Tin mới về Covid-19 ngày 23/4: Số ca mắc mới giảm 60%; phòng, chống dịch cần tiêu chí mới
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 có xu hướng giảm cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua.
10.365 ca nhiễm mới sau 24h
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới Covid-19 tại 59 tỉnh, thành phố (giảm 795 ca so với ngày trước đó); chỉ ghi nhận 6 ca tử vong. Đây là số ca tử vong thấp nhất trong 10 tháng qua (kể từ tháng 7/2021 đến nay).
Trong 24 giờ qua, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Sơn La (giảm 150 ca), Hà Tĩnh (giảm 147 ca), Hải Dương (giảm 116 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Phòng (tăng 78 ca), Quảng Bình (tăng 49 ca), Quảng Ninh (tăng 28 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.428 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.554.689 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.705 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.546.941 ca, trong đó có 9.078.677 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.539.772), TP.HCM (607.962), Nghệ An (479.143), Bắc Giang (383.164), Bình Dương (383.163).
Về tình hình điều trị, có thêm 2.229 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.081.494 ca. Ngoài ra, có 685 bệnh nhân đang thở ô xy.
Trong 24 giờ qua, nước ghi nhận 6 ca tử vong tại: Cao Bằng (1), Đồng Nai (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1).
Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 10 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.004 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội: Thêm 978 ca Covid-19, hơn 74.000 trẻ được tiêm vắc-xin Moderna
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 22/4 đến 18h ngày 23/4), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 978 ca Covid-19, trong đó có 290 ca cộng đồng và 688 ca đã cách ly. Trong 24 giờ qua, quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất.
Cụ thể, 978 bệnh nhân mắc mới phân bố tại 247 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hoàng Mai (90); Hà Đông (75); Long Biên (72); Sóc Sơn (62); Bắc Từ Liêm (51).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.540.283 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn Thành phố còn gần 121.900 ca đang điều trị, theo dõi. Trong số này, có 382 ca điều trị tại các bệnh viện; số còn lại đang theo dõi tại nhà.
Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Một số địa phương sau khi hoàn thành tiêm chủng cho trẻ từ 11 tuổi đã hạ dần độ tuổi, tiêm cho trẻ 6 tuổi.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, có hơn 370.631 trẻ trong độ tuổi nêu trên cần tiêm trong đợt này.
Tính từ ngày 16/4 đến hết ngày 22/4, Hà Nội đã triển khai tiêm 74.521 mũi vắc-xin Moderna cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Giảm ở nhiều tiêu chí
Theo Bộ Y tế, so với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 62,8%, số ca khỏi giảm 42,8%, số ca tử vong giảm 51,0%, số ca đang điều trị giảm 1.221,7%, và số ca nặng giảm 52,7%.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 có xu hướng giảm cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.586 ca/ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 11 ca, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới ít hơn 16,4%; số ca tử vong ít hơn 41,2%; số ca khỏi bệnh ít hơn 32,7%;
Số ca đang điều trị tại bệnh viện ít hơn 40,3%; Số ca nặng, nguy kịch ít hơn 15,3%; Thở ô-xy Mask, gọng kính ít hơn 7,1%; Thở máy xâm lấn ít hơn 33,9%.
So sánh tháng này với tháng trước, số ca mắc mới ít hơn 64,7%; Số ca tử vong ít hơn 62,3%; Số ca khỏi bệnh ít hơn 52,4%;
Đang điều trị tại bệnh viện ít hơn 48,7%; Số ca nặng, nguy kịch ít hơn 41,7%; Thở ô-xy Mask, gọng kính ít hơn 45,3%; Thở máy xâm lấn ít hơn 32,4%.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Trọng Lân, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, Việt Nam chuẩn bị sẵn hai kịch bản phòng, chống dịch.
Một là để Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới.
Theo GS.Nguyễn Trọng Lân, hiện nay trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc Covid-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vắc-xin cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.
Bộ cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho đối tượng cần.
Trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành ngày 31/3, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam;
Bộ Y tế tiến hành xây dựng dự phòng dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
TP.HCM: Thiết lập mô hình điều trị hậu Covid-19 theo tháp 3 tầng
Sở Y tế TP.HCM đã có kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19.
Các hoạt động này nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý sau khi điều trị xong Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo đó, ngành Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu Covid-19.
Cùng với đó là phát triển nền tảng số của Thành phố về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý sau mắc Covid-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 tầng, cụ thể:
Tầng 1 gồm trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ.
Tầng 2 gồm bệnh viện đa khoa quận, huyện thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình.
Tầng 3 gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị.
Ban hành bộ tiêu chí mới đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vừa có quyết định số 1303 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Quyết định này thay thế cho tất cả các quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch Covid-19 trước đây.
Bộ tiêu chí đánh giá có 6 tiêu chí an toàn chung áp dụng cho tất cả hoạt động ngành nghề, lĩnh vực, gồm: Đeo khẩu trang; bảo đảm không khí; tiêm vắc-xin phòng Covid-19; vệ sinh khử khuẩn; kiểm soát người đến các địa điểm; phương án phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tất cả người dân, người lao động, người tham gia các hoạt động phải đeo khẩu trang theo quy định. Việc này không áp dụng với nhóm trẻ mầm non; người đang biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao nhưng không phải là người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19; người đang ăn uống.
Tất cả cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở trong thời gian làm việc, sinh hoạt… phải để thông khí. Đối với các không gian kín phải có biện pháp thông thoáng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin đủ các mũi theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 3 tháng đối với toàn bộ người lao động, học sinh, sinh viên, cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy… phải đạt 90%; phải sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra, vào, bảo đảm không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.
TP.HCM cũng quy định bộ tiêu chí đặc thù gồm 9 tiêu chí áp dụng theo hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trong đó, cơ sở trợ giúp xã hội, giam giữ, cai nghiện ma túy phải bảo đảm tiêu chí quản lý và chăm sóc y tế, gồm: Nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng phòng, chống dịch; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ; thực hiện tầm soát SARS-CoV-2 đối với người mới nhập vào cơ sở; bố trí khu vực cách ly F0…
Cơ sở lưu trú phải kiểm soát và quản lý, chăm sóc khách đến lưu trú, bảo đảm không sử dụng quá công suất phục vụ của cơ sở lưu trú.
Nếu có thực hiện cách ly F0 tại cơ sở lưu trú thì phải bố trí khu vực cách ly F0 có buồng cách ly riêng biệt với quy mô phù hợp, có nhà vệ sinh riêng, có đầy đủ trang thiết bị y tế (nhiệt kế, máy đo SpO2,…).
Còn cơ sở giáo dục và đào tạo phải bảo đảm diện tích sàn tối thiểu của các lớp học (mầm non, nhà trẻ 1,5m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36m2/phòng đối với lớp mẫu giáo; cấp tiểu học diện tích trung bình một học sinh là 1,25m2, cấp trung học là 1,5m2).
Các cơ sở giáo dục phải có nhân viên chuyên trách công tác y tế trường học đã được tập huấn, bồi dưỡng, công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức hoạt động bán trú bảo đảm phòng, chống dịch theo đúng quy định, trong đó bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m khi học sinh ăn và ngủ.
TP.HCM còn quy định tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống. Trong đó, khu vực ăn uống bảo đảm không sử dụng quá công suất phục vụ; người đi trong khu vực phải đeo khẩu trang; giãn cách phù hợp; đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người và vệ sinh sạch sẽ.
Theo đánh giá của Bộ tiêu chí, nếu mức độ an toàn đạt hơn 80% thì đơn vị tiếp tục hoạt động. Từ 70%-80% là mức độ an toàn trung bình, đơn vị tiếp tục hoạt động và trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt.
Còn nếu mức độ an toàn dưới 70% hoặc không đạt tiêu chí an toàn chung thì chưa bảo đảm an toàn, đơn vị sẽ tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục các tiêu chí không đạt.