Tin thế giới 19/9: 'Chốt' thời điểm lãnh đạo Nga-Trung gặp gỡ, Azerbaijan pháo kích lớn ở Karabakh

Khả năng binh sĩ Wagner trở lại Ukraine, Hàn Quốc tỏ thái độ với Nga về hợp tác quân sự với Triều Tiên… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Khói bốc lên từ một vụ nổ do pháo kích tại khu vực Nagorno-Karabakh ngày 19/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan)

Khói bốc lên từ một vụ nổ do pháo kích tại khu vực Nagorno-Karabakh ngày 19/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Binh sĩ Wagner có thể trở lại Ukraine: Ngày 18/9, kênh Telegram “Military Observer” cho biết có thông tin về khả năng binh sĩ Wagner sẽ trở lại mặt trận ở Ukraine. Dự kiến, họ có thể tham gia tác chiến ở “một trong những khu vực khó khăn” trên thực địa.

Ngoài ra, có một số thông tin cho rằng phía Wagner đang tương tác trực tiếp với Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Vài tháng trước, binh sĩ Wagner đã rời khỏi Ukraine, sau cuộc nổi dậy vũ trang bất thành tại Nga. Song sau cái chết của nhà sáng lập Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, các tay súng công ty quân sự tư nhân này dường như đang có mong muốn được trở lại Ukraine. (TTXVN)

* Báo Mỹ: Tên lửa Ukraine gây ra vụ nổ ở miền Đông: Ngày 19/9, New York Times (Mỹ) cho biết vụ nổ đẫm máu, khiến 16 người thiệt mạng tại khu chợ sầm uất ở thành phố Kostiantynivka, miền Đông Ukraine ngày 6/9 có thể do tên lửa của Ukraine.

Theo New York Times, các bằng chứng được thu thập và phân tích, bao gồm cả mảnh vỡ của tên lửa, hình ảnh vệ tinh, lời kể của các nhân chứng và các bài đăng trên mạng xã hội, đã “ám chỉ rằng cuộc tấn công thảm họa này là kết quả của một tên lửa phòng không bay lạc của Ukraine được phóng đi từ một hệ thống Buk”.

Báo trên dẫn lời các chuyên gia phòng không cho biết các tên lửa giống như loại đã tấn công vào khu chợ ở Kostiantynivka có thể bay chệch hướng vì hàng loạt lý do, kể cả do trục trặc điện tử hay cánh dẫn đường bị hư hỏng, bị đứt trong quá trình phóng. Video từ camera an ninh cho thấy tên lửa đã bay vào Kostiantynivka từ lãnh thổ do Kiev kiểm soát chứ không phải từ phía sau phòng tuyến của Nga.

New York Times cũng dẫn bằng chứng cho thấy chỉ ít phút trước vụ tấn công, quân đội Ukraine đã phóng hai quả tên lửa đất đối không nhằm về phía tiền tuyến của Nga từ thị trấn Druzhkivka, cách Kostiantynivka 16 km về phía Tây Bắc. Hai nhân chứng cho biết đã nhìn thấy các tên lửa được phóng từ Druzhkivka hướng về phía tiền tuyến của Nga vào quanh thời điểm xảy ra vụ tấn công. Một trong hai người này khẳng định các tên lửa đã bay về hướng Kostiantynivka.

Theo New York Times, việc đo đạc các hố do vụ nổ gây ra và các mảnh vỡ tìm được tại hiện trường phù hợp với tên lửa 9M38, được phóng từ xe phòng không cơ động Buk. Đây là hệ thống phòng không được cả Ukraine và Nga sử dụng. Tờ báo Mỹ này cũng dẫn lời người phát ngôn các lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng các cơ quan an ninh của Kiev vẫn đang điều tra về vụ việc.

Trước đó, Ukraine cáo buộc vụ nổ do tên lửa của Nga gây ra. Hiên Kiev vẫn chưa đưa ra phản ứng hay bình luận gì trước bằng chứng do báo Mỹ công bố. (TTXVN)

* Bộ trưởng Mỹ: Ukraine sẽ sớm nhận xe tăng Abrams: Ngày 19/9, Phát biểu tại buổi khai mạc cuộc họp Nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraine tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: “Tôi… vui mừng thông báo rằng xe tăng M1 Abrams mà Mỹ trước đó đã cam kết sẽ sớm vào Ukraine”.

Washington đã hứa cung cấp loại xe tăng này cho Kiev vào đầu năm nay, một phần trong gói hỗ trợ an ninh trị giá hơn 43 tỷ USD Mỹ đã cam kết kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine tháng 2/2022. (AFP)

Nga-Trung

* Nga-Trung lập trường “gần gũi” về Mỹ và Ukraine: Ngày 19/9, trong tuyên bố trên Telegram sau hội đàm ở Moscow giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp chủ nhà Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Sự gần gũi về lập trường của hai bên liên quan đến các hành động của Mỹ trên trường quốc tế, bao gồm cả những hành động có tính chất bài Nga và Trung Quốc, đã được ghi nhận”. Đồng thời, quan chức hai nước khẳng định đang xích lại gần nhau hơn để làm đối trọng với sự thống trị của Mỹ về các vấn đề toàn cầu.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Vương và ông Lavrov đã nói chuyện “chi tiết” về Ukraine. Hai bên “lưu ý rằng mọi nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng mà không tính đến lợi ích và đặc biệt không có sự tham gia của Nga đều là vô ích”.

Cuộc hội đàm cũng bao gồm công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh vào tháng 10. Bộ này nêu rõ: “Các đàm phán diễn ra theo cách thức tin cậy và mang tính xây dựng vốn có trong đối thoại Nga-Trung”.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng thông báo cho người đồng cấp Lavrov về “nội dung đàm phán” với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ít lâu trước đó.

Theo hãng tin Interfax (Nga), ngày 19/9, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có các cuộc đàm phán về “an ninh chiến lược” với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, trước khi tổ chức tham gia đàm phán ba bên với quan chức Mông Cổ. Trước đó, ông Vương đã tới Moscow sau nhiều giờ đàm phán ở Malta với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cuộc thảo luận Nhà Trắng mô tả là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”.

Trong một tin liên quan, Interfax dẫn lời thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev ngày 19/9 thông báo, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới thủ đô Bắc Kinh tháng 10 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Reuters)

Đông Nam Á

* Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin phải phẫu thuật: Ngày 19/9, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cho biết: “Bố tôi đã phẫu thuật tuần trước và tôi không biết ông sẽ mất bao lâu để hồi phục”. Chính trị gia Pheu Thai lưu ý: “Chúng tôi đang nghiên cứu các quy định để giúp bố tôi có thể về nhà. Hiện chúng tôi vẫn chưa nộp đơn xin ân xá”.

Trước đó, sau hơn 15 năm sống lưu vong ở nước ngoài, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã về về nước vào tháng trước và chấp hành án phạt 8 năm tù giam. Song ngay sau đó, ông đã phải nhập viện. Sau đó, chính trị gia kỳ cựu này cũng được Nhà vua Thái Lan ân xá và chỉ phải thụ án tù 1 năm. Theo quy định của đơn vị chấp pháp là Cục Cải huấn Thái Lan, tù nhân lớn tuổi có vấn đề sức khỏe có thể nộp đơn xin ân xá sau khi ở tù tối thiểu 6 tháng. (Bangkok Post)

* Con trai Nhà vua Thái Lan kêu gọi thảo luận cởi mở về luật chống xúc phạm hoàng gia: Ngày 19/9, viết trên Facebook cá nhân, ông Vacharaesorn Vivacharawongse, con trai thứ hai của Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn nhấn mạnh: “Bất chấp những khác biệt trong quan điểm về vấn đề này, cần có cách để chúng ta phải trao đổi với nhau”. Ông cũng lưu ý rằng “mọi người nên chia sẻ ý kiến của mình dựa trên những trải nghiệm khác nhau” về vấn đề này.

Luật chống xúc phạm hoàng gia. hay còn được biết đến là “luật khi quân”. được quy định tại Điều 112 Bộ Luật hình sự Thái Lan cho phép phạt tù những trường hợp chỉ trích Nhà vua và một số nhân vật khác trong hoàng gia. Đây là điều khoản đã gây nhiều tranh cãi tại Thái Lan. Một số thành phần cấp tiến trong đó có đảng Move Forward Party (Tiến bước-MFP) – đảng đối lập giữ nhiều ghế nhất tại Hạ viện Thái Lan – đã kêu gọi cần sửa đổi “luật khi quân”. Phe bảo hoàng, trong đó có lực lượng vũ trang, đã kiên quyết phản đối việc làm này. (Bangkok Post)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc tỏ thái độ với Nga về khả năng hợp tác quân sự với Triều Tiên: Ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận nước này đã triệu Đại sứ Nga Andrey Borisovich Kulik tới để cảnh báo về hợp tác quân sự Moscow-Bình Nhưỡng. Soeul đã kêu gọi Moscow “ngay lập tức chấm dứt các động thái hợp tác quân sự với Triều Tiên và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chính phủ của chúng tôi sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo đảm rằng bất kỳ hành động nào vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của chúng tôi đều phải trả giá rõ ràng. Hành động như vậy sẽ có tác động rất tiêu cực đến quan hệ Hàn-Nga”.

Trước đó, từ ngày 12 - 17/9, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thăm Nga. Ngày 13/9, ông hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay vũ trụ Vostochny, tỉnh Amur, vùng Viễn Đông của xứ sở bạch dương.

KCNA (Triều Tiên) nêu rõ: “Hai bên đã trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về các vấn đề thực tế phát sinh nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp chiến lược và chiến thuật, hợp tác và trao đổi lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang hai nước cũng như trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong Un cũng gặp một số quan chức cấp cao của Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng thăm các địa điểm quân sự và công nghệ quan trọng, gặp nhiều quan chức cấp cao, làm dấy lên tin đồn về một liên minh vũ khí giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, sau khi chuyến thăm kết thúc, Điện Kremlin khẳng định nước này không ký bất kỳ một thỏa thuận quân sự nào với Triều Tiên. (AFP)

Trung Á

* Azerbaijan pháo kích dồn dập ở Karabakh, các bên nói gì? Ngày 19/9, các nhà chức trách ở khu vực Nagorno-Karabakh có đa số người Armenia sinh sống cho biết Azerbaijan đang bắn phá khu vực này bằng tên lửa và pháo dọc toàn bộ tiền tuyến xung quanh vùng núi này. Phóng viên AFP cũng đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn tại thành trì Stepanakert của lực lượng ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh, sau khi Baku tuyên bố triển khai “các biện pháp chống khủng bố”. Truyền thông sở tại đưa tin, Azerbaijan cũng đóng cửa không phận với Armenia.

Phát biểu về những đợt bắn phá này, Azerbaijan khẳng định đã thông báo cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch quân sự thuộc “hoạt động chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh. Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ: “Bộ chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và ban lãnh đạo Trung tâm Giám sát Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã được thông báo về những hoạt động đang được thực hiện”. Đồng thời, Bộ này cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Zakir Gasanov đã tiến hành cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler để thông báo về chiến dịch trên của Baku.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Azerbaijan trước đó cùng ngày nhấn mạnh hòa bình ở vùng núi ly khai Nagorno-Karabakh chỉ có thể đạt được khi binh sĩ Armenia rời khỏi khu vực này và chính quyền địa phương ly khai bị giải tán.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia vừa cho biết tình hình ở khu vực biên giới giữa nước này với Azerbaijan vẫn ổn định sau động thái trên của Baku. Đồng thời, nước này phủ nhận thông đã triển khai binh sĩ tại khu vực. Bộ Quốc phòng Armenia nhấn mạnh, nước này đã nhiều lần tuyên bố và tuyên bố một lần nữa rằng Yerevan không có quân đội ở Nagorno-Karabakh.

Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Moscow quan ngại về sự leo thang này, khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực sẽ tiếp tục sứ mệnh của họ. Ngoài ra, bà cũng cho biết Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ về tổ chức họp bốn bên liên quan tình hình Nagorno-Karabakh. (AFP/Reuters)

Châu Âu

* Thổ Nhĩ Kỳ: Thụy Điển chưa đủ nỗ lực để vào NATO: Ngày 19/9, trả lời đài PBS News (Mỹ), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu cuộc bỏ phiếu có diễn ra sớm hay không, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay “tất nhiên, để điều đó xảy ra, Thụy Điển phải giữ lời hứa”. Khi đề cập đến các nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố, ông Erdogan nhấn mạnh các tổ chức đó “nên dừng ngay lập tức các cuộc tuần hành trên đường phố Stockholm và họ nên dừng các hoạt động của mình vì chứng kiến điều này thực sự đang diễn ra sẽ rất quan trọng đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ”. Mặc dù thừa nhận Thụy Điển dường như đã sửa đổi luật pháp để giải quyết vấn đề này, song nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói thêm rằng “như vậy là chưa đủ”. (RT)

Trung Đông-Châu Phi

* Thủ tướng Iraq được mời thăm Nhà Trắng: Ngày 19/9, trong khuôn khổ chuyến thăm New York (Mỹ) dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Trong cuộc gặp, Thủ tướng Sudani và Ngoại trưởng Blinken khẳng định lại cam kết tiếp tục củng cố quan hệ đối tác giữa 2 nước. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với mở lại tuyến đường ống kết nối khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng từ tháng 3. Ngoài ra, ông cũng ca ngợi cam kết của Thủ tướng Mohammed Al-Sudani với tính độc lập của ngành tư pháp Iraq qua việc nước này gần đây đã kết án các cá nhân với tội danh khủng bố liên quan đến vụ sát hại công dân Mỹ Stephen Troell năm 2022.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng chuyển lời của Tổng thống Joe Biden, mời nhà lãnh đạo Iraq đến Nhà Trắng. Thủ tướng Mohammed Shia Al-Sudani cho biết thời gian của cuộc gặp sẽ được ấn định sau. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-199-chot-thoi-diem-lanh-dao-nga-trung-gap-go-azerbaijan-phao-kich-lon-o-karabakh-242780.html