Tin mới vụ tai nạn xe khách làm 10 người chết ở Quảng Nam

Ngày 16/2, Công an huyện Núi Thành (Quảng Nam) vẫn đang tiếp tục điều tra vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành khiến 10 người chết, 11 người bị thương. Lãnh đạo Công an huyện Núi Thành, đơn vị trực tiếp thụ lý vụ việc, cho hay, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, do đó các bước điều tra được thực hiện cẩn trọng.

Theo công an, vụ tai nạn xảy ra lúc sáng sớm, trời có sương mù, hạn chế tầm nhìn. Tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông ở trạng thái đèn nhấp nháy, không có đèn đường. Xe khách gặp nạn lưu thông trên tuyến đường chưa được bàn giao, nghiệm thu đưa vào khai thác.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm Chính (TPHCM), cho rằng, vấn đề về biển báo, biện pháp ngăn chặn không cho xe đi vào đường chưa đủ điều kiện phương tiện lưu thông cần phải xem xét rất cụ thể.

Theo luật sư, đường chưa được bàn giao sử dụng nhưng chủ đầu tư có đặt biển cấm, có biện pháp che chắn hay không, đặt như thế nào, lái xe có dễ quan sát nhận biết hay không? Cơ quan chức năng phải làm rõ việc tài xế và chủ phương tiện có biết lái xe có biết việc cấm hay không.

Công an đang điều tra vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Trong ảnh hiện trường vụ tai nạn xe khách khiến 10 người chết, 11 người bị thương. Ảnh: Hoài Văn

Công an đang điều tra vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Trong ảnh hiện trường vụ tai nạn xe khách khiến 10 người chết, 11 người bị thương. Ảnh: Hoài Văn

Nếu có biển cấm, có biện pháp che chắn nhưng lái xe tự mở barie bất chấp biển báo để đi vào đoạn đường thì có thể xác định lỗi hỗn hợp của người điều khiển và đơn vị quản lý đường bộ. Người điều khiển phương tiện đi vào đường chưa đủ điều kiện lưu thông là sai, nhưng tại sao xe lại vào được tuyến đường? Lỗi của đơn vị quản lý để phương tiện tự ý vào, không có công cụ để cảnh báo, ngăn cản. Như vậy là lỗi hỗn hợp của lái xe và cơ quan quản lý, trường hợp này tòa sẽ xem xét tỷ lệ lỗi, chịu trách nhiệm đến đâu căn cứ vào hành vi khách quan cụ thể.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ông Nghiêm cho rằng theo quy định, tai nạn xảy ra phát sinh trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng thì bất luận lỗi điều khiển phương tiện như thế nào thì chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm, sau đó là người điều khiển phương tiện. Nếu hộ gia đình là chủ phương tiện thì lấy tài sản hộ gia đình ra để đảm bảo trách nhiệm dân sự về thiệt hại. Nếu là xe hợp đồng của đơn vị kinh doanh thì chủ đơn vị kinh doanh phải đền bù thiệt hại. Nếu chủ phương tiện có mua bảo hiểm dân sự hai chiều thì bảo hiểm sẽ phải bồi thường.

Ngoài ra, công an sẽ xác định có lỗi của xe container hay không. Trong trường hợp tài xế container đi đúng tuyến đường được phép lưu thông, đúng làn đường, tốc độ mà xe chở khách đâm ngang vuông góc thì tài xế container không có lỗi.

Về trách nhiệm hình sự, nếu tài xế xe khách cũng là chủ phương tiện nhưng đã tử vong thì trách nhiệm pháp lý không đặt ra được. Trường hợp này căn cứ Bộ Luật tố tụng hình sự, công an sẽ khởi tố vụ án vi phạm về quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, khởi tố vụ án nhưng không có bị can.

HOÀI VĂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tin-moi-vu-tai-nan-xe-khach-lam-10-nguoi-chet-o-quang-nam-post1510720.tpo