Tin nhắn cuối cùng 'đau xé ruột' của bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19

Nhân viên y tế tuyến đầu phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus cao. Các nguồn thạo tin cho biết nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh và tử vong nhưng không được công khai danh tính.

Madhvi Aya từng là một bác sĩ tại Ấn Độ. Sau khi nhập cư vào Mỹ, bà trở thành trợ lý bác sĩ cho Trung tâm Y tế Woodhull, Brooklyn suốt 12 năm nay, theo The New York Times.

Khi đại dịch bùng phát, Aya chuyển sang làm việc cho phòng cấp cứu và phải tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Chỉ tính riêng bang New York, virus corona lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và bà Aya là một trong số đó.

Trong những ngày cuối đời, Madhvi Aya, 61 tuổi, phải một mình chống chọi với căn bệnh quái ác. Chồng và con gái của bà không được phép vào thăm do nguy cơ lây nhiễm cao. Aya được điều trị tại một cơ sở y tế xa lạ nên không có đồng nghiệp thân quen ở đó.

“Tình trạng của em không cải thiện rồi”, bà nhắn cho chồng, Raj, hôm 23/3. Gia đình bà Aya cho biết các cuộc gọi và tin nhắn thưa thớt dần khi bệnh tình của bà chuyển biến xấu.

“Con nhớ mẹ. Xin mẹ đừng bỏ cuộc vì con sẽ không bỏ cuộc đâu. Con cần mẹ về nhà với con”, tin nhắn của cô con gái Minnoli viết hôm 25/3 để động viên và an ủi mẹ mình.

 Tin nhắn cuối cùng của bà Madhvi Aya cho con gái. Ảnh: The New York Times.

Tin nhắn cuối cùng của bà Madhvi Aya cho con gái. Ảnh: The New York Times.

“Yêu con. Mẹ sẽ trở lại”, bà Aya hồi đáp. Thật đau lòng khi bà không thể giữ trọn lời hứa với con gái.

Nhân viên y tế tuyến đầu phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus cao. Các nguồn thạo tin cho biết rất nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh và tử vong nhưng không được công khai danh tính.

Tại Trung tâm Y tế Woodhull, bà Aya không phải là nhân viên duy nhất ra đi trong đại dịch. Bác sĩ chụp X-Quang, Thomas Soto, mới qua đời vì Covid-19 sau 12 ngày điều trị. Một nhân viên an ninh tại Woodhull, ông Herb A. Houchen, cũng tử vong trong đợt dịch này.

Theo gia đình bà Aya, bà chỉ được nhập viện khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Do bệnh viện quá tải, bà không được điều trị kịp thời nên đã ra đi khi không có ai bên cạnh.

 Gia đình của bà Madhvi Aya trong Lễ Tốt nghiệp của con. Ảnh: The New York Times.

Gia đình của bà Madhvi Aya trong Lễ Tốt nghiệp của con. Ảnh: The New York Times.

“Cô ấy luôn sẵn sàng ở bên bệnh nhân. Nhưng khi cô ấy ngã bệnh, chẳng có ai ở đó cả”, chồng bà Aya chia sẻ với The New York Times.

Cô con gái Minnoli cho biết cảm xúc của cô chuyển từ đau buồn sang giận dữ. Cô muốn đổ lỗi cho một hệ thống y tế không đủ khả năng bảo vệ các nhân viên tuyến đầu.

Người ta vẫn chưa tìm ra cách để truy dấu mầm bệnh lây nhiễm cho bà Aya. Theo một nhân viên của Trung tâm Y tế Woodhull, mãi tới khi dịch bệnh bùng phát, bệnh viện mới yêu cầu toàn bộ bệnh nhân phải đeo khẩu trang.

Phương Tây thấm thía về tác dụng của khẩu trang chống dịch Khi dịch bệnh hoành hành, các quốc gia ở châu Âu đã dần nhận ra vai trò của khẩu trang. Một số quốc gia bắt buộc mang khẩu trang hoặc khuyên người dân bảo vệ miệng và mũi.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-nhan-cuoi-cung-dau-xe-ruot-cua-bac-si-tuyen-dau-chong-covid-19-post1073694.html