Tin ngân hàng ngày 15/11: Agribank lãi gần 22.000 tỷ sau 9 tháng
ACB duy trì xếp hạng triển vọng ổn định từ Fitch, Moody's; Thanh tra Tài chính kiến nghị xử lý gần 68 nghìn tỷ đồng; Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đạt gần 7,4%... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Agribank lãi gần 22.000 tỷ sau 9 tháng
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 21.860 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản đạt của Agribank đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 hơn 1,73 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng.
Với kết quả trên, Agribank đã vượt qua một loạt ông lớn trong ngành như MB (20.019 tỷ đồng), BIDV (19.763 tỷ đồng), VietinBank (17.401 tỷ đồng), Techcombank (17.115 tỷ đồng) và trở thành nhà băng lãi lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.
Trước đó, ngân hàng này báo lãi hợp nhất trước thuế gần 13.500 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Con số này thấp hơn hai ngân hàng trong nhóm Big4 là Vietcombank (gần 20.500 tỷ) và BIDV (gần 13.900 tỷ)
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản đạt của Agribank đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 hơn 1,73 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định.
Trong báo cáo mới công bố, Fitch Ratings nhấn mạnh Agribank có vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam và vai trò chiến lược trong việc hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp Việt Nam với khoảng 14% thị phần tiền gửi và trên 40% thị phần tín dụng nông nghiệp nông thôn. Agribank có nguồn vốn huy động tiền gửi lớn nhờ có thế mạnh về mạng lưới hoạt động sâu rộng và rủi ro tập trung thấp với nguồn tiền gửi cá nhân luôn chiếm trên 70% tổng tiền gửi.
Theo Fitch Ratings, khả năng sinh lời của Agribank tăng dần trong những năm gần đây là kết quả có được từ việc tái cơ cấu nhằm cải thiện năng suất và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thu hồi nợ sau xử lý là một nguồn thu nhập đáng kể và ổn định của ngân hàng trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai, thanh khoản của Agribank ở mức tương đối cao.
ACB duy trì xếp hạng triển vọng ổn định từ Fitch, Moody's
ACB được Fitch Ratings xếp hạng BB-, Moody's duy trì mức Ba3 dựa trên chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, năng lực quản trị rủi ro.
Theo báo cáo của Fitch Ratings, xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB duy trì ở mức "BB-" (ổn định), được củng cố bởi xếp hạng VR. Các tiêu chuẩn cấp tín dụng ổn định giúp duy trì mức độ nợ xấu ở mức kiểm soát và dưới mức trung bình ngành dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Fitch nhận định ACB có chất lượng khoản vay tốt, hồ sơ tín dụng ổn định khi tập trung vào cho vay mảng bán lẻ. Danh mục đầu tư an toàn, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp; dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bị ảnh hưởng bởi hai lĩnh vực này.
Năng lực quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp, dưới mức trung bình ngành dù tăng 1,2% so với 9 tháng năm 2022. Fitch kỳ vọng các chỉ số chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ duy trì ổn định trong thời gian 12-18 tháng tới khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.
Chung nhận định về triển vọng ổn định, Moody's duy trì xếp hạng Ba3 cho ACB về tiền gửi và phát hành tiền tệ dài hạn bằng nội tệ (LC), ngoại tệ (FC) (LT) cũng như đánh giá tín dụng của ngân hàng. Đơn vị cũng được đánh giá cao về năng lực tài chính với khả năng sinh lời, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp một vượt yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước.
Moody's nhận định vốn hóa của đơn vị cải thiện trong vài năm qua, hỗ trợ bởi khả năng duy trì vốn và khả năng sinh lời cao hơn. Vốn chủ sở hữu chung hữu hình (TCE) tính theo phần trăm tài sản có rủi ro (RWA) tăng lên 11,4% vào cuối tháng 6 năm nay.
Đại diện ngân hàng cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng Fitch và Moody's vẫn giữ mức đánh giá "triển vọng ổn định", cho thấy mức độ tin cậy của các tổ chức với hoạt động đơn vị. Theo kết quả kinh doanh 9 tháng vừa công bố, ACB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm. Mức sinh lời thuộc nhóm cao, ROE ở mức 24,5%.
Thanh tra Tài chính kiến nghị xử lý gần 68 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 60.881 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 596.305 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 868 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 67.771,3 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 19.765,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 43.702 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 4.303,8 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 13.650,6 tỷ đồng.
Riêng ngành Thuế, tính đến 27/10/2023, toàn ngành đã thực hiện được 52.596 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 65,6% kế hoạch năm 2023 và bằng 94,2% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 492.641 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 86,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 48.704,97 tỷ đồng bằng 95,09% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với ngành Hải quan, từ 16/9 - 15/10/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.238 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 666,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 9 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 48,8 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/10/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.691,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 433,5 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đạt gần 7,4%
Cụ thể, đến ngày 31/10/2023, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Trong 9 tháng năm 2023, NHNN đã tổ chức 14 hội nghị, cuộc họp bàn; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức.
Ngoài ra, vừa qua NHNN cũng đã tổ chức 2 hội nghị triển khai các công điện (số 990/CĐ-TTg và 993/CĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ.
Công điện 990 là văn bản về thực hiện các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2023.
Tại Công điện 993, Thủ tướng giao NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát để cắt giảm các thủ tục không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Công điện 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Công điện 993, Thủ tướng giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/