Tin thế giới 22/3: Nga khiến Trung Quốc 'mát mặt', nắm tay nhau 'làm gương' cho thế giới; Động cơ thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga, quan hệ Nga-Mỹ sau phát ngôn 'sốc' của ông Biden, Biển Đông, tình hình Myanmar, căng thẳng Triều Tiên-Malaysia... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Trung Quốc

Ngoại trưởng Nga thăm Trung Quốc, không ngớt lời khen quan hệ song phương

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày (22-23/3). Trong phát biểu trước truyền thông nước chủ nhà, ông Lavrov chỉ trích Mỹ "áp đặt" những ý muốn và yêu cầu của mình lên tất cả những nước khác.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng, Moscow và Bắc Kinh bắt buộc phải phát triển độc lập với Washington để ngăn chặn "ý đồ của Mỹ" nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Nga và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hợp tác Nga-Trung trong việc giảm phụ thuộc vào USD và các hệ thống thanh toán của phương Tây.

Ông Lavrov khen ngợi Trung Quốc là Đối tác chiến lược thực sự và là quốc gia có cùng chí hướng với Moscow, nhấn mạnh rằng, cuộc đối thoại tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của hai nước sẽ là "tấm gương" cho các quốc gia khác.

"Mối quan hệ Nga-Trung hiện tại được các nhà lãnh đạo và công dân của chúng tôi đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay", nhà ngoại giao hàng đầu Nga cho hay.

Theo ông Lavrov, quan hệ song phương Nga-Trung đã đạt đến mức độ chưa từng có nhờ Hiệp định hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện được hai nước ký vào tháng 7/2001, một "mối quan hệ thực chất, không chịu sự chi phối của bất kỳ yếu tố cơ hội nào cũng như chống lại bất kỳ nước thứ ba nào". (TASS, Tân Hoa Xã)

Trung Quốc ca ngợi mối quan hệ Nga-Trung 'chân thành, không toan tính, âm mưu'

Ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, việc tăng cường mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không nhằm phương hại đến các nước khác.

"Mối quan hệ của chúng tôi cởi mở và chân thành, không giống một số nước lập thành nhóm, toan tính và âm mưu dựa trên những lợi ích ngầm của họ", bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm, thời điểm nhà ngoại giao Nga đến thăm Trung Quốc không liên quan đến cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska, cho rằng "Nga và Trung Quốc từ đầu đã là những đối tác gần gũi và luôn duy trì liên lạc chặt chẽ ở mọi cấp độ". (Sputnik)

Nga-Mỹ: Moscow phản ứng việc Washington không ủng hộ hội đàm Putin-Biden

Ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lấy làm tiếc rằng, Washington không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào ngày 19 hoặc 22/3.

Tuyên bố trên trang web của bộ trên có đoạn: "Một cơ hội khác để tìm giải pháp cho bế tắc bị bỏ lỡ, do Washington gây ra, trong quan hệ Nga-Mỹ. Trách nhiệm về điều này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ". (Reuters)

Mỹ

Cựu Tổng thống Trump chuẩn bị ra mắt mạng xã hội riêng

Ngày 21/3, trả lời phỏng vấn Fox News, ông Jason Miller, một cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết, ông Trump dự kiến quay trở lại không gian mạng với nền tảng của riêng mình trong vòng 2 đến 3 tháng tới.

Ông Miller - từng là Cố vấn cấp cao trong các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 và 2020 của ông Trump - cho rằng, nền tảng mới này sẽ "định hình lại hoàn toàn cuộc chơi” và “tất cả mọi người sẽ chờ đợi và theo dõi những điều mà ông Trump sẽ làm trên nền tảng của riêng mình”.

Theo ông Miller, nhiều khả năng mạng xã hội mới của ông Trump sẽ thu hút hàng chục triệu người tham gia. (Fox News)

Mỹ sẵn sàng hợp tác giúp Afghanistan đạt được hòa bình và ổn định lâu dài

Ngày 21/3, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm nước này đã trao đổi quan điểm về các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân Taliban.

Theo Văn phòng Tổng thống Afghanistan, hai bên bày tỏ quan ngại về các diễn biến bạo lực ở Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh, "giải pháp cơ bản cho tình hình hiện tại là đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài".

Văn phòng trên cũng trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Austin, nêu rõ Mỹ sẵn sàng hợp tác với Afghanistan để đạt được hòa bình và ổn định ở nước này. (AP)

Jordan và Mỹ đạt thỏa thuận quốc phòng mới

Ngày 21/3, Jordan đã công bố thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, trong đó cho phép “các lực lượng Mỹ có thể sở hữu các loại vũ khí và lưu hành trên lãnh thổ Jordan trong khi thực hiện những nhiệm vụ của họ”.

Thỏa thuận cũng nêu rõ, các lực lượng Mỹ có thể vận chuyển và lưu trữ các thiết bị. Bên cạnh đó, các binh sĩ, máy bay và tàu Mỹ cũng được phép “tự do ra, vào lãnh thổ Jordan”.

Theo Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, thỏa thuận này "không làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Jordan và hoàn toàn tuân thủ luật pháp của Jordan cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế”. (AFP)

Biển Đông

Philippines phản đối "sự hiện diện đe dọa" của tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 22/3, Philippines đã lên án Bắc Kinh về điều mà Manila miêu tả là "sự hiện diện áp đảo và đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu những tàu này rút khỏi khu vực.

Trong công hàm phản đối, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, hành động triển khai liên tục, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động của tàu Trung Quốc là áp đảo và đe dọa.

"Sự hiện diện áp đảo và đe dọa của những tàu này tạo ra bầu không khí bất ổn và thể hiện sự phớt lờ rành rành cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực", công hàm nêu rõ. (Reuters)

Chuyên gia: Động cơ thực sự của Trung Quốc tại Biển Đông là an ninh lương thực

Ông Neil Newman, một chuyên gia về chiến lược đầu tư tại các thị trường hàng hóa châu Á, cho rằng, an ninh lương thực mới là động cơ thực sự của Trung Quốc tại Biển Đông, với một phần ba lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu, chứ không đơn thuần là vấn đề bành trướng lãnh thổ như vẫn tuyên bố.

Theo ông Newman, nguồn hải sản mới thực sự là tâm điểm của các tranh chấp về lãnh thổ và chính trị liên quan đến Biển Đông khi giới lãnh đạo Trung Quốc để mắt tới những ngư trường nhiều cá ở các vùng biển miền Nam.

Chuyên gia này cảnh báo, việc Trung Quốc "cắm trại" ở Biển Đông, kết hợp với chính sách thương mại cứng rắn để trừng phạt các nước và thị trường khiến nước này phật ý như những gì diễn ra với Australia và Đài Loan, đang làm cho tình hình châu Á-Thái Bình Dương cảng trở nên nguy hiểm trong năm tới. (SCMP)

Triều Tiên-Malaysia: Kuala Lumpur đáp trả Bình Nhưỡng

Trong diễn biến mới nhất về căng thẳng ngoại giao Triều Tiên-Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishamuddin Hussein cho biết, nước này đã trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur.

Theo Bộ trưởng Hishamuddin, việc trục xuất được thực hiện theo Điều 9 Công ước Vienna 1961 về Quan hệ Ngoại giao. (Bernama, AP)

Tình hình Myanmar: EU trừng phạt, Ngoại trưởng Đức cảnh báo về số vụ giết người

Ngày 22/3, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, khối 27 quốc gia này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 cá nhân có liên quan cuộc chính biến ngày 1/2 ở Myanmar.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, các lệnh trừng phạt của EU đối với Myanmar không nhằm vào người dân mà sẽ nhằm vào những cá nhân chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực trên đường phố.

Phát biểu trước báo giới khi tới Brussels tham dự cuộc họp với những người đồng cấp EU, ông Mass bày tỏ: "Số vụ giết người đã lên đến mức không thể chấp nhận nổi, đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không thể tránh được việc áp đặt các biện pháp trừng phạt". (Reuters)

EU thông qua trừng phạt vi phạm nhân quyền tại Nga, Trung Quốc

Ngày 22/3, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đang họp tại Brussels đã thông qua các biện pháp trừng phạt Nga và Trung Quốc, một phần trong gói trừng phạt về vi phạm nhân quyền nhằm khẳng định "cam kết" của khối đối với các vi phạm nhân quyền trên toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Nga sẽ nhằm nhằm vào những cá nhân bị cáo buộc liên quan đến vi phạm tại Chechnya.

Trong khi đó, các Ngoại trưởng EU đã thông qua lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 4 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc liên quan vụ việc về cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Danh sách các cá nhân và tổ chức này sẽ được công bố sau đó cùng ngày. (AFP, Reuters)

Trung Quốc-Canada: Trung Quốc xét xử công dân Canada thứ 2, Mỹ lên tiếng

Ngày 22/3, một tòa án ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đã tiến hành xét xử công dân Canada Michael Kovrig, người đã bị giam giữ 2 năm, vì cáo buộc làm gián điệp, 3 ngày sau khi xét xử công dân Michael Spavor vì cáo buộc tương tự, song không đưa ra phán quyết cuối cùng.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc Jim Nickel cho biết, ông bị ngăn cản không cho vào phòng xử, cho rằng điều này vi phạm các nghĩa vụ hiệp ước song phương và quốc tế của Trung Quốc.

Cùng ngày, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc William Klein cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc về các vụ xét xử trên. (AP, Reuters)

Hai máy bay tiêm kích lao xuống biển, nghi đâm vào nhau

Ngày 22/3, Trung tâm Chỉ huy Cứu hộ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, 2 máy bay tiêm kích F-5E của không quân, mỗi máy bay có một phi công, đã lao xuống khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam của hòn đảo này sau vụ rõ ràng là va chạm giữa không trung trong lúc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Đây là vụ rơi thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, thời điểm lực lượng vũ trang của hòn đảo này đang chịu sức ép ngày càng tăng trong việc chặn máy bay Trung Quốc gần như hàng ngày.

Đài Loan đang xem xét ra một tuyên bố và hiện không đưa ra bình luận nào khác. Hãng CNA đưa tin, lực lượng không quân Đài Loan hiện đã cho phi đội F-5 ngừng hoạt động. (Reuters)

Israel tịch thu thẻ ưu tiên của Ngoại trưởng Palestine sau chuyến thăm ICC

Ngày 21/3, một quan chức Palestine cho biết, cơ quan chức năng Israel đã tịch thu giấy phép ưu tiên qua lại biên giới của Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki ngay khi ông trở về Bờ Tây sau một cuộc gặp tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Ông Ahmed al-Dee, một quan chức của Văn phòng Ngoại trưởng Palestine, cho rằng, động thái của Israel có liên quan đến cuộc gặp giữa ông Maliki với Trưởng công tố ICC Fatou Bensouda ở The Hague hôm 18/3 nhằm hối thúc đẩy nhanh những cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại những vùng lãnh thổ của Palestine.

Ông Deek nhấn mạnh: “Đây là Bộ Ngoại giao của Nhà nước Palestine. Ông Maliki không đại diện cho cá nhân. Ông đại diện cho Nhà nước Palestine và chúng tôi coi động thái này là một hành động tấn công Nhà nước Palestine”. (Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-223-nga-khien-trung-quoc-mat-mat-nam-tay-nhau-lam-guong-cho-the-gioi-dong-co-thuc-su-cua-trung-quoc-o-bien-dong-la-gi-140006.html