Tin thế giới 27/4: Tổng thống Ukraine 'bỏ ngoài tai' lời khuyên của ông Putin; Nga xuống thang mời Mỹ 'nói chuyện'; Mỹ nổi giận tố Iran 'hiếu chiến'
Căng thẳng Nga-Ukraine, quan hệ của Nga với các quốc gia phương Tây, quan hệ Mỹ-Iran, tình hình Myanmar, Covid-19, Nhật Bản công bố sách xanh ngoại giao, vụ va chạm tàu ở Trung Quốc là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine:
Ukraine phản đòn Nga sau khi Moscow trục xuất nhà ngoại giao của Kiev
Ngày 27/4, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, nước này sẽ trục xuất nhân viên lãnh sự Nga tại Odessa nhằm đáp trả quyết định của Moscow trục xuất một nhân viên ngoại giao của Ukraine trước đó một ngày. (Reuters, Sputnik)
Nga nói về khả năng thảo luận với Ukraine, ông Zelensky 'bơ' lời khuyên của ông Putin
Ngày 27/4, người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ có thể thảo luận về vấn đề quan hệ song phương, chứ không thể dựa trên mục tiêu tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine.
Tuy nhiên, trước đó một ngày, trả lời tờ Financial Times liên quan tới đề xuất của Tổng thống Nga Putin rằng "nếu trao đổi về Donbass", ông Zelensky nên gặp đại diện của các thực thể thân Nga ở miền Đông Ukraine, ông Zelensky đã thẳng thừng tuyên bố sẽ "không nói chuyện với những kẻ khủng bố".
Đồng thời người đứng đầu Ukraine gợi ý rằng, "để giải quyết xung đột ở Donbass, cần phải điều chỉnh hoặc từ bỏ các thỏa thuận Minsk, cũng như việc Mỹ, Anh và Canada tham gia định dạng Normandy", vốn chỉ bao gồm 4 nước Đức, Pháp, Ukraine và Nga. (Sputnik)
Nga-phương Tây:
Nga-Mỹ: Moscow đề xuất đối thoại với Washington
Ngày 27/4, hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga đã đề xuất đối thoại với Mỹ về vấn đề ổn định chiến lược.
Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “sát nhân” và Washington áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow với cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng và các hành động thâm hiểm khác. (Reuters)
Nga phản đối hành động của Mỹ, NATO ở châu Âu
Ngày 27/4, hãng Interfax đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, các hành động của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu đang góp phần làm gia tăng mối đe dọa quân sự.
Ôg Shoigu cũng nhấn mạnh, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình cũng như hoạt động chuyển giao và triển khai các lực lượng NATO ở châu Âu trong khuôn khổ cuộc tập trận Người bảo vệ châu Âu (Defender Europe).
Gần đây, những xích mích xung quanh khu vực biên giới của Nga với Ukraine đã giảm bớt sau khi Moscow ra lệnh rút một số binh sĩ, tuy nhiên, ông Shoigu tuyên bố, Nga sẽ hành động nếu Moscow thấy phù hợp để đảm bảo an ninh ở biên giới của mình. (Reuters, Sputnik)
Nga-Anh: Anh áp đặt trừng phạt 22 cá nhân nước ngoài, trong đó có 14 người Nga
Ngày 26/4, Anh thông báo áp đặt trừng phạt, theo đó đóng băng tài sản và hạn chế giao dịch đối với 22 cá nhân đến từ Nga, Nam Phi, Sudan và khu vực Mỹ Latinh. Các biện pháp trừng phạt này nằm trong cơ chế mới của Anh về chống tham nhũng toàn cầu.
Trong 22 người này, có 14 người Nga bị cáo buộc liên quan một bê bối tham ô tài sản công. (Reuters)
Nga-Czech: Nga tiếp tục bác bỏ cáo buộc của Czech
Ngày 26/4, chính phủ Czech tái khẳng định, họ tin vụ nổ kho đạn dược năm 2014 là do hành động của các nhân viên tình báo quân đội Nga (GRU), sau khi Tổng thống nước này Milos Zeman, người thường có quan điểm thân Nga, nói không loại trừ khả năng đây là một vụ tai nạn.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, những cáo buộc của Czech nhằm vào Moscow là "vô lý".
Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hoan nghênh quan điểm của ông Zeman, cho rằng, Prague đã bắt đầu nhận ra rằng họ đã làm tổn hại quan hệ với Moscow. (AFP)
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản 2021: Nêu bật chính sách với Mỹ và Trung Quốc
Ngày 27/4, Nhật Bản đã công bố Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản 2021, nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ đồng minh với Mỹ và quan hệ song phương với Trung Quốc.
Trình bày cụ thể kết quả hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Thủ tướng Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra hồi đầu tháng này, Nhật Bản xác định quan hệ đồng minh với Mỹ tiếp tục đóng vai trò là một trụ cột của các chính sách ngoại giao và an ninh của nước này.
Về quan hệ với Trung Quốc, Sách Xanh Nhật Bản 2021 tiếp tục khẳng định "đây là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất".
Sách Xanh cũng đề cập nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ được thành lập nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với tầm nhìn là huy động sự ủng hộ quốc tế. (Kyodo)
Iran:
Mỹ cáo buộc tàu chiến Iran "hiếu chiến" trên biển
Ngày 27/4, trong một tuyên bố, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ cho biết, một tàu Harth 55 của Iran cùng với ba tàu chiến khác có hành động hiếu chiến khi tiếp cận và va chạm với hai tàu tuần duyên Mỹ đang thực hiện các cuộc tuần tra an ninh theo thường lệ vào hôm 2/4. Đây là vụ việc căng thẳng đầu tiên giữa hai bên trong năm 2021.
Theo đó, "tàu Harth 55 liên tục vượt qua mũi tàu của các tàu Mỹ ở cự ly gần không cần thiết, bao gồm cả việc băng qua mũi tàu của (tàu Mỹ) Wrangell và Monomoy ở điểm tiếp cận gần nhất khoảng 70 thước (64m)”.
Tuyên bố phía Hải quân Mỹ cho biết thêm, các tàu của Iran đã di chuyển đi khoảng ba giờ sau khi xảy ra cuộc va chạm mà phía Hải quân Mỹ "cho là không an toàn và thiếu chuyên nghiệp". (AFP)
Iran kết án tù công dân Anh
Ngày 26/4, luật sư biện hộ của công dân Anh Nazanin Zaghari-Ratcliffe, bị giam giữ tại Iran từ năm 2016, cho biết, thân chủ của mình đã bị kết án 1 năm tù giam và bị cấm rời quốc gia Hồi giáo trong 12 tháng sau đó.
Tháng trước, bà Zaghari-Ratcliffe, 42 tuổi, đã xuất hiện tại tòa án ở Iran để đối mặt với cáo buộc mới là "tuyên truyền chống chế độ", một tuần sau khi hoàn tất mức án tù 5 năm với tội danh âm mưu lật đổ chế độ.
Tuy nhiên, luật sư cho biết sẽ kháng cáo mức án tù mới trong thời gian 20 ngày theo luật định.
Vụ việc đã gây căng thẳng ngoại giao giữa London và Tehran. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã một lần nữa chỉ trích thông tin về việc bà Zaghari-Ratcliffe lại bị kết án, khẳng định London đang rất nỗ lực để đảm bảo bà được phóng thích. (Reuters)
Tình hình Myanmar: Giao tranh dữ dội ở miền Đông gần biên giới Thái Lan
Các nhân chứng ở Thái Lan cho biết giao tranh dữ dội đã nổ ra ở miền Đông Myanmar vào sáng sớm 27/4 gần biên giới phía Tây Bắc Thái Lan.
Chiều cùng ngày, một quan chức của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), nhóm nổi dậy chính ở Myanmar, cho biết nhóm này đã tấn công và chiếm trại quân sự ở khu vực này.
Một số cư dân ở làng Mae Sam Laep của Thái Lan cho biết, họ đã nghe thấy nhiều tiếng đạn nổ từ bên phía Myanmar, nói thêm rằng giao tranh đã nổ ra giữa các binh sỹ Myanmar và nhóm KNU dọc sông Salween. (AFP)
Va chạm tàu khiến dầu tràn ra biển Hoàng Hải
Ngày 27/4, tàu chở hàng Sea Justice đã va chạm với tàu chở dầu A Symphony khi đang neo đậu tại cảng Thanh Đảo, Trung Quốc, khiến dầu tràn ra vùng biển Hoàng Hải. Rất may không có thương vong trong vụ việc. (Bloomberg)
Covid-19: Đại dịch tiếp tục 'tấn công' châu Á
Đạ dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, với điểm nóng nghiêm trọng nhất là Ấn Độ khi ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 2.000 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Ngày 27/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc một số người Ấn Độ đổ tới bệnh viện khi chưa cần thiết đã làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch Covid-19 tại nước này bởi theo WHO, nguyên nhân của tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Ấn Độ là do việc tụ tập đông người, sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn và tỉ lệ tiêm vaccine thấp.
Trong khi đó, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, khi tiếp tục ghi nhận những tín hiệu xấu trong ngày 27/4.
Cụ thể, số ca nhiễm ở Campuchia đã vượt 10.000 người và có thêm 508 ca mới trong ngày; Thái Lan ghi nhận ngày có số người tử vong cao nhất từ đầu dịch, với 163 trường hợp; trong khi tại Lào, dịch bệnh đã lan ra 15/18 tình thành, toàn bộ 18 tỉnh tiến hành phong tỏa...