Tin thế giới 15/9: Xung đột Armenia-Azerbaijan, Chủ tịch EC tới Ukraine, Thượng đỉnh SCO là tâm điểm
Azerbaijan đính chính thương vong sau đụng độ với Armenia, lãnh đạo Nga-Trung hội đàm, Thủ tướng Thụy Điển từ chức… là một số sự kiện quốc tế nổi bật ngày 15/9.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Xung đột Nga-Ukraine
* Nga: Ukraine ngừng xuất khẩu amoniac: Ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Ukraine đã dừng hoạt động đường ống xuất khẩu amoniac, thành phần quan trọng để sản xuất phân bón.
Bà lưu ý rằng “không có trở ngại nào" đối với hoạt động xuất khẩu amoniac từ phía Moscow. Nga là nhà xuất khẩu chính của mọi loại chất dinh dưỡng cây trồng với giá rẻ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Nga chiếm 20% thị trường xuất khẩu amoniac toàn cầu. (Reuters)
* Chủ tịch EC đến Ukraine lần thứ ba trong năm: Ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen có chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine sau khi nước này trở thành ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6.
Nhấn mạnh rằng đây là lần thứ ba bà tới Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng Hai, quan chức này cho biết: “Quá nhiều thay đổi. Ukraine hiện là một ứng cử viên gia nhập EU... Tôi sẽ thảo luận với (Tổng thống Volodymyr) Zelensky và (Thủ tướng) Denys Shmygal để tiếp tục đưa nền kinh tế và người dân của hai bên xích lại gần nhau hơn”. (AFP)
Azerbaijan-Armenia
* Azerbaijan đính chính thương vong sau đụng độ với Armenia: Ngày 15/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, 71 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ biên giới với Armenia trong hai ngày qua, cao hơn so với con số công bố trước đó là 50 người thiệt mạng.
Trong khi đó, phía Armenia cho biết, 105 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh trên và đụng độ đã kết thúc sau các nỗ lực hòa giải quốc tế. (AFP)
Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải
* Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga đảm nhận vai trò của “cường quốc”: Ngày 15/9, trong cuộc hội đàm song phương bên lề Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng Nga đảm nhận vai trò của các cường quốc, cũng như đóng vai trò định hướng để thúc đẩy ổn định và lan tỏa năng lượng tích cực vào một thế giới bị rung chuyển bởi bất ổn xã hội”.
Về phần mình, Tổng thống Putin nói: “Mưu đồ tạo ra một thế giới đơn cực gần đây đã đạt được hình thái cực kỳ đáng sợ và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, Moscow ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, phản đối “hành động khiêu khích” của Mỹ ở eo biển Đài Loan và coi trọng “Quan điểm cân bằng” của Trung Quốc về vấn đề Ukraine. (AFP/Reuters)
* Lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc sẽ gặp trực tiếp: Ngày 16/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần đầu gặp nhau trực tiếp vào ngày 16/9 kể từ sau các vụ đụng độ tại biên giới hai nước năm 2020.
Được biết, ông Modi đáp máy bay tới thành phố Samarkand, Uzbekistan trong ngày 15/9 để dự Thượng đỉnh SCO.
Phát biểu họp báo cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết, Thủ tướng Modi sẽ có các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị SCO trong ngày 16/9, song từ chối xác nhận có cuộc gặp trực tiếp với ông Tập Cận Bình hay không.
Phía Trung Quốc cũng không xác nhận cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này.
Trước đó, Nga xác nhận ông Putin và ông Modi sẽ gặp gỡ, với nội dung thảo luận là hợp tác thương mại tổng thể, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu phân bón và lương thực, thực phẩm. (The Indian Express)
* Lãnh đạo Nga, Iran hội đàm, nói Mỹ là động lực: Ngày 15/9, trong cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Iran Ebrahim bên lề Thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai nước.
Ông Putin nói: “Ở cấp song phương, hợp tác đang phát triển tích cực”, đồng thời nhấn mạnh các bên “đang làm mọi thứ có thể để Iran gia nhập SCO”.
Ông cũng cho biết một phái đoàn gồm 80 công ty lớn của Nga sẽ thăm Iran tuần tới.
Về phần mình, ông Raisi cho biết, quan hệ song phương mang tầm quan trọng chiến lược: “Chúng tôi rất nghiêm túc trong phát triển quan hệ song phương - quan hệ của chúng tôi không bình thường, mà nó mang tính chiến lược.
Hợp tác có thể tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế cũng như không gian và hàng không”.
Ông cũng lưu ý, sự hợp tác giữa các nước bị Mỹ trừng phạt sẽ làm cho họ “mạnh mẽ hơn”. (AFP/Sputnik)
* Nga coi Pakistan là đối tác ưu tiên ở châu Á: Ngày 15/9, trong cuộc gặp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif bên lề Thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ: “Tôi muốn lưu ý rằng, chúng tôi coi Pakistan là một trong những đối tác ưu tiên ở cả khu vực Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đang phát triển theo hướng hoàn toàn tích cực và chúng tôi rất hài lòng”. (Sputnik)
Châu Âu
* Czech sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2024: Ngày 15/9, tại cuộc họp với Bộ Quốc phòng, cả Thủ tướng Petr Fiala và Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cernochova đã xác nhận rằng Czech sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên 2% vào năm 2024 thay vì 2025 như kế hoạch trước đó.
Theo ông Fiala, xung đột Nga-Ukraine đã chứng minh rằng, việc chính phủ dành ưu tiên nhiệm kỳ này cho lĩnh vực quốc phòng và cải tổ quân đội là đúng đắn.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ngân sách quốc phòng của Czech sẽ phải tăng thêm khoảng 30 tỷ Czk (1,22 tỷ Euro) mỗi năm trong 2 năm tiếp theo.
Thủ tướng Fiala thừa nhận, đây là mục tiêu tham vọng và không dễ đạt trong điều kiện hiện nay của ngân sách nhà nước và Bộ Quốc phòng, song Prague sẽ bắt tay vào thực hiện và cố gắng xoay sở.
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo này cũng chưa xác nhận bất kỳ khoản chi nào cho quốc phòng thời gian tới, trong bối cảnh chính phủ vẫn chưa bàn về ngân sách. (AFP)
* Đảng cực hữu Italy bác thông tin nhận tiền từ Nga: Ngày 14/9, lãnh đạo đảng Anh em Italy (FdI), bà Giorgia Meloni và lãnh đạo đảng Liên đoàn, ông Matteo Salvini đã phủ nhận việc nhận tiền từ Nga.
Trả lời phỏng vấn đài Radio 24 (Italy), bà Meloni khẳng định: “Tất cả các hình thức tài trợ của chúng tôi đều có thể kiểm chứng được. Tôi chắc chắn rằng FdI không nhận tiền nước ngoài”.
Về phần mình, ông Salvini cho biết “chưa bao giờ yêu cầu và không bao giờ nhận” tiền từ Nga.
Ông nói: “Các cuộc điều tra đã được mở trong nhiều năm và không phát hiện được gì bởi vì không có gì để phát hiện”.
Tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản tóm tắt đánh giá về nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến chính trường nước ngoài, bao gồm tài trợ cho các đảng dân tộc cực hữu.
Theo báo cáo, Nga đã cung cấp hơn 300 triệu USD cho các đảng, quan chức và chính trị gia nước ngoài tại hơn 20 nước từ năm 2014. (Reuters)
* Thủ tướng Thụy Điển gửi đơn từ chức: Ngày 15/9, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Thụy Điển Magdalena Andersson đã đệ đơn từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén, mở đường cho chính phủ mới.
Kết quả kiểm phiếu mới nhất từ cơ quan bầu cử Thụy Điển cho thấy, liên minh 4 đảng cánh hữu và cực hữu gồm đảng Trung dung, Dân chủ Thụy Điển, Dân chủ Thiên chúa giáo và Tự do gần như chắc chắn đã giành được 176/349 ghế tại Quốc hội, nhiều hơn 3 ghế so với phe trung tả.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén sẽ sớm trao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho Chủ tịch đảng Trung dung Ulf Kristersson.
Cuộc bầu cử ngày 11/9 đánh dấu bước ngoặt trên chính trường Thụy Điển khi đảng Dân chủ Thụy Điển, với lập trường chống nhập cư và từng bị các đảng khác tẩy chay khi lần đầu vào Quốc hội năm 2010, nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của Stockholm.
Đảng này dự kiến giành được 20,6% số phiếu, vượt qua đảng Trung dung với 19,1%, với tư cách là đảng lớn nhất của cánh hữu trong Quốc hội. (Reuters)