Tin sáng 15/3: Những ai dễ tái nhiễm và có thể bị nặng hơn nếu nhiễm COVID-19 trở lại?; F0 không được ra khỏi nhà

Người mắc COVID-19 (F0) cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà. Trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người mắc hai biến chủng khác nhau, ví dụ như người đã mắc Detal, sau đó có thể nhiễm biến chủng mới như Omicron.

Bộ Y tế nói rõ F0 không được ra khỏi nhà

Nơi cách ly F0 phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm

Nơi cách ly F0 phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm

Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19".

Trước nội dung dư luận đang quan tâm, tối 14/3, Bộ Y tế nêu rõ: Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà.

Tại mục 5.4 về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm có nêu rõ: Người mắc COVID-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc COVID-19 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

"Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác"

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Tuy nhiên nội dung này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Trước việc dư luận có nhiều cách hiểu này, tối ngày 14/3, Tổ biên tập hướng dẫn đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT cho rõ, tránh hiểu nhầm:

Theo đó, nội dung trên được nói rõ, cụ thể là: "Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".

Hướng dẫn mới nhất này của Bộ Y tế thay thế Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế: số 261 ngày 31/01/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và số 528 ngày 03/03/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19.

Hướng dẫn mới nhất này quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 như: Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0; Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt: Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... Không bỏ bữa. Người bệnh ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

Nên nghỉ ngơi. Đối với người lớn nên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì tâm lý thoải mái.

Giáo viên và học sinh mắc COVID-19 tăng cao, nhiều nơi lại chuyển sang học trực tuyến

Cô trò Trường THCS Gia Thụy, Long Biên (Hà Nội) dạy học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.

Cô trò Trường THCS Gia Thụy, Long Biên (Hà Nội) dạy học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi với các sở GD&ĐT về vấn đề phòng chống dịch COVID-19 và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp. Ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể.

Để làm được việc này, người đứng đầu ngành GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. "Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh trở lại trường tới đó", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng đề nghị ngành giáo dục các địa phương phối hợp với ngành y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn.

Thực tế hiện nay, số ca mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng , hàng loạt địa phương trên cả nước đã phải điều chỉnh lịch đến trường của học sinh các cấp học phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID-19.

Những ai dễ tái nhiễm và có thể bị nặng hơn nếu nhiễm COVID-19 trở lại?

Thời gian gần đây, các trường hợp tái nhiễm COVID-19 đang được ghi nhận nhiều hơn, thậm chí nhiều ca tái nhiễm sau chưa đầy 1 tháng kể từ khi dương tính lần đầu.

Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.

Hoặc trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người mắc hai biến chủng khác nhau, ví dụ như người đã mắc Detal, sau đó có thể nhiễm biến chủng mới như Omicron.

Các bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khoảng 1 tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, COVID-19 liên tục biến đổi, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh.

Cũng theo các chuyên gia, những người chưa tiêm vaccine hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu, nhóm người trên 65 tuổi, nhóm người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền… sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác.

Bình an qua đợt Delta ở TP.HCM nhưng trở thành F0 vì Omicron

Minh Tâm tác nghiệp tại bệnh viện điều trị Covid-19 trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 8/2021 ở TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Minh Tâm tác nghiệp tại bệnh viện điều trị Covid-19 trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 8/2021 ở TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc nguồn bệnh trong môi trường nguy cơ cao, Minh Tâm (27 tuổi, TP.HCM) vẫn xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 suốt thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, chị bất ngờ trở thành F0 khi biến chủng Omicron chiếm ưu thế ở TP.HCM.

Từ tháng 6/2021, khi TP.HCM bùng phát dịch COVID-19 do biến chủng Delta, Minh Tâm cùng phóng viên ảnh tình nguyện xung phong vào các điểm nóng để ghi nhận câu chuyện chống dịch của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.

Suốt thời gian này, những vùng phong tỏa khi có ca nhiễm, khu điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, các bệnh viện dã chiến và trung tâm hồi sức COVID-19... nơi có nồng độ virus cao, Minh Tâm đều có mặt.

"Nhiều lần sau khi từ các bệnh viện về nhà, tôi bị đau họng và mệt, cứ ngỡ đã bị lây nhiễm, vậy mà suốt nhiều tháng, tôi vẫn âm tính với SARS-CoV-2", Tâm cho biết.

Chị kể lại tình huống tác nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức. Một bệnh nhân chuyển nặng được bác sĩ đặt nội khí quản, nồng độ virus dường như đậm đặc trong phòng bệnh nhỏ hẹp do người bệnh ho nhiều.

Người phụ nữ tử vong do phổi tổn thương hậu COVID-19

ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 62 tuổi trong tình trạng suy hô hấp.

Qua khai thác, bà từng mắc COVID-19 và điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Sau khỏi bệnh, bà được về nhà tự theo dõi sức khỏe. Một tháng sau, bệnh nhân vẫn khó thở, đến Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị được chẩn đoán suy hô hấp.

Chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) ở mức 80%, bà được chỉ định thở oxy nhưng tình trạng không cải thiện. Qua chụp CT ngực xác định bệnh nhân có tổn thương phổi, xơ hóa trắng xóa phổi.

Không đáp ứng điều trị, bệnh nhân được chuyển xuống khu Hồi sức tích cực, đặt ECMO nhưng sau 3 ngày tử vong.

Dấu hiệu hậu COVID-19 cảnh báo vấn đề về phổi

Khó thở có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày. Ảnh: Prevention.

Khó thở có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày. Ảnh: Prevention.

Khó thở chính là một trong những dấu hiệu đáng quan ngại nhất của COVID-19 do ảnh hưởng mọi hoạt động hàng ngày, kể cả lúc nghỉ ngơi. Đây cũng là dấu hiệu phổ biến cùng với các triệu chứng như ho và sốt. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể không nhận đủ oxy. Lượng oxy thấp sẽ ảnh hưởng não, tim và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.

Một số người mô tả họ gặp khó khăn trong việc thở mạnh, cảm thấy tức ngực khi hít vào hoặc thở ra, muốn hít mạnh hơn do cảm thấy thiếu không khí. Cảm giác khó thở này có thể tiếp diễn trong một khoảng thời gian sau khi khỏi bệnh.

Là bệnh truyền nhiễm của hệ hô hấp, SARS-CoV-2 gây bội nhiễm trong phổi sau khi xâm nhập vào cơ thể, ảnh hưởng hoạt động của cơ quan này theo nhiều cách. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó dẫn đến khó thở, sau đó là viêm phổi. Các trường hợp khó thở được báo cáo thậm chí vài tháng sau lần nhiễm trùng ban đầu, đó có thể là dấu hiệu của tổn thương phổi.

Các hoạt động bình thường có thể khiến bạn cảm thấy khó thở, ví dụ mặc quần áo, tắm rửa, làm công việc nhà, đi lên xuống cầu thang, đi bộ...

Hưng Yên cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ từ ngày 15/3

Đo thân nhiệt cho người dân (Ảnh: TTXVN)

Đo thân nhiệt cho người dân (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, từ ngày 15/3, tỉnh Hưng Yên đồng ý chủ trương mở lại hoạt động dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, games, rạp chiếu phim, gym, yoga, spa, cơ sở làm đẹp, cơ sở cắt tóc gội đầu, các dịch vụ ăn, uống (trừ ăn, uống vỉa hè), các hoạt động văn hóa, thể thao, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đám hiếu, đám cưới, đám hỏi.

Khi các hoạt động trên mở lại, các cơ sở phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nghiêm 5K theo quy định. Đối với người ra, vào tỉnh thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh thực hiện việc mở lại các hoạt động trên linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tiếp tục tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông đến trường học tập. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch khi học sinh đến trường học trực tiếp theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.

Nhiều địa phương vẫn cho phép F0 không triệu chứng đi làm

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tin-sang-15-3-nhung-ai-de-tai-nhiem-va-co-the-bi-nang-hon-neu-nhiem-covid-19-tro-lai-f0-tai-tphcm-da-duoc-ra-duong-chua-17222031410130098.htm