Tin thế giới 2/6: Biên giới Nga-Ukraine thêm nóng, dự luật nâng trần nợ công ở Mỹ 'qua ải'
Trung Quốc thúc đẩy giải quyết xung đột Nga-Ukraine, Triều Tiên phản đối tuyên bố của Liên hợp quốc và NATO… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga cáo buộc Ukraine tấn công nhiều địa điểm gần biên giới: Ngày 2/6, quyền Thị trưởng vùng Smolensk, miền Tây nước Nga, cho biết đêm qua, hai máy bay không người lái (UAV) tầm xa đã tấn công cơ sở hạ tầng nhiên liệu và năng lượng ở hai thị trấn Divasy và Peresna. Tuy nhiên không có thông tin về thương vong, cháy nổ hay lực lượng thực hiện vụ tấn công. Khu vực bị tấn công nằm cách biên giới Ukraine khoảng 270km.
Cùng ngày, viết trên Telegram, Thống đốc vùng Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov cũng cho biết 2 người đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương khi lực lượng Ukraine pháo kích một con đường ở thị trấn Maslova Pristan, gần biên giới hai nước. Ông nói: “Các mảnh vỡ của quả đạn pháo rơi trúng những chiếc ôtô đang chạy qua. Hai phụ nữ điều khiển một trong hai chiếc ô tô đã thiệt mạng”.
Cũng trong ngày 2/6, Thống đốc vùng Bryansk của Nga Alexander Bogomaz xác nhận 4 ngôi nhà đã bị hư hại sau khi các lực lượng Ukraine pháo kích một thị trấn gần biên giới. Tuy nhiên, ông cũng cho biết vụ tấn công không gây thương vong.
Thống kê của quân đội Nga ngày 2/6 cho thấy Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) hôm 1/6 đã liên tiếp pháo kích thành phố biên giới Shebekino thuộc tỉnh Belgorod, với khoảng 750 quả đạn các loại. Phần lớn những cuộc tấn công được thực hiện từ thị trấn Volchansk thuộc tỉnh Kharkov của Ukraine. (AFP/Reuters)
* Ukraine kiểm tra hệ thống hầm tránh bom toàn quốc: Ngày 2/6, phát biểu trong trong cuộc họp an ninh cấp cao của Chính phủ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ra lệnh kiểm tra toàn bộ hệ thống hầm tránh bom toàn quốc. Quyết định trên được đưa ra sau khi 3 người đã thiệt mạng ở thủ đô Kiev vì không thể tiếp cận nơi trú ẩn sau đợt không kích của Nga.
Cùng ngày, các lực lượng Ukraine ở thủ đô Kiev cho biết: “Theo thông tin ban đầu, hơn 30 mục tiêu trên không đã bị lực lượng phòng không phát hiện và phá hủy trên không phận quanh Kiev”. Các vụ nổ đã khiến hai người bị thương, trong đó có một trẻ nhỏ. Các quan chức cũng cho biết các mảnh vỡ đã rơi xuống và gây hư hại 5 ngôi nhà. (AFP/Reuters)
* Trung Quốc sẽ thúc đẩy hòa đàm Nga-Ukraine: Ngày 2/6, phát biểu trong một buổi họp báo Đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy nhận định chuyến công du châu Âu của ông hồi tháng trước có thể không mang lại bất kỳ kết quả nào ngay lập tức. Quan chức này cũng lưu ý: “Chúng tôi cảm thấy rằng hiện vẫn có một khoảng cách lớn giữa quan điểm của cả hai bên”.
Tuy nhiên, ông Lý Huy cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cân nhắc cử một phái đoàn khác tới châu Âu để đàm phán giải quyết về khủng hoảng Ukraine. (Sputnik)
* Ngoại trưởng Mỹ hối thúc tìm kiếm “hòa bình lâu dài” cho Ukraine: Ngày 2/6, phát biểu tại Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nỗ lực - dù là của Brazil, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác - nếu họ giúp tìm ra con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài (cho Ukraine)”. Theo ông, Washington cũng khuyến khích những sáng kiến của các quốc gia khác nhằm chấm dứt xung đột, miễn là họ tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Ukraine.
Nhận định xung đột Nga-Ukraine là một “thất bại chiến lược” của Moscow, quan chức ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, giúp nước này xây dựng “quân đội tương lai” hiện đại và thiện chiến. (Reuters)
* Armenia không phải đồng minh của Nga trong xung đột tại Ukraine: Ngày 2/6, trả lời kênh CNN Prima News (Czech), Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh: “Các vị nói rằng chúng tôi là đồng minh của Nga. Tất nhiên, điều này chưa bao giờ được tuyên bố rầm rộ, nhưng tôi nghĩ điều đó có thể thấy được. Trong xung đột tại Ukraine, chúng tôi không phải là đồng minh của Nga”.
Theo Thủ tướng Pashinyan, Armenia quan ngại về xung đột này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các mối quan hệ của Yerevan: “Phương Tây coi chúng tôi là đồng minh của Nga, họ còn nhận xét nhiều hơn thế. Ở Nga, họ thấy rằng chúng tôi không phải là đồng minh của họ trong xung đột. Vậy là trong tình huống này, chúng tôi không phải là đồng minh của bất kỳ ai và chúng tôi dễ bị tổn thương”. Nhà lãnh đạo Armenia cũng cho biết hiện Yerevan có quá nhiều nỗi lo và không nên bị cuốn vào việc giải quyết các vấn đề của bên khác. (CNN/Reuters)
* Hạ viện Thụy Sĩ không ủng hộ chuyển vũ khí tới Ukraine: Ngày 1/6, Hội đồng Quốc gia (tức Hạ viện) ở Bern đã bỏ phiếu với tỷ lệ 98-75 để phản đối việc đệ trình đề xuất chuyển vũ khí cho Ukraine ở quốc hội. Ông Jean-Luc Addor – đại diện của đảng Nhân dân Thụy Sỹ cho rằng “chấp nhận sáng kiến, cũng là đồng nghĩa với cam kết cho vấn đề đó. Điều này vi phạm chính sách trung lập”.
Lâu nay, vấn đề trung lập của Thụy Sĩ đã được đưa ra tranh cãi nhiều, và nó càng được chú ý hơn sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trong khi quốc gia châu Âu này – dù không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) – đưa ra nhiều lệnh trừng phạt với Nga, song Bern cho thấy họ chưa sẵn sàng thay đổi chính sách trung lập. Bất chấp sức ép từ Ukraine và đồng minh, Thụy Sĩ vẫn từ chối cho phép các quốc gia sở hữu vũ khí do nước này sản xuất tái xuất khẩu sang Ukraine.
Thụy Sĩ cũng từ chối đề nghị mua lại vũ khí của các quốc gia, trong đó có Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Nước này khẳng định sẽ cấm mọi xuất khẩu nếu quốc gia nhận được vũ khí đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang quốc tế. (Reuters)
* Hungary đề xuất ngăn Ukraine phản công Nga: Ngày 2/6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo: “Tiến hành những đợt tấn công chiến lược lớn sẽ dẫn đến nhiều đổ máu”. Ông dự báo tổn thất của phe tấn công có thể cao gấp 3 lần tổn thất của bên phòng thủ, đồng thời kêu gọi EU làm mọi cách để Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn và hòa đàm trước đợt phản công. Ông cũng cam kết rằng chính phủ Hungary hiện nay sẽ không bao giờ chống Nga. (TTXVN)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc lo Mỹ giám sát các nhà ngoại giao nước ngoài ở Nga: Ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại trước nguy cơ tình báo Mỹ giám sát các nhà ngoại giao nước ngoài ở Nga qua điện thoại iPhone. Thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi đã chú ý đến thông tin liên quan. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về vấn đề này”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng công nghệ để phục vụ các hoạt động do thám trên toàn thế giới trong một thời gian dài. (Sputnik)
Nga-Mỹ
* Nga phản ứng trước lập trường của Mỹ về New START: Ngày 1/6, viết trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Washington nêu rõ: “Chúng tôi đã ghi nhận các thông tin về New START do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 1/6 cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh rằng các tuyên bố của Mỹ không liên quan gì đến nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng xung quanh về thỏa thuận…”
Cơ quan đại diện Nga tại Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần giải thích tại các diễn đàn công khai và thông qua các kênh ngoại giao về lý do Nga đình chỉ tham gia New START. Chúng tôi đã giải thích đầy đủ về mặt pháp lý đối với quyết định của mình, điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước Vienna. Việc Mỹ ngoan cố từ chối công nhận quyền tối cao của luật pháp quốc tế là khá rõ ràng”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp thông tin cho Nga về vũ khí chiến lược theo khuôn khổ hiệp ước New START từ ngày 1/6. (TASS)
Đông Nam Á
* Khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 20: Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La đã chính thức khai mạc. Sự kiện thường niên này, dự kiến kéo dài tới ngày 4/6, thu hút các quan chức quân đội cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới.
Dự kiến, Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ trình bày bài phát biểu quan trọng vào buổi tối cùng ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc cũng sẽ phát biểu ít lâu sau đó. (Reuters)
Nam Á
* Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc cho phép các nhà báo tiếp tục làm việc: Ngày 2/6, Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ cho phép các nhà báo Ấn Độ tiếp tục làm việc tại Trung Quốc. Trước đó, trong năm nay, hai nước láng giềng đã vướng vào tranh cãi gay gắt về vấn đề thị thực cho các nhà báo hai bên. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Triều Tiên chỉ trích lãnh đạo Liên hợp quốc và NATO “can thiệp vấn đề nội bộ”: Ngày 2/6, KCNA (Triều Tiên) đăng tải tuyên bố của Jo Chol Su, Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói rằng những phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng đã vi phạm “quyền chủ quyền” của một quốc gia thành viên. Ông cho rằng đây là một động thái “không công bằng” và can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Quan chức này nêu rõ Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các quyền chủ quyền, bao gồm cả việc phóng vệ tinh do thám quân sự, để chứng minh rằng LHQ không thuộc về Mỹ.
Trong một tuyên bố riêng khác do KCNA đăng tải, ông Jong Kyong Chol, nhà phân tích các vấn đề quốc tế cho rằng nhận xét “khiêu khích” của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg về vụ phóng vệ tinh là can thiệp vào công việc nội bộ.
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vì sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga sẽ không để “kẻ xấu” gây bất ổn: Ngày 2/6, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố “những kẻ xấu” đang ngày càng cố tình gây bất ổn cho Nga và cần phải ngăn chặn chiều hướng này. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng chúng sẽ không được phép thực hiện những hành động này trong mọi hoàn cảnh”. (Reuters)
* Nga tam ngừng bơm khí đốt qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 2/6, Gazprom (Nga) thông báo sẽ ngừng bơm khí đốt trên cả hai nhánh của đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 1 tuần. Theo văn phòng báo chí của tập đoàn khí đốt này, quyết định tạm ngừng cung cấp liên quan đến hoạt động bảo trì đường ống hàng năm diễn ra từ ngày 5-12/6.
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt đi qua Biển Đen. Công suất thiết kế của tuyến đường ống này là 31,5 tỷ m3 khí đốt/năm. Thông qua hệ thống, khí đốt được cung cấp đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Nam và Đông Nam châu Âu. Ngừng trung chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm ít nhất 2 lần lượng khí đốt cung cấp cho các quốc gia thành viên EU.
Trước đó, báo Thương gia (Nga) đưa tin Moscow có thể gặp khó khăn trong công tác sửa chữa các tuyến đường ống dẫn khí đốt do trừng phạt của phương Tây cấm xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán hoặc cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp turbine khí từ Mỹ. Biện pháp này ảnh hưởng đến số lượng lớn các chi tiết quan trọng được sử dụng trên đường ống xuất khẩu khí đốt của Nga kể từ thời Liên Xô. (TTXVN)
* Tổng thống Ba Lan đề xuất thay đổi luật về ảnh hưởng của Nga: Ngày 2/6, ông Andrzej Duda cho biết sẽ đề xuất sửa đổi luật mới được thông qua về mức độ ảnh hưởng quá mức của Nga, đáp lại chỉ trích rằng văn bản quy phạm pháp luật này có thể dẫn đến việc cấm chính trị gia đối lập tham gia cơ quan công quyền.
Trước đó, ngày 29/5, Tổng thống Duda tuyên bố sẽ ký dự luật cho phép thành lập ủy ban chịu trách nhiệm điều tra liệu đảng Cương lĩnh Dân sự (PO) đối lập có khiến Warsaw phải chịu ảnh hưởng quá mức từ Moscow và do đó, phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga trong thời gian đảng này cầm quyền hay không. (Reuters)
* Tổng Thư ký NATO lên kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 2/6, Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết ông Jens Stoltenberg sẽ đến Ankara vào ngày 3/6 để tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống chủ nhà Recep Tayyip Erdogan. Trước đó một ngày, Tổng Thư ký NATO cũng đề cập việc sẽ sớm đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc Thụy Điển xin gia nhập liên minh này.
Cùng ngày, Hội đồng bầu cử tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống. Theo đó, ông Erdogan đã giành chiến thắng ở vòng hai với 52,18% phiếu bầu, trong khi đối thủ Kemal Kilicdaroglu nhận được 47,82%. Sau lễ nhậm chức của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao, vốn đã tạm dừng trong giai đoạn trước bầu cử. (Hurriyet)
Châu Mỹ
* Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về trần nợ công: Tối 1/6 (theo giờ địa phương), với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Dự luật giờ đây sẽ được chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 5/6, thời hạn chót trong cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ để các bên đạt thỏa thuận nâng trần nợ 31,400 tỷ USD trước khi ngân sách liên bang cạn kiệt.
Trước đó một ngày, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật nói trên với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống. Tổng thống Joe Biden đã hối thúc Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật để ông có thể sớm ký phê chuẩn thành luật. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Ngoại trưởng Nga-Saudi Arabia thảo luận: Ngày 1/6, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Nam Phi, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã hội đàm. Hai bên xem xét các khía cạnh, cũng như biện pháp nhằm tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương cũng như đa phương trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm.
Hoàng tử Faisal bin Farhan nhắc lại lập trường của Riyadh về ủng hộ tất cả các nỗ lực của khu vực và quốc tế, hướng tới giải pháp chính trị bền vững cho xung đột Nga-Ukraine. Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề chính được nêu ra trong hội nghị đang diễn ra với chủ đề “BRICS và châu Phi: quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”. (Reuters)