Tin thế giới 27/10: Nga vô hiệu hóa điệp viên Ukraine, Malaysia có Quốc vương mới, cựu Thủ tướng Trung Quốc từ trần

Israel vô hiệu hóa lãnh đạo chủ chốt của Hamas, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói về gói viện trợ khủng, Pheu Thai có chủ tịch mới… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã từ trần. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã từ trần. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga vô hiệu hóa gián điệp ờ miền Nam Ukraine: Ngày 27/10, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) nhấn mạnh: “Do một chiến dịch đặc biệt tại Zaporizhzhia, FSB đã ngăn chặn hoạt động của 3 nhóm điệp viên lớn do tình báo Ukraine điều phối”. Một người đàn ông bị tình nghi làm việc cho tình báo Ukraine đã thiệt mạng sau khi đấu súng, song FSB không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ngoài ra, quản trị viên của một phòng trò chuyện trực tuyến ủng hộ Ukraine và một cơ quan truyền thông ở Melitopol do Nga kiểm soát đã bị bắt giữ. Họ đã thuyết phục người dân thu thập thông tin về “các địa điểm và hoạt động di chuyển của quân Nga” cũng như thúc đẩy “một chương trình nghị sự chống Nga”. (AFP)

* Nga chặn 3 cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Kursk: Ngày 27/10, kênh Telegram “Shot” cho hay máy bay không người lái (UAV) của các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã 3 lần cố tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk ở thành phố Kurchatov tối 26/10.

Chiếc đầu tiên được phát hiện vào 20h20 ngày 26/10, gần trạm kiểm soát khu phức hợp hành chính của nhà máy. UAV này gắn một thiết bị nổ không xác định và không phát nổ. Các chuyên gia đã thu giữ và tiêu hủy chiếc UAV nêu trên.

Vụ tấn công thứ 2 được quân đội Nga xác định vào khoảng 21h30 trên lãnh thổ nhà máy điện hạt nhân trong khu vực trại chó. UAV này đã bị hệ thống phòng không của khu vực này chặn, buộc hạ cánh và cũng không phát nổ. UAV thứ 3 bị chặn vào khoảng 23h40, rơi cạnh một kho chứa chất thải hạt nhân và phát nổ. Hậu quả là mặt tiền của tòa nhà kho bị hư hỏng, nhưng không ai bị thương.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các hệ thống phòng không đã phá hủy 1 UAV của Ukraine ở tỉnh Kursk. Tối 26/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã chặn cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào cơ sở ở tỉnh này. (TASS)

* Hungary cảnh báo chiến lược “thất bại” của EU về Ukraine: Ngày 26/10, phát biểu trên đài phát thanh nhà nước Hungary, Thủ tướng nước này Viktor Orban cảnh báo chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) Ukraine “thất bại” và EU cần lập phương án B vì phía Kiev sẽ khó giành phần thắng trong xung đột.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, ông Orban cũng nói rằng đang có một “cuộc chiến lớn” về việc hỗ trợ cho Ukraine và ông không thấy có lý do gì để Hungary gửi tiền của người dân đóng thuế để hỗ trợ Ukraine.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quốc gia thành viên đóng góp nhiều hơn vào quỹ chung để cung cấp 50 tỷ Euro cho Ukraine và thêm 15 tỷ Euro cho vấn đề di cư. Một đề xuất khác sẽ phân bổ 20 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đáp lại, ông Orban nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy đề xuất này chưa được thực hiện tốt, không phù hợp làm cơ sở cho các cuộc đàm phán nghiêm túc nên đã từ chối”.

Tháng 12 tới, EU sẽ quyết định việc sửa đổi ngân sách 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ Euro (khoảng 1.200 tỷ USD), vốn căng thẳng do chi tiêu khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 và từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát đầu năm 2022. (Reuters)

* Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ muốn tách biệt tài trợ cho Ukraine và Israel: Ngày 26/10, trả lời phỏng vấn Fox News (Mỹ), tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết quỹ tài trợ dành cho Ukraine và Israel nên được xử lý tách biệt. Đồng thời, Thượng nghị sĩ này nhấn mạnh, ông sẽ không ủng hộ gói viện trợ trị giá 106 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cho cả hai nước. (Reuters)

Israel-Hamas

* Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hamas “đạo diễn” vụ tấn công hôm 7/10: Ngày 26/10, Lực lượng vũ trang Israel (IDF) đã công bố video do UAV quay cuộc không kích một mục tiêu ở thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza và vô hiệu hóa ông Shadi Barud. Cụ thể, máy bay của Israel đã ném ít nhất 2 quả bom chính xác, phá hủy ít nhất 4 tòa nhà để tiêu diệt nhân vật này. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu dân thường Palestine thiệt mạng cùng với ông Barud trong vụ tấn công.

IDF cáo buộc nhân vật này là đối tượng trực tiếp, cùng người đứng đầu Hamas Yahya Sinwar lên kế hoạch tấn công Israel ngày 7/10, sự kiện được Nhà nước Do Thái gọi là Thứ Bảy Đen

Trong một tin liên quan, giới chức Israel nhận định vũ khí được Hamas sử dụng trong sự kiện này được sản xuất tại Iran. Cáo buộc trên được đưa ra khi quân đội Israel giới thiệu với truyền thông những loại vũ khí thu hồi được tại các cộng đồng miền Nam Israel bị Hamas tấn công ngày 7/10 bao gồm các loại mìn, súng phóng lựu, một số thiết bị bay không người lái tự chế.

Trong số các loại vũ khí này có đạn cối do Iran sản xuất và súng phóng lựu do Triều Tiên chế tạo. Quan chức quân đội Israel đánh giá tầm 10% vũ khí bị thu giữ được sản xuất tại Iran, 10% được chế tạo tại Triều Tiên. Số còn lại được sản xuất tại Gaza. (Reuters)

* Hamas: Đợt không kích của Israel khiến nhiều con tin thiệt mạng: Ngày 26/10, hãng tin AP dẫn tuyên bố cánh vũ trang thuộc phong trào Hamas cho biết “gần 50” con tin Israel đã thiệt mạng do cuộc tấn công của quốc gia Do Thái vào dải Gaza. Tuy nhiên, AP chưa thể xác minh tính chính xác của thông tin này.

Trước đó, Israel đã triển khai lực lượng xe tăng và bộ binh tiến hành cuộc đột kích chớp nhoáng trong đêm 25/10 vào Dải Gaza. Một số mục tiêu của Hamas đã bị nhắm đến, trong khi (IDF) chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn bằng bộ binh vào những ngày tới. Trước đó, IDF đã mở một cuộc đột kích bằng xe tăng vào phía Bắc Dải Gaza “để chuẩn bị cho giai đoạn tác chiến tiếp theo”. Tuy nhiên, các binh sĩ Israel cũng nhanh chóng rời khu vực chỉ sau khoảng thời gian ngắn.

Trong một tin liên quan, trao đổi với AP tại Beirut (Lebanon), Ủy viên Bộ Chính trị Hamas Ghazi Hamad nêu rõ: “Chúng tôi cần nhiều hơn nữa từ các đồng minh, trong đó có Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah đang chống lại hành vi chiếm đóng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực này. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn nữa để ngăn chặn hành động của Israel ở dải Gaza. Chúng tôi mong đợi nhiều hơn nữa”. (AP)

* Hamas đề cao vai trò của Nga trong giải quyết xung đột: Ngày 26/10, RIA Novosti (Nga) dẫn lời Ủy viên Bộ Chính trị phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine Hussam Badran nêu rõ: “Nga có thể đóng vai trò lớn hơn trong công cuộc chấm dứt hành vi chống lại nhân dân của chúng tôi ở Dải Gaza và gây áp lực quốc tế để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho nhân dân của chúng tôi ở dải Gaza”.

Ông cũng lưu ý Hamas đánh giá cao vai trò của Nga ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là việc Moscow sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đáp trả những đề xuất từ đồng minh Mỹ của Israel.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận ông Abu Marzuk, thành viên Bộ Chính trị của phong trào Hamas, đã đến Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ không gặp phái đoàn.

Về phần mình, Israel đã chỉ trích Nga đã mời Hamas tới Moscow. Bộ Ngoại giao Israel yêu cầu Nga trục xuất các thành viên của phong trào này. (RIA Novosti)

* LHQ lo ngại về “tội ác chiến tranh” trong xung đột Israel-Hamas: Ngày 27/10, phát biểu ở Geneva, người phát ngôn cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Ravina Shamdasani bày tỏ quan ngại về “tội ác chiến tranh”. Quan chức này cũng quan ngại về tình hình của người dân Gaza trước cuộc xung đột hiện nay.

Trong khi đó cùng ngày, biểu họp báo tại Jerusalem người đứng đầu Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cảnh báo nếu Israel tiếp tục bao vây chặt Dải Gaza, nhiều người Palestine sẽ chết vì thiếu lương thực, nước uống và thuốc men. Quan chức này kêu gọi Nhà nước Do Thái cho phép thêm nhiều chuyến xe chở hàng viện trợ khẩn cấp vào Dải Gaza.

Hiện nay, Israel rất hạn chế số xe cứu trợ đi qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập. Trong khi đó, các nhân viên của UNWRA đang rất cần nhiên liệu để vận hành máy phát điện và các loại máy móc phục vụ công tác cứu trợ người dân. (Reuters)

* Tunisia, OIF kêu gọi Israel ngừng pháo kích Dải Gaza: Ngày 26/10, Ngoại trưởng Tunisia Nabil Ammar và Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo điện đàm. Thông báo của Bộ Ngoại giao Tunisia cho biết: “Trong điện đàm, ông Ammar nhấn mạnh Tunisia, với tư cách là thành viên sáng lập của OIF… không thể giữ im lặng trước tình huống khủng khiếp như vậy”.

Hai quan chức nhất trí về tính cấp thiết phải tuân thủ giá trị chung được OIF khuyến nghị, trong đó có yêu cầu tôn trọng sự sống con người và cùng tồn tại. Hai bên cũng thảo luận về Hội nghị Bộ trưởng sắp tới của khối nói tiếng Pháp, dự kiến diễn ra tháng 11 tại Yaounde, Cameroon, dưới sự chủ trì của Tổng thống Tunisia. (TTXVN)

* Ngoại trưởng Nhật Bản lên kế hoạch thăm Israel: Ngày 26/10, Jiji Press cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cân nhắc thăm Israel đầu tháng 11.

Trong bối cảnh xung đột gia tăng giữa Israel với nhóm chiến binh Hamas của Palestine, nhà ngoại giao này đặt mục tiêu mở đường cho việc xoa dịu tình hình càng sớm càng tốt. Như vậy, bà sẽ là bộ trưởng nội các Nhật Bản đầu tiên đến thăm Israel kể từ khi Hamas bắt đầu tấn công Israel ngày 7/10. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể gặp khó khăn trong điều phối chuyến thăm khi phía Israel đang chuẩn bị cho các hoạt động đổ bộ Dải Gaza.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình Cairo ở Ai Cập để giảm bớt căng thẳng ở Gaza. Bên lề sự kiện, bà đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và trao đổi quan điểm liên quan tới các biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng và cải thiện tình hình nhân đạo. (Jiji Press)

Mỹ-Trung

* Ngoại trưởng Mỹ-Trung hội đàm ở Washington: Ngày 26/10: Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã gặp tại Washington. Thông cáo xác nhận: “Ngoại trưởng Blinken đã tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc tại Washington. Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, trong đó có việc giải quyết những bất đồng cũng như nghiên cứu các lĩnh vực hợp tác”. Ông Blinken cũng nhắc lại rằng Mỹ tiếp tục đứng lên vì lợi ích và giá trị của mình.

Theo kế hoạch, hai nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ-Trung sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận vào ngày 27/10.

Cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi lời chia buồn tới Trung Quốc vì cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời. (Reuters/Sputnik)

Đông Nam Á

* Con gái út cựu Thủ tướng Thaksin được bầu làm chủ tịch đảng Pheu Thai: Ngày 27/10, bà Paetongtarn, con gái út cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã được bầu chọn làm lãnh đạo mới của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), đảng đứng đầu liên minh cầm quyền hiện nay ở Thái Lan.

Chính trị gia 37 tuổi này được lựa chọn để thay ông Cholnan Srikaew, người đã từ chức trước đó trong cuộc họp của Ban chấp hành Pheu Thai cùng các thành viên cốt cán tại trụ sở của đảng ở thủ đô Bangkok sáng ngày 27/10. (Thai PBS)

* Mỹ tặng Thái Lan 12 tàu tuần tra sông Mekong: Ngày 27/10, Mỹ đã bàn giao 12 tàu tuần tra cho Cục Cảnh sát biển Thái Lan để hoạt động trên sông Mekong nhằm chống buôn bán ma túy, hàng lậu và tội phạm xuyên biên giới. Sự kiện trao tặng được tổ chức tại trụ sở Phân khu Cảnh sát biển 11 ở huyện Muang, tỉnh Nong Khai, Đông Bắc Thái Lan, với sự tham dự của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Robert F. Godec cùng giới chức địa phương và các đại diện Cục Điều tra trung ương, Cục Cảnh sát biển Thái Lan.

Đại sứ Godec cho biết 12 tàu này có tổng trị giá 75,4 triệu baht (2,15 triệu USD), được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở những con sông có thác ghềnh và mực nước thấp trong mùa khô như Mekong.

Đáp lời Đại sứ Godec, Tỉnh trưởng tỉnh Nongkhai Rachan Soonhua khẳng định việc tặng tàu biểu hiện cho mối quan hệ tốt đẹp hai nước. Ông nhấn mạnh các tàu mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cảnh sát biển Thái Lan dọc sông Mekong, góp phần trấn áp tội phạm và mối đe dọa an ninh khác nhau.

Trước khi bàn giao tàu, đại diện của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Bộ phận thực thi pháp luật và ma túy quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã giúp đào tạo 24 sĩ quan cảnh sát biển Thái Lan cách sử dụng tàu tuần tra từ ngày 16-26/10.

Giới chức Thái Lan cho biết 12 đồn cảnh sát biển dọc sông Mekong thuộc các Phân khu Cảnh sát biển 10, 11 và 12 sẽ được trang bị 1 tàu/đồn. (Bangkok Post)

* Malaysia bầu chọn ông Sultan Ibrahim làm vị vua thứ 17: Ngày 27/10, hãng thông tấn nhà nước Bernama (Malaysia) cho biết Hội đồng quân vương Malaysia đã bầu chọn Tiểu vương bang Johor, Sultan Ibrahim Sultan Iskandar, làm Quốc vương thứ 17. Ông sẽ chính thức được phong làm Quốc vương ngày 31/1/2024, thay thế người tiền nhiệm Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah. (Tân hoa xã)

Đông Bắc Á

* Cựu Thủ tướng Trung Quốc từ trần: Ngày 27/10, ông Lý Khắc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc các khóa XVII, XVIII và XIX, đã từ trần tại Thượng Hải, hưởng thọ 68 tuổi. Theo đó, ngày 26/10, cựu Thủ tướng Trung Quốc trải qua một cơn đau tim đột ngột. Sau khi các biện pháp cứu chữa không thành công, ông đã qua đời vào lúc 00h10 ngày 27/10 (tức 23h10 ngày 26/10, giờ Hà Nội). (Tân hoa xã)

* IAEA kết thúc đánh giá việc xả nước thải tại Fukushima: Ngày 27/10, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) kết thúc đánh giá an toàn việc Nhật Bản xả nước nhiễm xạ qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Cụ thể, 7 quan chức và chuyên gia của IAEA từ 9/11 quốc gia thành viên nhóm đặc trách, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã tham gia vào phái đoàn. Đoàn đã thực hiện các hoạt động kiểm tra tại chỗ quá trình xử lý nước và các cơ sở xả thải tại khu liên hợp hạt nhân bị tàn phá sau trận động đất và sóng thần lớn năm 2011.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Nhật Bản, các thành viên của phái đoàn cũng đã trao đổi ý kiến với quan chức Chính phủ Nhật Bản, đơn vị điều hành nhà máy Tokyo Electric Power Company Holdings Inc. (TEPCO) và cơ quan quản lý hạt nhân về hoạt động xả thải tại nhà máy và quy trình giám sát môi trường.

Kể từ tháng 8/2023, TEPCO đã thải ra khoảng 15.600 tấn nước được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng nhằm loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ, ngoại trừ triti. Hiện Triti đã được pha loãng với nước biển, đạt nồng độ bằng 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi thải ra biển. (Kyodo)

Châu Âu

* Thụy Điển trục xuất đối tượng đốt kinh Qu’ran: Ngày 26/10, kênh truyền hình TV4 (Thụy Điển) đưa tin Cơ quan về di cư của Thụy Điển đã quyết định trục xuất Salwan Momika, người đàn ông Iraq đã đốt các bản sao kinh Qu’ran tại các cuộc tuần hành tình ở thủ đô Stockholm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo kênh truyền hình Thụy Điển, dù đã đưa ra quyết định, Cơ quan về di cư của Thụy Điển vẫn cấp giấy phép cư trú tạm thời cho đối tượng trên đến tháng 4/2024 do “một số vấn đề phức tạp trong quá trình thi hành quyết định”.

Hiện Cơ quan di trú của Thụy Điển chưa đưa ra bình luận chính thức. Cùng ngày, trả lời phỏng vấn đài SVT, ông Momika quả quyết: “Tôi sẽ không rời Thụy Điển. Tôi sẽ sống và chết ở đây. Cơ quan di trú đã có quyết định sai lầm nghiêm trọng. Tôi nghi có động thái chính trị sau quyết định này. Tôi sẽ kháng cáo”. (TTXVN)

* Hungary liên hệ vấn đề nhập cư với các vụ khủng bố: Ngày 26/10, Thủ tướng Viktor Orban đã phát biểu khi chuẩn bị tới Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị của EU về cải cách các quy định đối với vấn đề tị nạn.

Theo ông, nước này đang phản đối kế hoạch của EU nhằm chia sẻ trách nhiệm trên toàn khối trong việc tiếp nhận những người xin tị nạn hoặc đóng góp chi phí cho hoạt động trên. Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh: “Tôi hy vọng ngày càng nhiều người ở Brussels nhận thấy có mối liên hệ rất rõ ràng giữa hành vi khủng bố và tình trạng di cư. Những người ủng hộ việc di cư cũng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi chống khủng bố. Do đó, chúng tôi không ủng hộ việc di cư”.

Trước đó, hai thủ phạm đằng sau vụ tấn công đẫm máu mới đây ở Pháp và Bỉ, đều là các cá nhân cực đoan và từng bị từ chối chấp nhận đơn xin tị nạn. (TTXVN)

Trung Đông-Châu Phi

* Nổ lớn ở thị trấn bờ Biển Đỏ của Ai Cập: Ngày 27/10, hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết rằng một vật thể bay đã rơi xuống thị trấn nghỉ dưỡng Nuweiba ở Biển Đỏ. Vật thể rơi xuống vùng sa mạc của khu vực này. Một nhân chứng cho hay đã nghe thấy một tiếng nổ lớn và nhìn thấy những đám mây bụi ở phía xa. Hiện chính quyền địa phương đang thu thập thêm thông tin về vụ việc.

Trong khi đó, IDF cho rằng, vật thể rơi xuống Ai Cập liên quan đến “mối đe dọa trên bầu trời Biển Đỏ”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. (Reuters)

* Mỹ tấn công các cơ sở liên quan tới Iran ở Syria: Ngày 26/10, Văn phòng báo chí Lầu Năm Góc ra thông cáo xác nhận: “Hôm nay (ngày 26/10), theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden, các lực lượng quân sự của Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công tự vệ vào hai cơ sở ở miền Đông Syria. Đây là nơi được Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết sử dụng”. (TASS)

* Kết quả sơ bộ bầu cử địa phương Mozambique: Ngày 26/10, Ủy ban Bầu cử quốc gia (CNE) của Mozambique đưa ra kết quả cuối cùng cho cuộc bầu cử chính quyền các địa phương tại Mozambique tổ chức vào ngày 11/10 vừa qua.

Theo kết quả này, đảng Mặt trận Giải phóng Mozambique (FRELIMO) cầm quyền đã giành chiến thắng tại 64 trong số 65 thành phố/đô thị trực thuộc trung ương của đất nước. Phong trào Dân chủ Mozambique - MDM, đảng lớn thứ ba, chỉ giành chiến thắng ở Beira. Đảng Phong trào kháng chiến Mozambique (RENAMO), đảng lớn thứ hai, không chiến thắng ở bất cứ địa phương nào.

Theo luật bầu cử Mozambique, kết quả bỏ phiếu vẫn sẽ phải được Hội đồng Hiến pháp (CC), cơ quan bầu cử tư pháp cao nhất của nước này xác nhận và công bố. Trước đó, Hội đồng này là cơ quan cao nhất của Mozambique về các vấn đề hiến pháp và luật bầu cử đã bác bỏ 3 đơn kháng cáo của RENAMO về kết quả sơ bộ.

Cuộc bầu cử ngày 11/10 là cuộc bầu cử chính quyền địa phương lần thứ 6 ở Mozambique. Sự kiện đã diễn ra ở 65 thành phố trên cả nước, trong đó có 12 thành phố mới được bỏ phiếu lần đầu tiên. Các đảng đối lập, đặc biệt là RENAMO, phát động nhiều cuộc tuần hành phản đối kết quả bầu cử trên cả nước, với cáo buộc là “gian lận lớn” ở lá phiếu. Ngày 25/10, lãnh đạo RENAMO và MDM gặp mặt với cam kết hợp tác “để khôi phục sự thật bầu cử”. (TTXVN)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2710-nga-vo-hieu-hoa-diep-vien-ukraine-malaysia-co-quoc-vuong-moi-cuu-thu-tuong-trung-quoc-tu-tran-247743.html