Tin ngân hàng ngày 14/6: VIB ghi nhận tăng mạnh nợ xấu và giảm doanh thu bảo hiểm

Agribank đại hạ giá bất động sản phố cổ để xử lý nợ xấu; ACB chi 10.000 tỉ đồng mua lại trái phiếu trước hạn; Moody's xếp hạng tín nhiệm HDBank mức B1… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

VIB ghi nhận tăng mạnh nợ xấu và giảm doanh thu bảo hiểm

Theo báo cáo tài chính, trong quý I/2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (TOI) hợp nhất đạt 4.929 tỉ đồng (tăng trên 19% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần ngoài lãi đạt lần lượt 4.304 tỉ đồng (tăng trên 22%) và 625 tỉ đồng (tăng 0,8%). Thu nhập lãi thuần tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) gia tăng (tăng 30bps) đạt 4,7% khi mà tăng trưởng tín dụng âm -1,3% (tính từ đầu năm).

VIB ghi nhận tăng mạnh nợ xấu và giảm doanh thu bảo hiểm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

VIB ghi nhận tăng mạnh nợ xấu và giảm doanh thu bảo hiểm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong kỳ, VIB cũng phải trích lập dự phòng lên 668 tỉ đồng (tăng gần 70% so với cùng kỳ) do nợ dưới chuẩn có xu hướng gia tăng mạnh so với cùng kỳ và so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động trong quý I/2023 cũng tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 1.568 tỉ đồng, tương đương với tỉ lệ mức độ vận hành hiệu quả của ngân hàng thông qua tỉ lệ % của tổng chi phí hoạt động trong tổng doanh thu của ngân hàng (CIR) đạt gần 32%. Mức CIR này đã giảm -350bps so với cùng kỳ và -250 bps so với cả năm 2022.

Về lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý đầu năm 2023 đạt 2.693 tỉ đồng (tăng trên 18% so với cùng kỳ) và mới chỉ đạt 22% kế hoạch cả năm. Trong khi chất lượng tài sản tại 31/3/2023 có sự sụt giảm so với cuối năm 2022 khi nợ xấu (NPL) tăng mạnh và khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu (LLR) giảm đi.

Theo đó, NPL và nợ nhóm 2 tại cuối quý I/2023 đạt lần lượt 3,64% và 5,43%, tăng đáng kể so với mức 2,45% và 4,38% tại cuối năm 2022 và 2,39% và gần 3,1% tại cuối quý I/2022. LLR cũng giảm từ mức gần 54% tại 31/12/2023 xuống còn 38% tại 31/3/2023.

Về chất lượng nợ, nợ cần chú ý của VIB tại ngày 31/3/2023 là hơn 12.400 tỉ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là trên 3.700 tỉ đồng, nợ nghi ngờ là hơn 2.400 tỉ đồng, còn nợ có khả năng mất vốn là gần 2.200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Thu nhập ngoài lãi (NOI) giảm trong quý I/2023 so với cùng kỳ 4,5% do mảng bảo hiểm liên kết (banca) suy giảm bù trừ sự gia tăng từ mảng thu phí thanh toán. Doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) trong quý I/2023 giảm mạnh, chỉ đạt 118 tỉ đồng (giảm gần 45% so với năm trước, giảm gần 68% so với quý trước).

Trái phiếu doanh nghiệp và tài trợ dự án bất động sản chiếm 2,5% tổng dư nợ của VIB tại cuối quý I/2023.

Agribank đại hạ giá bất động sản phố cổ để xử lý nợ xấu

Ngày 21/6 tới đây, Agribank AMC sẽ tiếp tục đưa nhiều tài sản đảm bảo ra đấu giá để xử lý, thu hồi nợ.

Trong đó, ngân hàng sẽ tổ chức đấu giá Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc tại địa chỉ số 110 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Giá khởi điểm được đưa ra lần này là 38,5 tỉ đồng (đã bao gồm VAT), giảm mạnh so với mức 60,5 tỉ đồng được rao bán hồi tháng 8/2022. Như vậy, chỉ sau khoảng 9 tháng, khối bất động sản này đã giảm giá tới 36%.

Theo mô tả của ngân hàng, bất động sản tại số 110 Hàng Buồm có diện tích đất 100,8m2. Nhà ở trên đất có diện tích sàn 205,2 m2. Tài sản này đang được thế chấp của Công ty TNHH AJMAL Việt Nam tại Agribank chi nhánh Hà Thành.

Ngày 16/6, Agribank cũng đem ra đấu giá quyền sử dụng đất và nhà ở tại số 19 phố Hàng Chiếu phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Bất động sản này có diện tích đất 160,0 m2 và nhà ở có diện tích sàn 287,4m2. Giá khởi điểm được đưa ra là 71,4 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 107 tỉ đồng cách đây 9 tháng, tức giảm khoảng 33%.

Trước đó, một số bất động sản phố cổ khác cũng được các ngân hàng khác rao bán thời gian gần đây. Chẳng hạn hồi cuối tháng 3, Vietcombank thông báo phát mại bất động sản tại địa chỉ 29 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội với giá khởi điểm từ 52 tỉ đồng. Theo mô tả của Vietcombank, thửa đất có diện tích là 154m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, có diện tích xây dựng 103,4m2, diện tích sàn 230m2.

ACB chi 10.000 tỉ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2022.

Theo đó, Ngân hàng này sẽ mua lại 4 lô trái phiếu mã ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá mua lại tối đa là 10.000 tỉ đồng. Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Đối với lô ACBH2124005: ngày phát hành là 22/6/2021 và ngày đáo hạn là 22/6/2023. Lô ACBH2124006: ngày phát hành là 23/6/2021 và ngày đáo hạn là 23/6/2023. Tổng mệnh giá phát hành tối đa là 2.500 tỉ đồng, tương ứng mỗi trái phiếu có mệnh giá là 1 tỉ đồng có kỳ hạn 3 năm.

Hai lô trái phiếu còn lại mã ACBH2124011 và ACBH2124012 sẽ được thanh toán vào ngày 8/7/2023 và 15/7/2023. Giá mua lại trái phiếu bằng 100% tổng mệnh giá phát hành.

Nguồn mua lại được ACB sử dụng từ nguồn thu các khoản cho vay VNĐ trung và dài hạn hoặc các nguồn cho vay, đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu trước hạn.

Liên quan đến trái phiếu của ACB, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 ngày 13/5, Tổng giám đốc ngân hàng ACB Từ Tiến Phát cho biết, danh mục trái phiếu tại ngân hàng hoàn toàn lành mạnh, an toàn. Chiến lược năm 2023 của ACB là tiếp tục không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trừ trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cũng chỉ rõ ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong hơn 32.000 tỉ đồng trái phiếu ACB nắm giữ, 85% là trái phiếu Chính phủ và 15% trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

Trước đó, ngày 7/6, ACB đã phát hành hơn 506,6 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức năm 2022. Lượng cổ phiếu này được phân phối cho 58.268 cổ đông của nhà băng.

Phương án phát hành này đưa vốn điều lệ ngân hàng tăng nhanh từ 33.774,4 tỉ đồng lên vượt mức 38.840 tỉ đồng, tương ứng đang có hơn 3,88 tỉ cổ phiếu đang lưu hành.

Moody's xếp hạng tín nhiệm HDBank mức B1

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's dành mức xếp hạng B1 cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) về rủi ro đối tác dài hạn bằng đồng nội tệ và ngoại tệ, đánh giá rủi ro đối tác dài hạn được duy trì mức B1. Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ, xếp hạng tín nhiệm tiền gửi ngắn hạn bằng nội tệ và ngoại tệ đều giữ mức B1.

Moody's xếp hạng tín nhiệm HDBank mức B1/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Moody's xếp hạng tín nhiệm HDBank mức B1/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Moody's, việc duy trì mức xếp hạng tín nhiệm và đánh giá xếp hạng cơ sở (BCA) của HDBank phản ánh năng lực tài chính ổn định của ngân hàng này trong suốt chu kỳ của nền kinh tế, nhờ danh mục cho vay đa dạng, hiệu quả sinh lời mạnh mẽ cùng nền tảng vốn được củng cố.

Cụ thể, theo đánh giá của Moody’s, tỉ lệ nợ xấu (NPL) tại ngày 31/3/2023 của ngân hàng này là 1,9%, thấp hơn tỉ lệ NPL bình quân quân 2,3% của các ngân hàng Việt Nam đang được xếp hạng. Tổ chức xếp hạng này cũng nhận định việc ưu tiên cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giúp HDBank giảm rủi ro tập trung danh mục và hạn chế sự gia tăng đột biến của nợ xấu.

Về hiệu quả sinh lời, trong 3 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) của nhà băng này đạt 2,4%, cao hơn tỉ lệ ROA bình quân chỉ 1,7% của các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng.

Đối với triển vọng xếp hạng tín nhiệm, Moody’s bày tỏ quan điểm thận trọng về những tác động có thể có trong trường hợp HDBank tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại và tốc độ tăng trưởng dư nợ của ngân hàng trong thời gian qua.

Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, việc Moody's có quan điểm thận trọng là phù hợp nhưng phía HDBank cũng đã có những chiến lược cho nhiệm vụ này. Đối với tốc độ tăng dư nợ, chất lượng tài sản của ngân hàng đang tốt nhờ chiến lược cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn cùng tài trợ chuỗi.

Quý I/2023, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.743 tỉ đồng. Các tỉ lệ an toàn vốn, nợ xấu, tỉ lệ sinh lời tiếp tục duy trì ở mức tốt trong ngành. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt 12,5%, trong đó tỉ lệ an toàn vốn cấp 1 đạt 10%.

Tỉ lệ nợ xấu hợp nhất 1,9% và riêng lẻ là 1,5%, thấp hơn tỉ lệ nợ xấu toàn ngành (khoảng 2,9% đến cuối tháng 2/2023). Chi phí hoạt động được quản trị hiệu quả, với tỉ lệ chi phí/thu nhập ở mức 34,6% cải thiện từ mức 39,3% cuối năm 2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-146-vib-ghi-nhan-tang-manh-no-xau-va-giam-doanh-thu-bao-hiem-687156.html