Tin thế giới 20/3: Chủ tịch Trung Quốc thăm Moscow, Thái Lan 'dọn đường' cho bầu cử
EU thúc đẩy mua vũ khí chung cho Kiev, Czech lo Ukraine khó vào NATO, Nhật Bản công bố văn bản chiến lược mới… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* EU thúc đẩy thỏa thuận mua chung lô vũ khí cho Ukraine: Ngày 20/3, phát biểu với báo giới tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nêu rõ: “Cùng nhau, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng sẽ hoàn tất thỏa thuận cung cấp đạn dược cho Ukraine”. Ông cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận, EU sẽ đối mặt nhiều trở ngại trong duy trì hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev.
Cùng ngày, viết trên Twitter, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov đã lên tiếng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine: “Công thức để thực thi thành công ‘Kế hoạch hòa bình’ của Trung Quốc. Điểm đầu tiên và quan trọng nhất là Nga đầu hàng hoặc rút quân khỏi (lãnh thổ Ukraine) căn cứ theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”. (AFP/Reuters)
Nga-Trung
* Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga: Hãng thông tấn TASS (Nga) và CCTV (Trung Quốc) đưa tin chiều 20/3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới sân bay Vnukovo ở thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Nga trong 4 năm qua.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm, ông nêu rõ: “Trung Quốc, cùng với Nga, sẵn sàng kiên quyết duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ các nguyên tắc đa phương đúng đắn, thúc đẩy đa cực trên thế giới và dân chủ hóa các quan hệ quốc tế... Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ mang lại kết quả tốt đẹp và tạo động lực mới cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Trung-Nga trong thời đại mới”. (Reuters/Sputnik)
* Quan chức Nga nêu quan điểm về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 20/3, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 (Nga), ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, nêu rõ: “Đây là lãnh thổ duy nhất. Chúng tôi không nói về chủ quyền của Đài Loan: Đó là lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi hy vọng việc Đài Loan tái thống nhất với Trung Quốc sớm muộn sẽ diễn ra một cách hòa bình”.
Theo ông Dzhabarov, điều này “sẽ có lợi cho người dân của cả hai phần Trung Quốc”. Quan chức Nga này nhấn mạnh nước này sẽ luôn ủng hộ Trung Quốc đại lục và hoàn toàn ủng hộ mọi lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Bắc. (Reuters)
* Trung Quốc: ICC nên theo đuổi lập trường công bằng: Ngày 20/3, phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nên đưa ra lập trường công bằng, ít lâu sau khi tòa án quốc tế này ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời, ông cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò khách quan và công bằng ở Ukraine, đồng thời thể hiện vai trò xây dựng trong các cuộc đàm phán hòa bình. (Reuters)
Đông Nam Á
* Lào, Campuchia tái cam kết mở rộng hợp tác an ninh biên giới: Ngày 19/3, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào ngày 18-20/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào Vilay Lakhamfong và ký biên bản ghi nhớ sau cuộc họp thường niên về hợp tác song phương.
Hai bên tái khẳng định cam kết mở rộng hợp tác về duy trì an ninh dọc biên giới, phòng chống buôn bán người, nhập cư bất hợp pháp, tội phạm viễn thông và mạng Internet. Hai bên cũng rà soát hợp tác song phương trong việc triển khai các kế hoạch hợp tác theo Bản ghi nhớ mà hai bên đã ký năm 2021 và thông qua phương hướng hợp tác cho năm 2023. (Tân Hoa xã)
* Thái Lan giải tán Hạ viện, mở đường cho tổng tuyển cử vào tháng 5 tới: Theo Công báo Hoàng gia được công bố chiều 20/3, Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã phê chuẩn sắc lệnh giải tán Hạ viện, mở đường tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 tới. Sắc lệnh được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đệ trình dự thảo vào ngày 17/3.
Theo quy định, Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) sẽ có thời gian 5 ngày để chuẩn bị và công bố thời điểm tổ chức tổng tuyển cử, cùng với đó là lộ trình liên quan thời gian đăng ký danh sách ứng cử viên tranh cử, tổ chức chiến dịch vận động tranh cử, công bố chính thức số lượng cử tri và phát phiếu cử tri.
Sau đó, cuộc tổng tuyển cử sẽ phải được tổ chức trong 45-60 ngày sau thời điểm giải tán Hạ viện. Thời điểm tổ chức bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 7/5 (như thời điểm EC dự kiến trước đây) hoặc ngày 14/5 tới. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc ủng hộ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Hàn-Nhật năm nay: Trả lời họp báo thường kỳ ngày 20/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Trung Quốc luôn nhất quán và tích cực tham gia vào hoạt động hợp tác ba bên”. Trung Quốc “ủng hộ đề xuất của Hàn Quốc trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh” giữa ba nước, và hy vọng duy trì “liên lạc và phối hợp” với Seoul và Tokyo về vấn đề này. Theo nhà ngoại giao này, các bên “cần hợp tác để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hợp tác ba bên, cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”. (Reuters/Yonhap)
* Nhật Bản công bố kế hoạch mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 20/3, phát biểu tại Nhà khách quốc gia Sapru trước thềm chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã hé lộ kế hoạch về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mới gồm “bốn trụ cột”: duy trì hòa bình, giải quyết các vấn đề toàn cầu mới trong sự hợp tác với các nước khu vực, đạt kết nối toàn cầu thông qua nhiều nền tảng khác nhau và bảo đảm an toàn cho vùng biển, bầu trời rộng mở.
Để đạt điều này, nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết chi 75 tỷ USD cho khu vực tới năm 2030 thông qua đầu tư tư nhân và khoản vay bằng đồng Yên, song song với tăng cường viện trợ thông qua hỗ trợ và trợ cấp chính phủ.
Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với New Delhi trong việc đóng góp vào sự ổn định ở khu vực Nam Á. Ông nói: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) là một tầm nhìn đang thu hút sự chú ý. FOIP là một khái niệm có tầm nhìn xa trông rộng. Nó nhằm bảo vệ pháp quyền và tự do”. (TTXVN)
* Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc thăm Nhật Bản: Phát biểu ngày 20/3, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo Bộ trưởng Kwon Young Se sẽ thăm Nhật Bản trong 4 ngày (22-25/3) theo lời mời của Tokyo. Dự kiến, ông sẽ thông báo vắn tắt với phía Nhật Bản về cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với vấn đề Triều Tiên, cũng như chiến lược thống nhất, nối tiếp thượng đỉnh hồi tuần trước giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Kishida Fumio. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận cách thức tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm của ông Kwon Young Se sẽ góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến chính sách trong vấn đề thống nhất và Triều Tiên lên một tầm cao hơn”. (Yonhap)
Châu Âu
* Điện Kremlin yêu cầu quan chức không dùng iPhone: Ngày 20/3, Kommersant (Nga) cho biết tại buổi hội thảo do Điện Kremlin tổ chức có sự tham gia của các quan chức phụ trách các vấn đề chính trị trong nước, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Sergei Kiriyenko yêu cầu các quan chức ngừng sử dụng điện thoại iPhone của hãng Apple trước ngày 1/4 do lo ngại thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây xâm nhập. Tờ Kommersant dẫn lời một quan chức tham gia cho hay: “Hoặc vứt nó đi hoặc đưa cho trẻ em dùng. Ai ai cũng phải làm điều đó trong tháng 3 này”. Điện Kremlin có thể cung cấp cho các quan chức các thiết bị với hệ điều hành khác nhằm thay thế iPhone.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chưa thể xác nhận thông tin trên, song khẳng định điện thoại thông minh không thể được sử dụng cho mục đích chính thức. Tổng thống Putin tuyên bố ông không sở hữu điện thoại thông minh, song ông Peskov cho hay nhà lãnh đạo Nga thi thoảng sử dụng Internet. (Reuters)
* Czech: NATO khó đồng thuận kết nạp Ukraine: Trả lời phỏng vấn tờ Rzeczpospolita (Ba Lan) đăng tải ngày 19/3, đề cập khả năng Ukraine sớm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Czech Petr Pavel cho biết: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ sẽ rất khó. NATO có 30 quốc gia. Tôi hy vọng rằng sau thượng đỉnh sẽ có 32 thành viên. Rất khó để đưa ra quyết định chung trong một nhóm như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng sau thời gian, nhờ những nỗ lực chung và một số quốc gia ủng hộ Ukraine, chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ”.
Nhận định “Ukraine xứng đáng được chấp nhận vào NATO” và “đáp ứng các điều kiện”, ông nói: “Tôi muốn nói rằng sẽ có lợi hơn cho Ukraine khi trở thành thành viên EU trước, sau đó là thành viên NATO”.
Về tình hình tại Ukraine, ông cho rằng Kiev sẽ chỉ có một cơ hội phản công lớn và nếu nỗ lực này thất bại, Ukraine sẽ rất khó khăn khi sự quan tâm của Mỹ và viện trợ của Washington có thể giảm năm tới, kéo theo điều tương tự từ các nước châu Âu.
Ông nói: “Sau mùa Đông tới, sẽ vô cùng khó khăn để duy trì mức viện trợ hiện tại”. Xung đột đến tháng thứ 13 không chỉ kéo theo sự cạn kiệt nguồn nhân lực và công nghệ, hay cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị phá hủy, mà còn là sự mệt mỏi của các quốc gia cung cấp viện trợ, trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống.
Theo ông Pavel, sự chú ý của các chính trị gia và công chúng Mỹ khi đó sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước. (TTXVN)
Trung Đông-châu Phi
* Iraq ấn định thời điểm bầu cử hội đồng cấp tỉnh: Ngày 20/3, sau khi đạt đồng thuận, Quốc hội Iraq đã ấn định ngày 6/11 tới là bầu cử hội đồng cấp tỉnh, cơ quan quyền lực vốn bị giải tán sau biểu tình phản đối chính phủ năm 2019.
Theo đó, bầu cử các hội đồng, lần đầu tiên trong một thập kỷ, sẽ diễn ra tại 15/18 tỉnh của Iraq, ngoại trừ 3 tỉnh ở khu tự trị người Kurd tại miền Bắc Iraq. Các hội đồng cấp tỉnh, được thành lập theo hiến pháp năm 2005 sau sự sụp đổ của chế độ của ông Saddam Hussein, nắm giữ quyền lực tương đối quan trọng trong thể chế liên bang Iraq, bao gồm cả phân bổ ngân sách cho lĩnh vực y tế, giao thông và giáo dục.
Cuộc bầu cử cấp tỉnh gần đây nhất diễn ra năm 2013, thời điểm các nhân vật trung thành với cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki giành nhiều ghế nhất. Cuộc bầu cử cấp tỉnh tiếp theo lẽ ra phải được tổ chức năm 2018 song đã bị hoãn lại. (AFP)