Tin thế giới 10/3: Nga dội tên lửa xuống Bắc Syria; Tàu chiến Mỹ đem vũ khí 'kỳ dị' đến Biển Đen; 'Thời khắc lịch sử' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nga tấn công tên lửa ở Syria, những vũ khí bí mật trên tàu chiến Mỹ ở Biển Đen, Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, căng thẳng ở Đông Ukraine... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế đáng chú ý trong ngày:
Nga tấn công kho chứa dầu của phiến quân ở Syria
Ngày 9/3, trang mạng evo-rus đưa tin, các tay súng thuộc lực lượng Quân đội Quốc gia Syria và một quan sát viên quân sự của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận, quân đội Nga đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa ở miền Bắc Syria.
Theo các nguồn tin, tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải đã bắn 3 quả tên lửa vào một cơ sở tiếp dầu mà lực lượng phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ở phía Bắc tỉnh Aleppo.
Theo đó, cuộc tấn công, được cho là diễn ra vào tối 5/3, đã gây ra một đám cháy lớn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô đám cháy đã được đăng tải lên mạng hôm 7/3.
Đám cháy do cuộc tấn công gây ra đã thiêu rụi hơn 180 xe tải và xe bồn, khiến 4 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương. (Evo-rus)
Đến lượt Twitter đối đầu Nga, Moscow thẳng tay 'trừng trị'
Ngày 10/3, cơ quan giám sát thông tin và truyền thông Nga Roskomnadzor thông báo bắt đầu giới hạn hoạt động của mạng xã hội Twitter tại nước này, theo đó giảm tốc độ dịch vụ của Twitter trên 100% thiết bị di động và 50% thiết bị cố định.
Lý do Roskomnadzor đưa ra là Twitter nhiều lần không gỡ bỏ các nội dung bị cấm đăng trên trang mạng xã hội này. Biện pháp này sẽ được áp dụng với ảnh và video đăng trên Twitter chứ không phải các bài đăng dạng văn bản.
Cơ quan này cảnh báo sẽ duy trì biện pháp mạnh đến khi Twitter gỡ bỏ các nội dung bị cấm, hoặc có thể chặn mạng xã hội này trên lãnh thổ Nga nếu tiếp tục không tuân thủ yêu cầu của luật pháp.
Trong khi đó, điện Kremlin khẳng định, không muốn đình chỉ hoạt động của Twitter tại nước này, nhưng các công ty phải tôn trọng luật pháp Nga. (Reuters)
Donbass: Quan chức Ukraine tố cáo Nga khiêu khích, Tổng thống Zelensky kêu gọi họp thượng đỉnh
Ngày 8/3, đại diện của Ukraine tại Nhóm tiếp xúc 3 bên Sergei Garmash cáo buộc Nga đang chuẩn bị “hành động khiêu khích” ở Donbass, miền Đông Ukraine, để đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào khu vực này.
Ngày 9/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nước châu Âu và tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để làm dịu tình hình căng thẳng gần đây với phe ly khai được Moscow hậu thuẫn.
Cũng theo Tổng thống Ukraine, nếu hội nghị thượng đỉnh vừa đề cập không trở thành hiện thực, ông sẵn sàng gặp riêng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Nga.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga kể từ khi ông Zelenskiy trúng cử năm 2019 với cam kết chấm dứt chiến tranh. (AFP)
Khủng hoảng Armenia: Tướng quân đội bị cách chức, Thủ tướng bị yêu cầu từ chức
Ngày 10/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này Onik Gasparyan đã bị cách chức.
Trong khi đó, hãng TASS của Nga cùng ngày đưa tin, lãnh đạo quân đội Armenia đã tiếp tục kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức, vài giờ sau tuyên bố trên của ông Pashinyan.
Hồi cuối tháng 2, Bộ tham mưu và các nhân vật cao cấp của quân đội Armenia đã yêu cầu ông Pashinyan từ bỏ quyền lực. (Reuters)
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Bộ tứ nhóm họp thượng đỉnh - 'thời khắc lịch sử'
Ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên lần thứ nhất, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, giữa lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản - hay còn được gọi là nhóm Bộ tứ - sẽ diễn ra vào ngày 12/3.
Ngày 10/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng, Hội nghị là "một bước tiến quan trọng nữa" để tăng cường mối quan hệ khu vực của Canberra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Morrison khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, hòa bình và ổn định của Australia.
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ sẽ "gửi một thông điệp mạnh mẽ" tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là "một thời khắc lịch sử" trong khu vực. (AFP)
Mỹ sắp hoàn tất chính sách với Bình Nhưỡng, vấn đề Triều Tiên sẽ được đặt trên bàn Bộ tứ
Ngày 9/3, một quan chức trong chính quyền Mỹ tiết lộ, tiến trình đánh giá lại của chính quyền Tổng thống Joe Biden về chính sách đối với Triều Tiên dự kiến có thể sẽ được hoàn tất “trong tháng tới”, song không tiết lộ thông tin về định hướng của Washington liên quan vấn đề này.
Cũng theo quan chức trên, Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng định đầu tiên của nhóm Bộ tứ. (Reuters)
Tàu khu trục Mỹ được trang bị vũ khí bí mật khi hoạt động ở Biển Đen
Theo The Drive, 2 tàu khu trục USS Porter và USS Donald Cook gần đây đã có mặt tại căn cứ quân sự ở Tây Ban Nha. Cả 2 tàu đều được lắp đặt những thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến mà đến nay vẫn ít được biết đến.
Đáng chú ý, các tàu chiến Mỹ sẽ nhận được một kho vũ khí được nâng cấp dành riêng cho các sứ mệnh ở Biển Đen để chống lại những cuộc tấn công bằng tên lửa đối hạm của Nga.
The Drive đưa ra kết luận như vậy sau khi phát hiện những thiết bị trên 2 tàu chiến Mỹ có hình dạng khá kỳ dị, vốn trước đây chưa từng bị bắt gặp.
The Drive khẳng định, các thiết bị bí mật này chỉ xuất hiện trên các tàu khu trục cách đây vài năm. Ngoài ra, các chuyên gia thậm chí còn phát hiện thấy hệ thống tác chiến điện tử được phát triển từ năm 2010, song những cuộc thử nghiệm đầu tiên chỉ được thực hiện vào năm 2016.
Mỹ có thể xem xét lại thời hạn rút quân khỏi Afghanistan
Ngày 9/3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cho biết, thời hạn rút quân đội nước này khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 tới có thể sẽ được xem xét lại bởi Taliban không đáp ứng được những cam kết của lực lượng này theo thỏa thuận hòa bình năm 2020.
Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sĩ Menendez bày tỏ lo ngại về khả năng tồn tại của tiến trình hòa bình ở Afghanistan và cho rằng, Taliban “rõ ràng không tuân thủ” mọi cam kết mà lực lượng này đã đưa ra. (Reuters)
EU lên kế hoạch thúc đẩy hội nhập cho Gruzia, Moldova và Ukraine
Ngày 9/3, trang tin Euractiv.com dẫn lời một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biế,t Ủy ban châu Âu đang có ý tưởng đưa ra kế hoạch hội nhập tham vọng hơn cho 3 đối tác phía Đông là Georgia, Moldova và Ukraine.
Ý tưởng trên được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu kêu gọi triển khai một chính sách tham vọng hơn ở phía Đông với 3 quốc gia đã ký hiệp định liên kết với EU và đang có tham vọng sẽ gia nhập liên minh này.
Trong khi đó, Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) đã trình bày một đề xuất về việc cho phép 3 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Phương Đông (EaP) hội nhập theo ngành nhanh hơn và sâu hơn với EU.
EU công kích chiến dịch tuyên truyền lợi dụng vaccine của Trung Quốc, Nga
Ngày 9/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chỉ trích Trung Quốc và Nga thực hiện chiến dịch truyền thông rầm rộ về những hoạt động cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia khác để phục vụ mục đích bán nhiều vaccine.
Theo ông Michel, dù quảng bá ầm ĩ, Trung Quốc và Nga chỉ tổ chức các chiến dịch tiêm chủng hạn chế, trích dẫn các số liệu hiện có cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong mỗi 100 người dân ở Trung Quốc và Nga chỉ bằng một nửa so với 27 quốc gia thành viên EU.
Ông Michel nêu rõ, EU sẽ không sử dụng vaccine cho mục đích tuyên truyền và đề cao giá trị của khối. (Reuters)
Đức muốn phối hợp chính sách trừng phạt với Mỹ
Ngày 9/3, Ngoại trưởng Heiko Maas nhấn mạnh, Đức hy vọng mối quan hệ được cải thiện với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ mở ra cơ hội triển khai những biện pháp trừng phạt chung đối với Trung Quốc và Nga.
Ngoại trưởng Maas cho rằng, các đối tác xuyên Đại Tây Dương cần hành động cùng nhau để bảo vệ những giá trị và lợi ích chung, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về sự thiếu phối hợp hành động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. (Reuters)
Pháp tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên không gian
Từ ngày 8-12/3, Pháp đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên không gian vũ trụ - mang bí danh AsterX - để kiểm chứng năng lực bảo vệ các vệ tinh của nước này.
Ông Michel Friedling, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mới được thành lập của Pháp, gọi AsterX là “cuộc kiểm tra bắt buộc đối với các hệ thống” và đây là cuộc tập trận đầu tiên của quân đội Pháp, thậm chí là lần đầu tiên ở châu Âu.
AsterX được đặt theo tên Asterix - vệ tinh đầu tiên mà Pháp phóng lên vũ trụ từ năm 1965. Cuộc tập trận sẽ giả lập hoạt động kiểm soát một vật thể nguy hiểm tiềm tàng trong vũ trụ, cũng như một mối đe dọa đối với một vệ tinh.
Lực lượng Không gian Mỹ và các cơ quan không gian của Đức cũng tham gia vào cuộc tập trận này.
Động thái của Paris được đánh giá là một dấu hiện cho thấy cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc thế giới trên quỹ đạo Trái đất. (AFP)