Tín ngưỡng thờ Tứ pháp trên đất Hà Nam
Tín ngưỡng Tứ pháp là tín ngưỡng thờ 4 vị thần tự nhiên được tôn phong là Phật, gồm: thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện). Đây là 4 vị thần có ảnh hưởng quyết định đến nền sản xuất nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên của người Việt xưa. Tín ngưỡng này xuất hiện từ những năm đầu Công nguyên, đầu tiên là ở vùng Luy Lâu – thủ phủ đất Giao Châu xưa (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) rồi lan tỏa đi nhiều địa phương khác ở Bắc Bộ, trong đó có Hà Nam.
Tín ngưỡng Tứ pháp là tín ngưỡng thờ 4 vị thần tự nhiên được tôn phong là Phật, gồm: thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện). Đây là 4 vị thần có ảnh hưởng quyết định đến nền sản xuất nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên của người Việt xưa. Tín ngưỡng này xuất hiện từ những năm đầu Công nguyên, đầu tiên là ở vùng Luy Lâu – thủ phủ đất Giao Châu xưa (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) rồi lan tỏa đi nhiều địa phương khác ở Bắc Bộ, trong đó có Hà Nam.
Ở Hà Nam, theo khảo cứu sơ bộ của những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có 9 nơi thờ Tứ pháp, nhiều nhất là ở huyện Kim Bảng, sau đến thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên. Nơi thờ Tứ pháp còn đậm nét nhất ở Hà Nam là chùa Bà Đanh (thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, Kim Bảng).
Câu chuyện về sự ra đời của Tứ pháp ở chùa Bà Đanh cũng là câu chuyện chung nhất về sự hôn phối thần thánh giữa một cô gái bản địa vùng Luy Lâu mang tên Man Nương với một thiền sư Ấn Độ. Luy Lâu dưới thời Đông Hán đô hộ là nơi dân cư đông đúc, sầm uất, nơi nhiều vị cao tăng từ xứ Thiên Trúc (Ấn Độ) tìm đến truyền đạo, trong đó có vị thiền sư mang tên Khâu Đà La. Vì một sự vô ý của thiền sư khi bước qua người Man Nương đang ngủ – một cô gái mồ côi đến thụ giáo tại chùa, khiến cô mang thai. Cái thai này là một bé gái khi sinh ra đã được Man Nương mang trả lại cho vị thiền sư. Nhà sư bèn đem đứa bé đến cây dâu cổ thụ bên sông Thiên Đức (sông Đuống) cạnh thành Luy Lâu, niệm chú rồi dùng thiền trượng gõ vào gốc cây. Gốc cây liền nứt ra, Khâu Đà La đặt đứa bé vào đó, vết nứt dần khép lại. Cây dâu cổ thụ sau một lần mưa to gió lớn đổ xuống, được thần nhân báo mộng lấy gỗ ấy tạc tượng thờ sẽ được hưởng phúc lớn, dân làng làm theo, tạc được 4 pho tượng đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện rồi đem thờ ở 4 ngôi chùa xung quanh thành Luy Lâu.
Câu chuyện Man Nương và Tứ pháp chính là câu chuyện cổ về Phật giáo thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam. Với màu sắc tín ngưỡng dân gian hòa cùng những yếu tố Phật giáo, đạo Tứ pháp là một tôn giáo bản địa với tín ngưỡng cầu mưa, cầu tạnh của cư dân nông nghiệp. Tứ pháp chính là các nhân vật tín ngưỡng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, các bà vừa là Thần, vừa là Phật được thờ trong các chùa, điện vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong 9 ngôi chùa thờ Tứ pháp ở Hà Nam, thờ nhiều nhất là Pháp Vân, sau đến Pháp Vũ và Pháp Lôi. Với huyền tích về sự ra đời Tứ pháp nên các làng thờ các vị nữ thần đều là những ngôi làng Việt cổ với đình làng, chùa làng có lịch sử hàng trăm năm thờ Tứ pháp gắn với những lễ hội đậm chất vùng quê chiêm trũng Hà Nam. Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng 7, đặc biệt vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch – ngày hóa của Phật Mẫu Man Nương, dân khắp nơi lại đến các ngôi chùa Tứ pháp xem mở hội, rước kiệu, cầu nguyện tấp nập.
Vào các năm hạn hán hay mưa gió thất thường, các chùa thờ Tứ pháp, như: chùa Bà Đanh, chùa Bầu (Đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý); chùa Quế Lâm (thôn Văn Lâm, thị trấn Quế, Kim Bảng), chùa Châu Quang (thôn Thần Nữ, phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên)… người đến cúng lễ rất đông. Đến nay, những ngôi chùa này vẫn là điểm đến tâm linh của rất nhiều người, không chỉ nhân dân trong vùng, trong tỉnh mà cả nhân dân các tỉnh bạn.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, với nhiều biến động chính trị và xã hội, nhiều ngôi chùa thờ Tứ pháp ở Hà Nam cũng có sự biến động theo, khiến cho một số yếu tố của tín ngưỡng Tứ pháp ở đây không còn giống với nơi nó phát tích và ở thời điểm hiện tại không giống thời điểm người dân xây dựng lên để thờ Tứ pháp.
Tượng Bà Đanh (vị thần Pháp Vũ trong Tứ pháp) chùa Bà Đanh, Kim Bảng. Ảnh: P.V
Tại chùa Bà Đanh, chùa thờ bà Pháp Vũ phối thờ Phật giáo Đại thừa trở thành ngôi chùa thờ Phật: Phật dân gian của người Việt - Pháp Vân và Phật giáo Đại thừa, giống với các ngôi chùa thờ Tứ pháp Bắc Ninh. Nhưng nếu so sánh với các bức tượng thờ Tứ pháp ở Bắc Ninh thì ở chùa Bà Đanh có sự khác biệt hẳn. Tượng Tứ pháp ở Bắc Ninh đều có vẻ cổ quái, dễ sợ, nhất là tượng Pháp Lôi, Pháp Điện với mặt dài, cổ cao, mắt dài tô màu vàng, áo khoác vàng, đầu đội mũ gỗ kiểu cánh sen thất Phật, thân tượng cao to. Ở chùa Bà Đanh, tượng bà Pháp Vân có khuôn mặt hiền từ, da trắng, đầu đội mũ kim khôi, giống tượng các vị thánh Mẫu. Ở chùa Bà Đanh, cứ định kỳ người dân thôn Đanh Xá lại có tục đưa tượng bà đi quang phấn với nhiều nghi thức độc đáo. Pho tượng Pháp Vân chùa Bà Đanh nhìn gần gũi, thân thiện nên ngoài cầu mưa thuận gió hòa, nhiều người còn đến đây cầu tự. Chùa Bà Đanh vẫn được nhiều người biết đến là ngôi chùa thờ Tứ pháp. Năm 2019 lễ hội chùa Bà Đanh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia càng làm tín ngưỡng thờ Tứ pháp được nhiều người biết đến.
Chùa Bầu là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, hiện là trung tâm Phật giáo của tỉnh Hà Nam. Theo thần tích, chùa Bầu thờ bà Pháp Vân phối thờ thiền sư Khâu Đà La cùng Thủy tinh phu nhân và Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Tuy nhiên, sau lần chùa Bầu được xây dựng mới khang trang to đẹp hơn gần đây, tín ngưỡng thờ Tứ pháp đã phần nào mờ dần. Chùa Bầu hiện là ngôi chùa thờ Phật Đại thừa, là trụ sở Giáo hội Phật giáo Hà Nam và là nơi diễn ra các hoạt động Phật sự hằng năm. Ngôi chùa nhỏ thanh tịnh, yên bình, thoáng đãng nằm sát mép hồ Bầu với tín ngưỡng thờ Tứ pháp của người dân thôn Bảo Thôn xưa chỉ còn lại trong ký ức.
Có thể nói, đạo Tứ pháp là một sáng tạo văn hóa độc đáo của người Việt. Nó thể hiện sự cởi mở trong giao lưu văn hóa của cha ông ta, tiếp thu cái mới nhưng không nguyên bản mà Việt hóa cho phù hợp với tâm thức và truyền thống dân tộc. Với cư dân nông nghiệp xưa “trông trời, trông đất, trông mưa”, làm ăn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Với vùng chiêm trũng Hà Nam, ngoài việc chủ động đắp đê ngăn nước lũ thì người dân sử dụng thêm biện pháp tâm linh nữa là cầu mưa, cầu tạnh. Đạo Tứ pháp đã đáp ứng nhu cầu này và không ít lần linh ứng đã trở thành một phần văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh làm đậm nét thêm nền văn hóa truyền thống Hà Nam.