Tin thế giới 2/3: Tên lửa Nga phá đòn tấn công trên bầu trời Syria; Nga cảnh cáo Mỹ; ASEAN họp về Myanmar; Mỹ tung biệt đội về Trung Quốc
Baoquocte.vn. Tình hình Syria, quan hệ Nga-Mỹ, Đội đặc nhiệm ứng phó Trung Quốc của Lầu Năm Góc, ASEAN họp về Myanmar, căng thẳng Đức-Morocco... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:
Nga-Mỹ: Moscow cảnh báo hậu quả việc Mỹ áp đặt trừng phạt do vụ Navalny
Ngày 2/3, Điện Kremlin tuyên bố, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ liên quan tới cách hành xử của Moscow trong vụ chính khách đối lập Nga Alexei Navalny đều sẽ không đạt được mục tiêu và chỉ làm trầm trọng hơn các mối quan hệ vốn đã căng thẳng.
Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết, Mỹ dự định sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì vụ đầu độc ông Navalny sớm nhất là vào ngày 2/3.
Điện Kremlin phủ nhận mọi vai trò nào liên quan bệnh tình của ông Navalny năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy ông này bị đầu độc. (Reuters)
Tên lửa Nga đẩy lui cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào Syria
Ngày 1/3, một nguồn tin quân sự Nga cho biết, tối 28/2, máy bay F-16 của Không quân Israel đã phóng 12 quả tên lửa dẫn đường từ Cao nguyên Golan vào sân bay quốc tế Damascus và làng Guzlaniye ở Syria.
Lực lượng phòng không Syria đã “đánh chặn thành công tên lửa của Israel” bằng tổ hợp phòng không của Nga là Pantsir-S và Buk-M2.
Nguồn tin nói: “Kết quả này khẳng định hiệu quả cao của các hệ thống tên lửa phòng không do Nga chế tạo”. (Sputnik)
'Biệt đội' về Trung Quốc của Mỹ trình diện
Theo thông báo trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Đội đặc nhiệm về Trung Quốc tại Lầu Năm Góc nhằm "chính thức hóa sứ mệnh, lộ trình thời gian và kết quả đạt được của đội đặc nhiệm" trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
"Biệt đội" gồm 20 thành viên, quy tụ các chỉ huy quân đội cấp cao, lãnh đạo dân sự và các thành viên của cộng đồng tình báo.
Ông Austin cho biết, Đội đặc nhiệm về Trung Quốc dự kiến sẽ kết thúc nhiệm vụ và đưa ra các khuyến nghị trong vòng 4 tháng, tuy nhiên phần lớn kết quả sẽ được giữ bí mật.
Đội đặc nhiệm tại Lầu Năm Góc là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang. (Sputnik)
Căng thẳng Đức-Morocco: Rabat cắt liên lạc với Đại sứ quán Đức vỳ Tây Sahara
Ngày 1/3, Morocco đã yêu cầu các cơ quan chính phủ nước này ngừng hợp tác và tiếp xúc với Đại sứ quán Đức tại Vương quốc Bắc Phi, cũng như các tổ chức chính trị và viện trợ của quốc gia châu Âu này.
Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita cũng thông báo sẽ tạm dừng liên lạc với Đại sứ quán Đức nhằm đáp trả "những hiểu lầm sâu sắc" về "các vấn đề cơ bản".
Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Morocco nói rằng: "Morocco mong muốn duy trì mối quan hệ với Đức nhưng đây là một hình thức cảnh báo nhằm bày tỏ sự không hài lòng trong nhiều vấn đề... Sẽ không có liên hệ nào cho đến khi chúng tôi nhận được câu trả lời cho các câu hỏi đã được đưa ra".
Nguyên nhân chính được cho là Đức đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với quyết định của Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Morocco đối với khu vực Tây Sahara. Berlin cũng không mời Rabat tham dự hội nghị quốc tế về Libya. Những động thái này bị Vương quốc Bắc Phi cho là “sự coi thường” của Đức đối với Morocco. (AFP)
Tình hình Myanmar: ASEAN khai mạc cuộc họp ngoại trưởng đặc biệt
Ngày 2/3, ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khai mạc một cuộc họp đặc biệt bằng hình thức trực tuyến để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Cuộc họp không chính thức cấp bộ trưởng ASEAN bắt đầu lúc 16h. Tất cả 10 ngoại trưởng ASEAN đều tham dự, trong đó có Ngoại trưởng của chính quyền quân sự Myanmar Wunna Maung Lwin.
Trước đó, ngày 1/3, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định, nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là đồng thuận và không can thiệp, nhưng hiệp hội sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng để hỗ trợ để đưa Myanmar trở lại trạng thái hòa bình và ổn định.(Kyodo)
Vụ nhà báo Khashoggi: Dù Mỹ không trừng phạt, Thái tử Saudi Arabia vẫn bị kiện
Bất chấp báo cáo tình báo được giải mật chỉ ra rằng, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chấp thuận việc sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, Mỹ vẫn chưa hề có động thái sẽ trừng phạt vị lãnh đạo này.
Ngày 1/3, Nhà Trắng khẳng định Mỹ bảo lưu quyền trừng phạt Thái tử Mohammed bin Salman trong tương lai nếu thấy cần thiết, đồng thời nói rằng, trong lịch sử nước Mỹ qua các đời tổng thống thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa thường không trừng phạt lãnh đạo chính phủ của những quốc gia Washington có quan hệ ngoại giao.
Trong khi đó, ngày 2/3, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết, đã đệ đơn lên tòa án Đức về vụ án hình sự chống lại Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vì "tội ác chống nhân loại" trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. (AFP, Reuters)
Ukraine: Tính tuyển quân trong một ngày, Kiev chuẩn bị cho chiến sự ở Donbass?
Ngày 2/3, một cuộc họp của đảng Đầy tớ Nhân dân cầm quyền ở Ukraine đã thảo luận dự luật về việc lập các trung tâm tuyển quân khu vực trên cơ sở các văn phòng tuyển quân.
Dự luật này cho phép gọi nhập ngũ trong vòng 24 giờ trong trường hợp nổ ra chiến sự ở Donbass, miền Đông Ukraine, mà không cần ra thông báo động viên.
Nếu Quốc hội Ukraine thông qua dự luật, lực lượng dự bị sẽ gồm các công dân "đã phục vụ trong quân ngũ, có kinh nghiệm chiến đấu".
Đồng thời, dự luật đề xuất cải cách các cơ quan quản lý quân sự địa phương bằng cách lập ra các trung tâm tuyển quân và hỗ trợ xã hội theo lãnh thổ tương ứng trên cơ sở các văn phòng tuyển quân. (Strana)
Kosovo-Serbia: EU hối thúc hai bên nối lại đàm phán
Ngày 2/3, Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Miroslav Lajcak đã kêu gọi Kosovo và Serbia nối lại đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Ông Lajcak đang thực hiện chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Pristina, thủ đô của Kosovo, trước khi đến thủ đô Belgrade của Serbia.
Cho rằng cuộc đối thoại này có khả năng sẽ hoàn tất trong vài tháng nếu hai bên sẵn sàng, đặc phái viên này nói: "Chúng tôi chắc chắn không cần thêm 10 năm, thậm chí 5 hay 3 năm nữa, nếu có cam kết, nếu có thiện chí của các bên". (AP)
Triều Tiên: IAEA cảnh báo dấu hiệu hoạt động ở cơ sở thu gom Plutonium
Ngày 1/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho rằng, Triều Tiên đang có dấu hiệu vận hành một nhà máy điện để cung cấp nhiệt cho cho một phòng thí nghiệm phóng xạ ở Kangson, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng.
Những nhận xét của người đứng đầu IAEA làm dấy lên phỏng đoán về khả năng Triều Tiên đang tiến hành các hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu phân hạch, vì phòng thí nghiệm nói trên được biết đến như một cơ sở tái chế chủ chốt để thu gom plutonium. Mỗi quả bom hạt nhân cần khoảng 6kg plutonium.
Lãnh đạo IAEA đánh giá chương trình hạt nhân đang tiếp diễn của Bình Nhưỡng là “vô cùng đáng tiếc” và kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này. (Yonhap)
Khủng hoảng Armenia: Thủ tướng Pashinyan đề nghị tổ chức bầu cử sớm
Ngày 1/3, tại cuộc biểu tình của phe đối lập, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới vào tháng 10. Ông tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp để chuyển Armenia từ chế độ nghị viện sang hình thức bán tổng thống.
Theo ông Pashinyan, hình thức chính quyền mới sẽ đảm bảo sự ổn định của đất nước và loại trừ “hình thành các cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ”.
Thủ tướng cũng tuyên bố sẵn sàng tổ chức bầu cử quốc hội sớm nếu phe đối lập trong Quốc hội đồng ý với đề xuất của ông “Nếu các lực lượng trong nghị viện chấp nhận đề xuất của chúng ta, đưa ra cuối tháng 12/2020 - đầu tháng 1, chúng ta đã sẵn sàng cho các cuộc bầu cử Quốc hội sớm". (Reuters)
Israel chính thức tiếp nhận đại sứ đầu tiên của UAE
Ngày 1/3, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã chính thức tiếp đón ông Mohamed Al Khaja - Đại sứ đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại quốc gia Do Thái, sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mang tính lịch sử giữa 2 nước hồi năm ngoái.
Đại sứ Khaja đã trình quốc thư lên Tổng thống Rivlin trong một buổi lễ được tổ chức ở Jerusalem.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi đã tiếp Đại sứ Khaja và chúc ông “thành công” trong "sứ mệnh lịch sử". (AFP)
Cựu Tổng thống Trump được để cử trao giải Nobel Hòa bình
Ngày 1/3, Viện Nobel thông báo hơn 300 người đã được đề cử trao giải Nobel Hòa bình năm nay, trong đó có nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài 2 nhân vật trên, các ửng cử viên năm nay còn bao gồm những tổ chức trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine Gavi.
Đáng chú ý, danh sách đề cử còn có các nhà hoạt động chính trị như thủ lĩnh đối lập Svetlana Tikhanovskaya ở Belarus và nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny ở Nga.
Theo kế hoạch, Ủy ban Nobel sẽ công bố cá nhân hoặc tổ chức được trao giao Nobel Hòa bình vào ngày 8/10 tới. (AFP)