Tin thế giới 2/12: Nga sẵn sàng đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ tính thăm Trung Quốc, Phần Lan cảnh báo về châu Âu
Trung Quốc nới lỏng quy định chống Covid-19, đối thoại an ninh Nhật Bản-Australia, Ai Cập quan ngại về Syria……là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraine: Phát biểu ngày 2/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: “Tổng thống Nga luôn duy trì quan điểm sẵn sàng đàm phán để đảm bảo lợi ích của chúng ta. Cách tốt nhất để đạt được lợi ích là thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình. Tổng thống Putin đã, đang và luôn để ngỏ khả năng tiếp xúc và đàm phán”.
Ông cũng nhấn mạnh việc Mỹ từ chối công nhận các vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga đang cản trở quá trình tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng khẳng định Moscow không chấp thuận điều kiện của Washington rằng chỉ đàm phán sau khi Nga rời khỏi Ukraine. Quan chức này khẳng định: “Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục.”
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Putin nếu người đứng đầu Điện Kremlin tìm cách kết thúc chiến tranh, song cho rằng hiện nhà lãnh đạo Nga chưa cho thấy thiện chí đó. (AFP/Reuters)
* IAEA hy vọng sớm tìm ra giải pháp liên quan nhà máy Zaporizhzhia: Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica (Italy) đăng ngày 2/12, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi không loại trừ khả năng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông nói: “Cam kết của tôi là đạt được một giải pháp càng sớm càng tốt. Tôi hy vọng vào cuối năm nay. Mục tiêu của chúng ta là ngăn ngừa sự cố hạt nhân, không tạo ra tình hình quân sự có lợi cho bên này hoặc bên kia”. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Ngoại trưởng Mỹ có thể thăm Trung Quốc đầu năm 2023: Ngày 2/12, trả lời phỏng vấn với đài France 2 (Pháp), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết có thể thăm Trung Quốc vào tháng 1 hoặc tháng 2/2023, song chưa quyết định thời điểm chính xác. Quan chức này khẳng định chuyến thăm Trung Quốc sắp tới sẽ nhằm mục đích “tăng cường các kênh liên lạc” giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) tháng 11 qua. (Sputnik)
Châu Âu
* Nga thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa mới: Ngày 2/12, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Lực lượng không quân vũ trụ Nga đã phóng thử thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại bãi thử Sary Shagan của Lực lượng tên lửa chiến lược Kazakhstan. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới đã thể hiện các tinh năng thiết kế, bắn trúng mục tiêu giả định với độ chính xác cho trước.
Tháng 7/2020, Tư lệnh Lực lượng không quân vũ trụ Nga, Thượng tướng Sergei Surovikin từng thông báo về các thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa của thủ đô Moscow và khu công nghiệp miền Trung. Khi đó, có thông tin rằng trong tương lai gần, Lực lượng không quân vũ trụ Nga sẽ nhận được trạm định vị vô tuyến đa chức năng cải tiến và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại hóa. (TTXVN)
* Phần Lan: Châu Âu quá phụ thuộc vào Mỹ: Phát biểu tại Viện Lowy ở Sydney (Australia) ngày 2/12, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhận định: “Tôi phải nói ra một sự thật nghiệt ngã rằng châu Âu hiện không đủ mạnh. Chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu không có Mỹ”.
Bà cho biết đã trao đổi với nhiều chính trị gia Mỹ, những người nghĩ rằng châu Âu cần phải mạnh hơn. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Mỹ đã cung cấp nhiều vũ khí, viện trợ tài chính và nhân đạo cho Ukraine, và châu Âu vẫn chưa đủ mạnh. Về vấn đề phòng thủ và ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu, chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang tăng cường những khả năng đó”.
Trước đó, bà Marin cũng cho rằng châu Âu đang phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ, đồng thời cần đầu tư hơn vào trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. (Reuters)
* Quân đội Mỹ ở Litva chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu: Ngày 2/12, phát biểu trên Đài Phát thanh Litva, Trung tướng Valdemaras Rupsys, Tư lệnh quân đội Litva, cho biết quân đội Mỹ hiện diện luân phiên tại Litva đang chuyển từ “trạng thái răn đe” sang “trạng thái sẵn sàng chiến đấu”. Phát biểu trên Đài phát thanh Litva, ông nêu rõ nói: “Trước đây, các đơn vị tập trung nhiều hơn vào huấn luyện, làm quen địa hình và nhiệm vụ chiến thuật. Hiện nay khi tình hình thay đổi, các đơn vị cùng trang thiết bị có thể chiến đấu ngay lập tức đang được triển khai. Điều đó chỉ đơn giản là chuyển trạng thái”.
Trong các cuộc đàm phán mới đây tại Washington, Mỹ và Litva đã nhất trí duy trì sự hiện diện này và chưa chuyển sang hình thức đồn trú thường trực trước năm 2025. Tướng Litva cho rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu thời gian gần đây, gọi động thái này là phản ứng đối với tình hình có tính đến đánh giá “mối đe dọa từ đối thủ”. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Warsaw (Ba Lan) năm 2016, khối này đã quyết định triển khai các tiểu đoàn đa quốc gia ở Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan theo yêu cầu của các quốc gia này trên cơ sở luân phiên. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Nhiều thành phố Trung Quốc nới lỏng quy định phòng chống Covid-19: Ngày 2/12, nhiều thành phố Trung Quốc đã tiếp tục nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19 như thay đổi quy định xét nghiệm diện rộng hằng ngày. Chính quyền Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, không còn yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm âm tính khi tới các địa điểm công cộng hoặc sử dụng tàu điện ngầm. Thay vào đó, các công dân chỉ cần có mã y tế màu xanh xác nhận họ chưa đi đến khu vực “có nguy cơ cao”.
Tại Bắc Kinh, giới chức y tế yêu cầu các bệnh viện không từ chối điều trị cho những người không có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ. Nhiều thành phố khác có dịch cũng đang cho phép nhà hàng, trung tâm mua sắm và kể cả trường học mở cửa trở lại, trái với các quy định phong tỏa trước đây.
Bài phân tích trên tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia y tế nước này bày tỏ sự ủng hộ quyết định của giới chức địa phương cho phép trường hợp dương tính được tự cách ly tại nhà. Đây sẽ là thay đổi rõ rệt so với các quy định hiện hành, vốn yêu cầu người bệnh cách ly tại các cơ sở của chính phủ. (AFP)
Nam Á-Nam Thái Bình Dương
* Nhật Bản và Australia sắp đối thoại an ninh 2+2: Đầu tuần tới, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa và Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu sẽ gặp người đồng cấp Australia là bà Penny Wong và ông Richard Marles tại Tokyo. Đây là cuộc đối thoại 2+2 trực tiếp đầu tiên giữa hai nước từ tháng 10/2018. Cuộc gặp 2+2 gần đây nhất giữa Tokyo và Canberra diễn ra tháng 6/2021 dưới hình thức trực tuyến.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bốn quan chức hàng đầu về quốc phòng và an ninh hai sẽ trao đổi quan điểm về cách thức thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương “trong bối cảnh an ninh chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng nghiêm trọng”.
Đồng thời, hai bên sẽ thảo luận bản tuyên bố chung song phương về hợp tác an ninh, đã được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Australia Anthony Albanese ký tháng 10. Trong tuyên bố, Tokyo và Canberra đã tái khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt quan trọng” giữa hai nước và nhấn mạnh cam kết trong thực hiện “tầm nhìn chung hướng đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, toàn diện và bền vững”. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Cuba chỉ trích Mỹ từ chối cấp phép tuyến cáp ngầm: Ngày 1/12, chia sẻ trên Twitter, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã chỉ trích khuyến nghị của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối cấp phép lắp đặt cáp viễn thông dưới biển kết nối hai nước.
Ông nhấn mạnh việc Mỹ tuyên bố một cách vô lý và không trung thực rằng Cuba là quốc gia bảo trợ khủng bố tiếp tục là cái cớ để gây hại cho người dân nước này. Đồng thời, ông chỉ rõ điều này được thể hiện qua khuyến nghị của nghị Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), phản đối cấp giấy phép cáp ngầm Cuba cần.
Trước đó ít lâu, trên Twitter, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Carlos Fernández de Cossío cũng bác bỏ khuyến nghị nói trên của Bộ Tư pháp Mỹ: “Đây là cách Chính phủ Mỹ thực hiện cam kết đã tuyên bố về thúc đẩy việc sử dụng Internet ở Cuba, để thể hiện trên thực tế mối quan tâm đối với hạnh phúc của người dân Cuba, những người mà họ (Mỹ) đã trừng phạt một cách tàn nhẫn bằng cấm vận kinh tế”.
Ngày 30/11, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng Cuba đại diện cho một “mối đe dọa” đối với Mỹ, cho rằng doanh nghiệp quản lý hệ thống hạ cáp, công ty viễn thông nhà nước Cuba ETECSA của La Havana có thể “truy cập dữ liệu nhạy cảm của Mỹ đi qua đoạn cáp mới này”. Bộ này nhận định mối liên hệ giữa Cuba với Trung Quốc và Nga đe dọa Mỹ. Theo đó, mặc dù Washington ủng hộ sự tồn tại của một mạng Internet an toàn, đáng tin cậy và cởi mở khắp thế giới, bao gồm Cuba, nhưng trong bối cảnh hiện tại, rủi ro đối với cơ sở hạ tầng Mỹ là quá lớn. (TTXVN)
* Mỹ trình làng máy bay ném bom mới sau 30 năm: Ngày 2/12, tại một buổi lễ ở Palmdale, California, tập đoàn vũ khí Northrop Grumman (Mỹ) Mỹ sẽ cho ra mắt chiếc B-21 Raider đầu tiên trong phi đội máy bay ném bom hạt nhân tàng hình tầm xa mới nhất dành cho Lực lượng Không quân Mỹ sau nhiều năm phát triển.
Có hình dáng tương tự B-2, B-21 Raider cũng có khả năng mang vũ khí hạt nhân khắp thế giới do khả năng tiếp liệu tầm xa trên không bên cạnh các loại bom thông thường. Mỗi chiếc có chi phí ước tính khoảng 750 triệu USD. Đây là máy bay ném bom mới đầu tiên của Mỹ trong hơn 30 năm qua.
Không quân Mỹ có kế hoạch mua ít nhất 100 máy bay B-21 và bắt đầu thay thế các máy bay ném bom B-1 và B-2. B-21 là một phần trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, trong bối cảnh Washington chuyển trọng tâm từ các chiến dịch chống khủng bố trong những thập kỷ gần đây sang đối phó với nỗ lực hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Ai Cập kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị ở Syria: Ngày 1/12, gặp Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen bên lề Hội nghị Đối thoại Địa Trung Hải đang diễn ra tại Rome, Italy, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã bày tỏ quan điểm về tình hình Syria.
Trong cuộc gặp, ông Shoukry cho rằng cần sớm đạt tiến bộ trong tiến trình chính trị tại Syria và giảm bớt đau khổ cho người dân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Abu Zeid khẳng định ông Shoukry và ông Pedersen đã thảo luận về diễn biến mới nhất tại Syria. Ông Pedersen cũng thông báo về kết quả các cuộc đàm phán của ông với các phe phái khác nhau ở Syria, nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị tại đây. Hai quan chức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền của Syria để tránh cho khu vực có thêm các yếu tố gây bất ổn.
Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, các bên đã đạt được một thỏa thuận để tiếp tục tham vấn về các biện pháp nhằm hỗ trợ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Quan chức Liên hợp quốc cũng chúc mừng Ai Cập về thành công nổi bật của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) do Cairo vừa tổ chức tại Sharm El-Sheikh. Hai bên cũng thảo luận về diễn biến mới nhất tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm. (TTXVN)