Tin mới về dịch bệnh ngày 17/5: Nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát khi hè tới

Mùa hè, thời tiết nóng ẩm cùng sự giao lưu đi lại và ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Số ca mắc Covid-19 trong nước giảm còn 1.785

Tính từ 16h ngày 16/5 đến 16h ngày 17/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.785 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 1.785 ca ghi nhận trong nước tại 48 tỉnh, thành phố, có 1.206 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-47), Quảng Bình (-21), Hải Phòng (-19). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+58), Vĩnh Phúc (+56), Nghệ An (+33).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 2.251 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.699.965 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.108 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.692.210 ca, trong đó có 9.362.040 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.595.957), TP Hồ Chí Minh (609.009), Nghệ An (483.670), Bắc Giang (386.462), Bình Dương (383.719).

5.094 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.364.857 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 206 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 172 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 19 ca; thở máy không xâm lấn là 2 ca; thở máy xâm lấn là 11 ca; ECMO là 2 ca

Từ 17h30 phút ngày 16/5 đến 17h30 phút ngày 17/5 ghi nhận 4 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.071 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.506.591 mẫu tương đương 85.812.322 lượt người.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 217.377.159 liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 197.312.030 liều: Mũi 1 là 71.468.040 liều; mũi 2 là 68.690.974 liều; mũi 3 là 1.506.133 liều; mũi bổ sung là 14.809.689 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 40.807.362 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 29.832 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.412.044 liều: Mũi 1 là 8.922.636 liều; mũi 2 là 8.489.408 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 2.653.085 liều: Mũi 1 là 2.652.133 liều; mũi 2 là 952 liều.

Hà Nội có 419 F0

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua thành phố ghi nhận 419 ca bệnh: 126 ca cộng đồng; 293 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 140 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (45); Hoàng Mai, Đông Anh (40); Long Biên (37); Nam Từ Liêm (35).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.596.748 ca.

Bệnh nhân phân bố tại 140 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã.

Đến nay, trên địa bàn thành phố còn 90.594 92.470 ca dương tính Covid-19 đang điều trị, trong đó có 143 ca điều trị tại bệnh viện và hơn 90.400 ca theo dõi tại nhà.

Đây là ngày thứ 28 thành phố không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Tính từ chiều 16/4 cho đến hết ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho gần 170.500 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngoài ra gần 100% người từ 18 tuổi trở lên ở Thủ đô đã tiêm 3 mũi vắc-xin.

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm rình rập

Những bệnh truyền nhiễm thường có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong mùa hè, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy do vi rút rota, sởi, cúm… Chính vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Tiêm vắc-xin là biện pháp bảo vệ trẻ khỏi một số dịch bệnh nguy hiểm mùa hè như viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, có thêm 1.066 trường hợp mắc tay chân miệng; 42 trường hợp mắc viêm não virus; 2 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại TP.HCM thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5, Thành phố ghi nhận 420 ca tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Kể từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng ghi nhận hơn 7.000 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca nặng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan.

Đặc biệt, đặc điểm thời tiết của Hà Nội luôn tạo ra nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, riêng với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Một bệnh khác cũng có nguy cơ bùng phát là tay chân miệng. Viêm não cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho hay, trong khoảng 1 tháng qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 4 trẻ mắc viêm não nhập viện.

Các trẻ được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt, có 2/4 trẻ ở mức độ nặng, thay đổi ý thức, lú lẫn và co giật.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 42 trường hợp mắc viêm não virus. Trước thực tế trên chuyên gia cảnh báo, thời gian tới, dịch bệnh có xu hướng gia tăng, số lượng bệnh nhân nhập viện có thể tăng thêm. Tháng 5 đến tháng 8 hằng năm thường được xem là mùa viêm não Nhật Bản.

Nói thêm về bệnh này TS.Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thông tin, viêm não Nhật Bản là là bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25 - 35%). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 8 tuổi.

Ngoài virus viêm não Nhật Bản, gần đây Khoa Điều trị tích cực cũng ghi nhận một số trẻ mắc viêm não do HSV, HHV-6 (human Herpes type 6) hoặc do Covid-19…

Trong số bệnh nhi đang điều trị, có rất nhiều trường hợp trở nặng do cha mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám.

Ngoài ra, nhiều trẻ cũng chưa được tiêm phòng vắc-xin theo đúng lịch, không tiêm phòng đủ mũi nhắc lại... “Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê… thì cần đưa đến viện khám ngay. Với trẻ lớn, dấu hiệu đau đầu cũng không nên bỏ qua”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Theo bác sĩ Hải, viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây tay chân miệng). Bệnh xuất hiện quanh năm và mùa dịch vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ thường sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…

Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Nếu phát hiện sớm chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Ngược lại, bệnh sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước nguy cơ dịch bệnh mùa hè tấn công Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đã yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền các dấu hiệu khi mắc bệnh và thông tin cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để người dân đến khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin, các địa phương phải vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị.

Đồng thời, rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, giường điều trị, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè nói chung.

'Hiện, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19, nên nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè bùng phát thành dịch và lây lan trong trường học là rất lớn. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ", bà Hà nêu.

Trong mùa dịch viêm não, các gia đình cần chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.

So với các thể viêm não khác, bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh. Do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra.

Ngoài việc tiêm đủ vắc-xin cho trẻ, chuyên gia cũng khuyên các gia đình chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát…

Việt Nam đang lưu hành hai loại vắc xin não mô cầu. Một loại gồm hai thành phần huyết thanh B và C có thể tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi, gồm hai liều, mỗi liều cách nhau 6-8 tuần. Loại thứ hai cộng 4 loại huyết thanh, gọi là tứ giá, dùng cho trẻ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi. Trẻ 9-23 tháng tuổi sẽ tiêm hai liều, cách nhau ba tháng; từ hai tuổi trở lên tiêm một liều duy nhất.

Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, từ cuối tháng 4 đến nay, các quận, huyện: Hoàng Mai, Mê Linh, Đông Anh của Hà Nội đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi.

Còn để phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Đào Hữu Nam khuyến cáo, vệ sinh thường xuyên (vệ sinh tay, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ) là điều quan trọng để giảm khả năng lây nhiễm. Khi trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cho ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi.

Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Khi đó, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-dich-benh-ngay-175-nguy-co-nhieu-loai-dich-benh-bung-phat-khi-he-toi-d165966.html