Tin mới về Covid-19 ngày 1/5: Ba đối tượng cần tiêm vắc-xin mũi 4; Biến chứng hậu Covid-19 phổ biến nhưng khó chẩn đoán
Theo Bộ Y tế, có 3 nhóm đối tượng nào cần tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc-xin vẫn là lá chắn quan trọng
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4.
Theo đó, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Vắc-xin sử dụng: Vắc-xin mRNA (vắc-xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc-xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc-xin cùng loại với mũi 3.
Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 gửi Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, xác định vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, cần đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Bộ Y tế yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Cảnh báo làn sóng dịch mới
Giới chức y tế và các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo, Nam Phi có thể bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ năm sớm hơn dự kiến do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron.
Theo đó, khả năng miễn dịch suy giảm từ các đợt dịch trước có thể khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh hơn. Bộ Y tế Nam Phi cho biết, dù các trường hợp nhập viện đang tăng, song chưa có sự thay đổi đáng kể về số ca nhiễm triệu chứng nặng và số ca tử vong.
Cơ quan y tế bang New South Wales của Australia xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron, là một người từ Nam Phi trở về.
Đại học Y tế cộng đồng và dược phẩm của Trường đại học New South Wales cho rằng, hàng nghìn người Australia có thể đã tái nhiễm sau khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 kết hợp với nhau;
Đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của những biến thể phụ mới, khiến số ca nhiễm tăng tại Australia trong vài tháng tới.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi.
Chính quyền thành phố Sendai cho biết, không phát hiện biến thể này ở những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE.
Hiện Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản đang nghiên cứu về biến thể phụ này.
Biến chứng hậu Covid-19 phổ biến nhưng khó chẩn đoán
Một nghiên cứu ước tính đến tháng 8/2021, khoảng 43% người dương tính với Covid-19 và hơn 50% F0 được chăm sóc tại bệnh viện đã gặp phải tình trạng hậu Covid-19.
Tháng 7/2021, một cuộc khảo sát được công bố trên eClinical Medicine chỉ ra Covid-19 kéo dài gây hàng loạt triệu chứng đa dạng, ảnh hưởng nhiều hệ cơ quan, tác động hoạt động và khả năng làm việc.
Họ cũng chỉ ra biến chứng tim mạch phổ biến mà nhiều người gặp phải nhưng khó chẩn đoán đó là hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS).
POTS liên quan sự kết hợp của hàng loạt triệu chứng phức tạp như choáng váng, sương mù não, mệt mỏi, đau đầu, mờ mắt, tim đập nhanh và buồn nôn. Theo Medical News Today, nhiều nhà khoa học bối rối về mối liên hệ giữa hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng và hậu Covid-19.
Tình trạng nhịp tim nhanh tư thế đứng ảnh hưởng ngày càng nhiều tới người mắc hậu Covid-19. Đây vốn là rối loạn chuyển hóa máu, gây ngắt thần kinh tạm thời, khiến người bệnh ngất xỉu đột ngột, thường xuyên.
Giới chuyên gia lo ngại khi đây là tình trạng hiếm gặp, nguy cơ gây tử vong. Những dữ liệu hiện tại cho thấy người được chẩn đoán tình trạng này nhiều nhất là phụ nữ trẻ.