Tin ngân hàng ngày 24/1: Kiều hối chuyển về TP HCM năm 2023 đạt trên 9,5 tỷ USD

Doanh thu của VIB năm 2023 tăng trưởng 23%, lợi nhuận vượt 10.700 tỷ; Bắt thanh niên giả danh công an, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng; Kiều hối chuyển về TP HCM năm 2023 đạt trên 9,5 tỷ USD… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa ký ban hành Công điện số 01/CĐ-NHNN, yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, các tổ chức cần tập trung nguồn lực vào việc tổ chức và vận hành hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch giao dịch tài chính quốc gia, và bù trừ điện tử. Đồng thời, phải đảm bảo công tác điều hòa, lưu thông và cung ứng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong dịp Tết, đồng thời bảo đảm an ninh và an toàn kho quỹ, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng nước ngoài cũng được yêu cầu triển khai hiệu quả các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ để phục vụ du khách nước ngoài. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền.

Thống đốc cũng chỉ đạo giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để đảm bảo cung ứng tiền mặt cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm trường hợp ATM thiếu tiền do lỗi chủ quan của ngân hàng trong dịp Tết.

Các đơn vị ngân hàng chấp hành nghiêm túc quy định kiểm kê cuối ngày và định kỳ, tăng cường bảo vệ kho tiền, nơi giao dịch tiền mặt.

Song song đó theo dõi sát tình hình thu, chi tiền mặt trong hệ thống để kịp thời có phương án xử lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của khách hàng trước, trong và sau dịp Tết; có phương án bố trí nhân sự làm việc để cung ứng các dịch vụ thanh toán thiết yếu phục vụ người dân ổn định, an toàn, thông suốt.

Ngoài ra, tăng cường cảnh giác đối với phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM.

Doanh thu của VIB năm 2023 tăng trưởng 23%, lợi nhuận vượt 10.700 tỷ

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất trước kiểm toán cho năm 2023 với doanh thu tiếp tục đà tăng trưởng tốt, hiệu quả kinh doanh vượt trội, bảng tổng kết tài sản vững mạnh và uy tín thương hiệu ở top đầu ngành.

Kết thúc năm 2023, VIB đạt tổng doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2022, trong đó thu nhập từ lãi đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm 22% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, bảo hiểm, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.

Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát tốt, duy trì ở mức 6.600 tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ trong bối cảnh VIB đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thương hiệu, mạng lưới chi nhánh và con người. Mức chênh lệch 16% giữa tăng doanh thu và tăng chi phí đã giúp gia tăng hiệu quả chi phí của VIB, với hệ số CIR (chi phí/doanh thu) giảm chỉ còn 30%, mức tốt nhất từ trước tới nay và ở top đầu ngành. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đạt trên 15.500 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2022.

Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 4.800 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2022. Kết thúc năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản VIB đạt gần 410.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng cuối kỳ đạt hơn 267.000 tỷ đồng, tăng 14,2%, sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn hệ thống.

Đáng chú ý, nhờ các biện pháp quản trị rủi ro chặt chẽ cùng khẩu vị rủi ro thận trọng, tỷ lệ nợ xấu của VIB đã giảm mạnh, chỉ ở mức 2,2% so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1 và đang có xu hướng tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường có nhiều tín hiệu tích cực cùng mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong vòng 20 năm trở lại đây.

Bắt thanh niên giả danh công an, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng

Ngày 23/1, Công quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Tấn Tôn (SN 2003, trú 14 Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Theo điều tra ban đầu, Phòng An ninh mạng (Công an TP Đà Nẵng) phát hiện một tài khoản ngân hàng có dấu hiệu nhận tiền vi phạm pháp luật, nên đã phối hợp với ngân hàng tiến hành phong tỏa tài khoản này để điều tra.

Đến ngày 11/1, Phòng An ninh mạng phối hợp Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hải Châu phát hiện Huỳnh Đình Hiếu (SN 1994, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, là chủ tài khoản ngân hàng nói trên) đang đi cùng Nguyễn Tấn Tôn đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận Hải Châu để yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa tài khoản và rút số tiền hơn một tỷ đồng.

Qua đấu tranh, công an xác định sau khi tài khoản ngân hàng trên bị phong tỏa, Nguyễn Tấn Tôn được một đối tượng tên “Vũ” thuê để tới Đà Nẵng tìm chủ tài khoản để đến ngân hàng mở phong tỏa nhằm rút số tiền “bẩn” và hứa trả công 71 triệu đồng.

Khi đến Đà Nẵng, Tôn liên hệ cho Huỳnh Đình Hiếu và tự xưng mình là “công an”, yêu cầu Hiếu hợp tác rút tiền. Tuy nhiên, khi đang thực hiện việc này, thì cả hai bị công an triệu tập làm việc.

Ngoài ra, từ tháng 3/2023 đến nay, Nguyễn Tấn Tôn còn thực hiện hành vi thu thập, mua gần 400 thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để bán qua mạng xã hội.

Tiếp tục mở rộng vụ việc, công an còn triệu tập thêm đối tượng Ngô Thanh Mạnh (SN 1997, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - người đã mua khoảng 108 tài khoản ngân hàng (trong đó có tài khoản của Huỳnh Đình Hiếu) để bán cho một người tên Sáng (trú tỉnh Bình Định) thông qua mạng xã hội.

Theo Phòng An ninh mạng (Công an Đà Nẵng), thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng có nội dung về việc thu mua, thuê mượn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng.

Với việc không ý thức được tính nguy hiểm của việc mua bán, cho thuê thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, nhiều người dân có thể gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý hành chính thậm chí là hình sự.

Kiều hối chuyển về TP HCM năm 2023 đạt trên 9,5 tỷ USD

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột vũ trang… ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối song lượng kiều hối chuyển về TP HCM trong năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9.46 tỷ USD.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM nhận định, đây là kết quả ấn tượng, thể hiện trên 4 phương diện chính sau:

Thứ nhất, lượng kiều hối chuyển về TP HCM năm 2023 đạt 9.46 tỷ USD, tăng 43.3% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

Thứ hai, nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2.7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố.

Thứ ba, kiều hối chuyển về Thành phố năm 2023 gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài. Theo đó, phân tích kiều hối theo khu vực, thì lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 51% và tăng trưởng 144% so với cuối năm 2022 . Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm. Đặc biệt, kiều hối từ khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao, sau khu vực châu Á (chiếm 29%), song giá trị kiều hối chuyển về lại giảm 10%. Thị trường lao động, dịch vụ và du lịch mở cửa và phát triển sau đại dịch tại các nước khu vực châu Á, cùng môi trường kinh tế, chính trị ổn định là yếu tố tác động tích cực đến kiều hối chuyển về từ khu vực này trong năm 2023 và trong thời gian tới.

Thứ tư, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối; các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao; hoạt động kết nối và thông tin tuyên truyền về thành tựu đất nước, sự phát triển của đất nước… đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới và dịch vụ chi trả kiều hối của các NHTM và các doanh nghiệp trực tiếp chi trả kiều hối phát triển, tiện ích, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn cũng góp phần quan trọng thu hút kiều hối chuyển về đất nước nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng trong năm 2023.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-241-kieu-hoi-chuyen-ve-tp-hcm-nam-2023-dat-tren-95-ty-usd-704448.html