Tín ngưỡng lạ của các ngôi sao nước ngoài (Kỳ 3): 'Miêu nữ' Michelle Pfeiffer và giáo phái chỉ 'ăn' không khí để sống

Khi mới bước chân vào giới giải trí, ngôi sao Hollywood Michelle Pfeiffer đã từng tham gia vào một giáo phái tu hành kỳ lạ, được gọi là Khí thực giáo (Breatharianism).

“Miêu nữ” Michelle Pfeiffer từng bị “lôi kéo” tham gia Khí thực giáo.

“Miêu nữ” Michelle Pfeiffer từng bị “lôi kéo” tham gia Khí thực giáo.

Những tín đồ của giáo phái này tin rằng con người có thể sống mà không cần thức ăn, nước uống bởi ánh sáng mặt trời và không khí có thể cung cấp cho cơ thể mọi thứ nó cần.

Giải quyết vấn nạn đói bằng cách … ngừng ăn?

Phong trào Khí thực giáo xuất hiện ở Mỹ trong khoảng thập niên 90, được khởi xướng bởi một người Úc – Ellen Greve, còn được gọi là “Jasmuheen”. “Bậc thầy khí thực” sinh năm 1957 này đã tuyên bố rằng bà có thể sống nhiều tháng mà không cần ăn uống mà chỉ cần tiếp nạp không khí và ánh nắng.

Nguồn gốc của việc “ăn” không khí trong Khí thực giáo bắt nguồn từ khái niệm “prana”, tiếng Phạn cổ có nghĩa là “sinh lực”. Theo triết lý của Ấn Độ giáo, “prana” tràn ngập trong vũ trụ và chảy xuyên qua mọi dạng sự sống cùng các vật thể vô tri.

Ellen Greve đã sử dụng “prana” để giải thích cho những tín đồ Khí thực giáo vì sao con người không cần ăn uống gì mà vẫn có thể sống – bởi lẽ “prana” là “thức ăn duy nhất” và là nguồn năng lượng bổ dưỡng để nuôi sống cơ thể. Từ đó, Ellen Greve cũng lập luận rằng đây chính là cách để giải quyết nạn đói trên thế giới, đó là chỉ cần chúng ta … ngừng ăn đi!? Bà thậm chí còn viết sách hướng dẫn cách đạt tới cảnh giới nêu trên, đơn cử cuốn “Sống bằng ánh sáng” (Living on the light).

Trong khi nhịn ăn vốn là một phần quan trọng trong các tôn giáo lớn bao gồm Ấn Độ giáo, Công giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Lão giáo và Do Thái giáo… thì những người Khí thực giáo lại đưa hình thức này lên một cấp độ “cao siêu” hơn. Thông thường bạn chỉ nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định và ăn uống trở lại một số loại thức ăn, nhưng với Khí thực giáo thì bạn phải chuẩn bị cho việc nhịn ăn trọn đời, dù cuộc sống đó dài hay ngắn.

Trong khi nhiều người cảm thấy “nực cười” trước giáo phái “ăn” không khí và ánh nắng để sống, Khí thực giáo có một lượng tín đồ đông đảo và thành công ngoài mong đợi. Thậm chí, một tín đồ sùng đạo khác là Wiley Brooks đã tuyên bố đã tồn tại hơn 30 năm với chỉ không khí và ánh sáng mặt trời. Ông sáng lập ra Viện Khí Thực Mỹ (BIA) và tuyên bố rằng “nếu bạn muốn tham gia, bạn sẽ chỉ mất 10 triệu đô la”.

Hình minh họa của họa sĩ Ward Sutton về cách “tu hành” của Khí thực giáo.

“Miêu nữ” kể lại trải nghiệm khủng khiếp thời trẻ

Rõ ràng là ngay cả thực vật cũng không thể tồn tại chỉ với không khí và ánh sáng mặt trời, nên không có cách nào mà con người có thể sống chỉ dựa vào điều này. Vậy làm thế nào mà nhiều người bị lôi kéo vào Khí thực giáo, thậm chí chi trả rất nhiều tiền và sùng bái các “bậc thầy khí thực”?

Trên thực tế các giáo phái thường biết cách nắm bắt điểm yếu tâm lý và dùng nhiều phương pháp tinh vi để lôi kéo người tham gia.

Đối với những thành viên mới, thoạt đầu Khí thực giáo không có vẻ “quá điên rồ”, đặc biệt họ sẽ không được thông báo về mục tiêu cuối cùng. Họ bắt đầu với việc chuyển sang chế độ ăn chay đơn giản rồi trở thành người ăn chay trường, sau đó cắt bỏ khẩu phần xuống còn mỗi trái cây và cuối cùng chỉ tiêu thụ chất lỏng như nước lọc trước khi ngừng hoàn toàn thức ăn, nước uống.

Đó cũng là cách nữ diễn viên Michelle Pfeiffer từng bước “lún sâu” vào Khí thực giáo khi mới bước chân vào giới showbiz Mỹ. Năm 1978, Pfeiffer đã giành chiến thắng tại cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Quận Cam, và tiếp tục tham gia Hoa hậu California, kết thúc ở vị trí thứ sáu. Trước khi nổi tiếng với những vai diễn đình đám trong điện ảnh Hollywood như vai miêu nữ trong “Batman Returns” (1992), Michelle Pfeiffer đã phải giữ một chế độ ăn kiêng cực kì khắt khe để giữ cho cơ thể đẹp hơn.

Bốn cấp độ: Từ ăn rau quả cho đến “ăn” không khí để sống.

Nữ diễn viên trẻ tuổi đã gặp một cặp vợ chồng với vai trò là “huấn luyện viên cá nhân” của cô. Họ đã khuyến khích cô ấy thực hiện chế độ ăn kiêng khắc nghiệt mà thực chất chính Khí thực giáo. Mãi đến năm 2013, nữ diễn viên Hollywood từng ba lần được đề cử giải Oscar mới có thể bộc bạch trước công chúng về trải nghiệm đáng sợ của bà với giáo phái này.

Nói về cặp đôi này, Pfeiffer cho biết: “Họ đã rất kiểm soát. Tôi không sống cùng họ nhưng tôi đã dành rất nhiều thời gian ở nơi của họ và họ luôn nói với tôi rằng tôi cần phải đến nhiều hơn nữa. Tôi đã phải trả tiền cho tất cả thời gian ở đó, vì vậy nó rất kiệt quệ về mặt tài chính.”

Pfeiffer cho biết người chồng đầu tiên của bà – Peter Horton đã “cứu” bà ra khỏi giáo phái này. Đó là khi Horton tham gia dự án phim “Moonies” kể nhà thờ của Mục sư Moon Sun-myung, Pfeiffer đã được nói chuyện với những tín đồ đã rời khỏi đạo này. Lúc ấy, bà mới tỉnh ngộ nhận ra mình cũng đang tham gia một giáo phái và là một tín đồ u mê như vậy. Rõ ràng chấp nhận chính là giai đoạn đầu tiên để có thể thoát ra. Sau đó, Pfeiffer đã có thể từ bỏ Khí thực giáo.

Tất nhiên chúng ta cần đồ ăn, nước uống… để sống

Có nhiều tôn giáo kỳ lạ nhưng trong đó có lẽ Khí thực giáo (Breatharianism) được xếp hạng là tôn giáo “hại thân” bậc nhất. Nhà khoa học dinh dưỡng Helena Gibson-Moore nói rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh chỉ cần thở có thể cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu.

“Mọi người đều cần năng lượng (calo) để cơ thể hoạt động tốt. Chế độ ăn kiêng chỉ gồm nước trái cây và trà bởi ít năng lượng nên ban đầu có thể giúp giảm cân, nhưng về lâu dài bạn sẽ thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng để có sức khỏe tốt. Việc chỉ tiêu thụ một nhóm thực phẩm như trái cây và rau củ, mà không cân bằng với các nhóm thực phẩm khác, sẽ không tốt cho sức khỏe và có thể gây hại nếu kéo dài”, Gibson-Moore cho biết.

Khoa học đã chứng minh, nếu không ăn và uống nước, máu trở nên đặc hơn, cơ thể đốt nhanh dự trữ glycogen, protein, chất béo - nói cách khác là “cơ thể tự ăn chính nó để tồn tại”. Không uống nước, con người chỉ có thể tồn tại trong khoảng 7 đến 10 ngày, khó thể kéo dài đến vài tuần, vài tháng như Khí thực giáo khẳng định. Việc thiếu nước và chất dinh dưỡng dần dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, các cơ quan sẽ bắt đầu ngừng hoạt động, các cơn co giật thường xảy ra và có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, hôn mê và cuối cùng là tử vong.

Thực sự đã có người mất mạng khi cố gắng theo Khí thực giáo. Verity Linn (49 tuổi) được tìm thấy đã chết ở Scotland sau khi theo đuổi giáo phái này. Temo Degan rơi vào trạng thái hôn mê sau khi cố gắng tu hành theo kiểu “ăn” không khí để sống, mặc dù được đưa vào viện cấp cứu, anh cũng không sống sót. Lani Morris, mẹ của 9 đứa trẻ, bị viêm phổi và đột quỵ dẫn đến tử vong do không ăn uống.

Tuy nhiên, những người “sùng tín” Khí thực giáo có thể sẽ phủ nhận những nguy hiểm sức khỏe nêu trên, đổ lỗi cho sự thiếu chuẩn bị của các thành viên. Như Ellen Greve từng nói rằng “Nếu một người không được chuẩn bị và không lắng nghe tiếng nói bên trong của họ, có thể có rất nhiều vấn đề ... từ việc sụt cân nghiêm trọng đến thậm chí mất mạng”. Theo tờ New York Post, chuyên gia tiêu hóa Roshini Raj (Đại học New York) đã chỉ trích “Khí thực giáo rõ ràng không dựa trên y học, tách rời khỏi thực tế cuộc sống”, và gọi những người thực hành lối sống này là “quá ảo tưởng”.

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tin-nguong-la-cua-cac-ngoi-sao-nuoc-ngoai-ky-3-mieu-nu-michelle-pfeiffer-va-giao-phai-chi-an-khong-khi-de-song-post437091.html