Tin mới nhận
Lắp đặt ca-mê-ra giám sát giao thông tại 12 điểm trong nội đô
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất thành phố lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát tại 12 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, gồm: phía bắc cầu Chương Dương; nút giao Phạm Văn Đồng với phố Trần Quốc Hoàn, với phố Cổ Nhuế; khu vực đường gom từ Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; nút giao Âu Cơ - Nghi Tàm; Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; La Thành - Giảng Võ; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Điện Biên Phủ - Trần Phú; đường Trường Chinh (đoạn từ giao cắt phố Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở); lối lên đường vành đai 3 trên cao (khu vực tòa nhà Thăng Long) và đường 70 giao với đường khu tưởng niệm Chu Văn An. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông, nhưng lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân do mật độ giao thông lớn trong khi mặt đường lưu thông hẹp; tổ chức giao thông còn hạn chế; ảnh hưởng từ các dự án đang triển khai… Việc lắp đặt thêm hệ thống ca-mê-ra giám sát sẽ góp phần xử lý các trường hợp vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người đi đường.
Tiếp tục dạy học trên truyền hình
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho biết, dù học sinh đã trở lại trường, nhưng việc dạy học trên truyền hình vẫn được tiếp tục triển khai đến ngày 23-5. Sở tiếp tục phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 trên kênh 1, kênh 2 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Học sinh khối lớp 4, khối lớp 5 sẽ học các môn: tiếng Việt, Toán và tiếng Anh; học sinh từ lớp 6, 7, 8 đến lớp 9 học các môn: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh; học sinh lớp 10, lớp 11 học các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh, học sinh lớp 12 học các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và tiếng Anh.
Gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai
Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, trong năm 2019, TP Hà Nội đã phân bổ gần 188 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều. Thành phố cũng đã giao các đơn vị cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm; nạo vét, tu bổ hệ thống kênh tưới, kênh tiêu, cống tưới với tổng mức đầu tư gần 760 tỷ đồng. Thành phố tiếp tục triển khai hai công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai, gồm: dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích, huyện Ba Vì và dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa). UBND thành phố Hà Nội đã cho phép triển khai thực hiện 41 dự án xử lý cấp bách đê điều, thủy lợi, trong đó, 28 dự án đang thi công, 13 dự án đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt phương án xử lý cấp bách.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát
Đoàn kiểm tra số 1 thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa có báo cáo về công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Qua kiểm tra thực tế tại 15 quận, huyện, thị xã, thời gian từ ngày 1-3 đến 30-4 cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố về việc phát triển chăn nuôi, cơ cấu lại đàn vật nuôi, quản lý tái đàn, tăng đàn lợn. Đàn gia súc, gia cầm có xu hướng phát triển, với tổng đàn lợn là 1,2 triệu con; 33,5 triệu con gia cầm; đàn bò thịt là 130 nghìn con; đàn trâu là 24,3 nghìn con. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế, chỉ còn huyện Ứng Hòa phát sinh bệnh tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày; bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ đã qua 21 ngày. Đồng thời, các địa phương triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2020 đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng quy trình; các loại vắc-xin tiêm phòng được thành phố hỗ trợ, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%...
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44521002-tin-moi-nhan.html