Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tinh thần dân tộc Việt (*)
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Thưa các vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể đồng chí, đồng bào.
Hôm nay, trong tiết Thanh minh ấm áp đầu xuân năm mới Nhâm Dần, hòa trong không khí cả nước đang hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể khách quý vui mừng đến dự Lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ và xin gửi đến các vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời thăm hỏi thân ái và tình cảm nồng nhiệt nhất.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính của buổi lễ hôm nay, chúng ta nhớ lời của các bậc tiền nhân: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Bao đời nay, từ trong tâm thức của mỗi người dân Việt đã coi các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam và là tổ tiên chung của cả dân tộc. Đó là một giá trị truyền thống riêng có của nước Việt ta.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt ta; là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời, đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng và mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.
Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tinh thần dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với “sông núi nước Nam, vua Nam ở” và gìn giữ thái bình, không ngừng mở mang, hợp tác phát triển. Tại Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, sau khi nước ta mới giành được độc lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ tế lễ, dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam để cáo với tổ tiên về ý chí quyết giữ trọn vẹn non sông.
Từ bao đời nay, Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ là nơi thực hành các nghi lễ trang nghiêm thờ cúng các Vua Hùng. Ngoài ra còn có hàng trăm đình, đền, miếu... nơi người dân thành kính thờ cúng các Vua Hùng và các tướng lĩnh ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là cộng đồng người Việt ta ở nhiều nước trên thế giới cũng luôn luôn thành kính thờ cúng Quốc Tổ như một gắn kết thiêng liêng với tổ tông, với quê hương. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tôn tạo không gian thờ cúng trang nghiêm; đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy thế hệ trẻ; tiếp nối Sắc lệnh tháng 2-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để mọi người dân "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3" và cùng thành tâm hướng về cội nguồn của dân tộc.
Vươn xa đi khắp năm châu, cách đây 10 năm, năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trở thành niềm tự hào của cả quốc gia, dân tộc, của mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng.
Thưa các vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,
Tục lệ thờ cúng Vua Hùng luôn được con cháu người Việt giữ gìn và thành kính, tôn nghiêm. Thấu hiểu, trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân TP Cần Thơ và đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Sau hơn hai năm nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay, chúng ta vui mừng khánh thành công trình Đền thờ Hùng Vương TP Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh tại vùng đất phương Nam, vùng đất chín rồng anh dũng quật cường.
Tôi tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ tiếp tục kế thừa phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đưa TP Cần Thơ sớm trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc hào sảng, nghĩa tình miền sông nước Cửu Long...
Cùng với vinh dự là nơi đặt Đền thờ Hùng Vương tại TP Cần Thơ, tôi đề nghị thành phố làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình này một cách hiệu quả, thiết thực. Công trình Đền thờ Vua Hùng tại vùng đất phương Nam này sẽ là một điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng đất Bắc, như mạch nguồn Nam-Bắc một nhà và trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm.
Chúng ta xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại nơi đây không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhở đạo lý "uống nước nhớ nguồn" mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan.
Trong không khí kính lễ trang nghiêm hôm nay, trước anh linh các Vua Hùng, chúng ta hãy cùng nhau kết đoàn, nối nghiệp các bậc tiên tổ, như lời Bác Hồ dạy: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời dạy thiêng liêng của Bác không chỉ là lời căn dặn về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà với Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta còn có thêm sứ mệnh gìn giữ vùng đất màu mỡ trước các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Với việc "phải cùng nhau giữ lấy nước" cũng chính là đoàn kết quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 2-4-2022.
Một lần nữa, tôi xin kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Phát biểu của Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC
(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân