 ô tô. Trạm sạc, nằm ở giao lộ của 3 đường cao tốc ở miền trung nước Anh, gồm 30 trạm sạc siêu nhanh với công suất 300 kilowatt, giúp tăng thêm 160,93 km quãng đường đi được trong 15 phút, cũng như 150 điểm sạc chậm có công suất 7 kilowatt. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD) trong thập niên này nhằm xây dựng hàng trăm trạm sạc xe điện trên khắp đất nước, ông Akira Kirton, Giám đốc điều hành của BP Pulse, nói với Reuters.
Wintershall Dea của Đức, một trong những công ty dầu khí lớn nhất toàn châu Âu, dự kiến sẽ hoàn tất tiến trình rút hoạt động khỏi các liên doanh có sự tham gia của Nga vào giữa năm 2024. Vào ngày 17/1, Wintershall Dea tuyên bố ý định rời khỏi Nga. Thể theo các nghĩa vụ pháp lý hiện hành, công ty sẽ rút khỏi những tài sản mà họ sở hữu tại Nga và chịu khoản lỗ 5,3 tỷ euro từ việc giải thể các liên doanh ở Nga. Wintershall Dea là một trong những công ty đã đầu tư vào Nord Stream 2. Họ cũng là cổ đông của công ty điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream (15,5%), sở hữu 25,01% trong dự án liên doanh Achim Development với gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga (74,99%). Cùng với Gazprom và OMV của Áo, Wintershall Dea thành lập liên doanh Severneftegazprom - công ty phát triển mỏ dầu khí Yuzhno-Russkoye.
Nhà sản xuất dầu Chevron hôm thứ Năm (7/9) cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu vốn ở lưu vực Permian thêm 25% vào năm 2024 so với dự báo hàng năm, bất chấp kế hoạch khiêm tốn hơn về số lượng giàn khoan tại lưu vực lớn nhất Hoa Kỳ. Họ cũng đã dự kiến sản lượng và dòng tiền kỷ lục tại lưu vực, mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ, đồng thời cắt giảm chi phí để đảm bảo tiền mặt được chuyển đến tay các cổ đông. Chevron dự kiến chi tiêu khoảng 5 tỷ USD vào năm tới tại lưu vực Permian do sự gia tăng các cơ sở xử lý nước và lạm phát thấp hơn, công ty cho biết trong bài thuyết trình tại hội nghị năng lượng do Barclays tổ chức. Con số này so với kế hoạch năm 2022, dự định đầu tư khoảng 4 tỷ USD mỗi năm để tăng sản lượng ở khu vực Permian trong thập niên. Họ đang nhắm mục tiêu 1 triệu thùng dầu mỗi ngày (boepd) vào năm 2025, so với 772.000 boepd trong quý trước. Tuy nhiên, Chevron dự kiến sẽ có trung bình 13 -14 giàn khoan do công ty vận hành tại lưu vực này vào năm 2024, tăng so với năm 2022, nhưng ít hơn dự báo trước đó.
ADNOC Gas có trụ sở tại Abu Dhabi đã đạt được thỏa thuận trị giá 450-550 triệu USD để cung cấp LNG cho một công ty con của PetroChina Company Limited, một trong những nhà khai thác và phân phối dầu khí hàng đầu tại Trung Quốc. Thỏa thuận này nhấn mạnh sự hiện diện toàn cầu ngày càng tăng của ADNOC Gas, đặc biệt là ở thị trường Đông Nam Á. Thỏa thuận giữa hai công ty ký sau một số thỏa thuận bán LNG quốc tế quan trọng của ADNOC Gas, trong đó có cả các thỏa thuận với Công ty thăm dò dầu khí Nhật Bản (JAPEX), TotalEnergies Gas and Power và India Oil Corporation (IOCL). Điều đó nhấn mạnh vị thế của ADNOC Gas là đối tác xuất khẩu toàn cầu.
Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã hợp tác với Posco International để phát triển tổ hợp điện gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới. Trang trại gió nổi Firefly sẽ có tổng công suất 750 MW khi lắp đặt 50 tổ máy turbine gió nổi 15 MW ngoài khơi Ulsan. Ngoài dự án Firefly, hai công ty còn thống nhất phát triển các dự án hydro và amoniac, thiết lập mạng lưới cung cấp thép cho điện gió ngoài khơi và phát triển toàn bộ chuỗi giá trị LNG cho các giải pháp năng lượng bền vững.
Theo 4 nguồn tin nắm rõ nội dung thảo luận, gã khổng lồ năng lượng Shell (Vương quốc Anh - Hà Lan) và Công ty Khí đốt Quốc gia (NGC) của Cộng hòa Trinidad và Tobago có thể sẽ thông qua quyết định cấp cho PDVSA - Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela, một khoản vay đầu tư 1 tỷ USD vào mỏ khí đốt Dragon mà cả ba quốc gia muốn cùng phát triển. Nếu đồng ý, động thái này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi, vốn đã bị đình trệ từ lâu. Vào tháng 1, Mỹ đã cấp cho PDVSA, Shell và NGC giấy phép 2 năm để khôi phục dự án, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xử lý và xuất khẩu khí đốt của Trinidad và Tobago.
Ngày 7/9, Gazprom khẳng định nợ chưa thanh toán liên quan đến khí đốt vận chuyển đến Moldova đã được xác nhận bằng các văn bản song phương từ cả nhà cung cấp và người mua, cũng như các quyết định của trọng tài thương mại, Interfax đưa tin. Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga đưa ra bình luận trên sau tuyên bố của Bộ Năng lượng Moldova về kết quả kiểm toán khoản nợ trước đây của Moldovagaz đối với Gazprom cho lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga cung cấp cho người tiêu dùng ở hữu ngạn sông Dniester ở Moldova. Trước đó, Moldova xác nhận khoản nợ mua khí đốt với Gazprom chỉ là 8,6 triệu USD, một phần nhỏ so với con số 709 triệu USD mà tập đoàn quốc doanh Nga đưa ra.
Trước đó một ngày, phát biểu với nhân viên, Chủ tịch Gazprom, ông Miller cho biết thị trường Trung Quốc vẫn “rất cạnh tranh” đối với khí đốt tự nhiên của Nga, trong đó Gazprom đảm nhận hơn một nửa sản lượng nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay. “Gazprom dự kiến sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho thị trường Trung Quốc”, ông nói, đề cập đến 2 dự án đường ống khí đốt - Sila Sibiri 2, từ Tây Siberia qua Mông Cổ đến Trung Quốc, và Sila Sibiri 3, sẽ vận chuyển khí đốt từ đảo Sakhalin tới Trung Quốc.
Công ty Eni của Ý đã đồng ý bán công ty con hoạt động trên đất liền ở Nigeria cho công ty địa phương Oando, hai công ty cho biết hôm thứ Hai (4/9), trở thành gã khổng lồ năng lượng cuối cùng thoái vốn tài sản trên đất liền ở quốc gia Tây Phi này. Với thỏa thuận dành cho đơn vị Agip Oil Company Ltd (NAOC) ở Nigeria, Eni thực hiện một bước tiến mới trong chiến lược dài hạn nhằm giảm mức độ tiếp xúc với dầu và chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, sau khi bán các hoạt động khai thác dầu của mình tại Cộng hòa Công-gô vào tháng 6/2017. Tập đoàn Ý vẫn sẽ duy trì các hoạt động ngoài khơi ở Nigeria.
Đây là lần thoái vốn mới nhất của một tập đoàn dầu mỏ quốc tế khỏi khu vực đất liền của Nigeria. Hầu hết tất cả các công ty, bao gồm Shell và Exxon Mobil Corp, đều đã tiến hành bán lại tài sản trong bối cảnh nạn trộm cắp và tràn dầu tràn lan, xung đột liên tục với cộng đồng và ngân sách thăm dò bị thắt chặt hơn. Hầu hết các công ty dầu mỏ lớn đều giữ lại cổ phần các tài sản nước ngoài ở Nigeria, điển hình là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, quốc gia này đã gặp khó khăn trong việc khai thác trong những năm gần đây do nạn trộm cắp và nhiều năm thiếu vốn đầu tư. Một số công ty dầu mỏ lớn không muốn bơm tiền vào việc phát triển tài sản mà họ muốn bán.