Tin thế giới 29/12: Ukraine hạ hàng chục tên lửa Nga; cháy lớn ở Campuchia, nhiều người thiệt mạng

Đối thoại 2+2 Nhật-Mỹ tháng 1/2023, Nga tích cực làm trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại sòng bài ở Poipet, Campuchia tối ngày 28/12. (Nguồn: CNN)

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại sòng bài ở Poipet, Campuchia tối ngày 28/12. (Nguồn: CNN)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine bắn hạ hàng chục tên lửa Nga: Chiều ngày 29/12, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny nêu rõ, theo dữ liệu sơ bộ, Nga đã phóng tổng cộng 69 tên lửa hành trình sáng cùng ngày, song Ukraine đã bắn hạ 54 quả trong số đó.

Trước đó, Trợ lý tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết các lực lượng Nga đã phóng tới hơn 120 tên lửa trong ngày. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko thông báo gần một nửa dân số ở đây đang chịu cảnh mất điện sau đợt tấn công mới của Nga vào thủ đô và các thành phố khác như Zhytomyr và Odessa. Một số nguồn tin cho biết vùng Odessa và Dnipropetrovsk có thể buộc phải cắt điện nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể có đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. (Reuters)

* Nga nói không với “công thức hòa bình” của Ukraine: RIA Novosti (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29/12 cho biết Moscow sẽ không sử dụng “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky làm cơ sở đàm phán, cho rằng Kiev hiện vẫn chưa sẵn sàng tham gia hòa đàm thực sự. Theo ông, ý đồ của Kiev nhằm đánh bật các lực lượng Nga khỏi khu vực miền Đông Ukraine và Bán đảo Crimea với sự giúp sức của phương Tây là “ảo tưởng”.

Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đánh giá các chính trị gia Ukraine hiện nay không đủ khả năng và tư cách đàm phán. Theo ông, hầu hết trong số họ đều là những người có tư tưởng bài Nga tuyệt đối. (Reuters/Sputnik)

Đông Nam Á

* Cháy sòng bài tại Campuchia, 19 người thiệt mạng: Ngày 29/12, cảnh sát Campuchia cho biết một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tối 28/12 tại khu tổ hợp sòng bài và khách sạn Grand Diamond City ở Poipet, tỉnh Banteay Meanchey ở miền Tây, giáp với Thái Lan. Giám đốc Sở thông tin tỉnh này Sek Sokhom cho biết đến nay đã xác định 19 người thiệt mạng. Quan chức này lo ngại số nạn nhân sẽ tiếp tục tăng vì lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được tất cả các khu vực của tổ hợp này.

Nguyên nhân vụ cháy được cho là do nổ bình gas. Đám cháy đã kéo dài nhiều giờ trước khi được khống chế và khiến một phần tòa nhà đổ sập. Nhân chứng cho biết đã nhìn thấy nhiều người tháo chạy từ trong đám cháy và có người nhảy từ trên tầng cao xuống để thoát thân. Video lan truyền trên mạng cho thấy khói đen phủ kín tòa nhà, trong khi nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực khống chế đám cháy và đưa nạn nhân ra ngoài.

Ngay sau đó, hàng trăm binh sĩ, nhân viên cảnh sát và cứu hộ đã được triển khai để dập lửa và giải cứu những người bị mắc kẹt. Có khoảng 400 nhân viên làm việc tại Grand Diamond City. Đây là địa điểm du khách Thái Lan thường lui tới.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết bộ trên đang phối hợp chặt chẽ với chức trách địa phương để hỗ trợ xử lý hỏa hoạn. Giới chức tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan, giáp biên giới Campuchia, cho biết hơn 50 người được cứu từ đám cháy hiện đang nhập viện điều trị tại tỉnh này.

Tỉnh trưởng Sa Kaeo Parinya Phothisat cho biết gần 60 người được cứu từ đám cháy đã được các bệnh viện tỉnh này kiểm tra sức khỏe và cho về nhà. Quan chức này nêu rõ các bệnh viện Thái Lan đã tiếp nhận điều trị 70 công dân nước này, cùng với 30 người Campuchia và 8 người Indonesia được cứu khỏi đám cháy. (TTXVN)

* Philippines, Trung Quốc cố gắng tránh tính toán sai lầm ở Biển Đông: Ngày 29/12, phát biểu với các phóng viên, ông Neal Imperial, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dươn, nêu rõ: “Để tránh tính toán sai lầm và thông tin sai lệch ở Biển Đông), cả hai bên đã nhất trí ký một thỏa thuận thiết lập... liên lạc trực tiếp giữa các bộ ngoại giao của cả hai nước ở các cấp khác nhau”. Đồng thời, thỏa thuận sẽ chính thức hóa “thủ tục” liên lạc giữa hai nước khi có tranh chấp.

Ông Imperial cũng cho biết, thỏa thuận này sẽ được đại diện hai bên ký kết vào tuần tới, khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan chức này cũng cho biết trong cuộc gặp với ông Tập và các nhà lãnh đạo khác, Tổng thống Marcos sẽ “tiếp tục duy trì chủ quyền của đất nước chúng ta. Tổng thống muốn tình hình hòa bình và ổn định ở Biển Tây Philippines”. (AFP)

Đông Bắc Á

* Nhật-Mỹ có thể tổ chức đối thoại bộ trưởng 2+2 trong tháng 1/2023: Ngày 29/12, tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, hội nghị bộ trưởng 2+2 giữa các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng nước này và Mỹ có thể được tổ chức cùng thời điểm với cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden, dự kiến diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) vào ngày 13/1 tới.

Theo tờ trên, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản, vốn được nêu trong ba văn kiện quốc phòng quan trọng được Chính phủ thông qua ngày 16/12 vừa qua. Các bên sẽ đặc biệt chú ý đến khả năng của Nhật Bản để phản kích các căn cứ đối phương trong trường hợp tấn công, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng.

Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio có thể thăm Pháp, Italy, Anh và Canada , các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), trước khi triển khai cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Mỹ tại Washington. Trong năm 2023, Nhật Bản sẽ là chủ nhà G7, với Hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức tại thành phố Hiroshima từ ngày 19-21/5 năm sau. (Sputnik)

Trung Á

* Nga sẽ tiếp tục đàm phán với cả Armenia và Azerbaijan: Ngày 29/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow “lo ngại” về căng thẳng giữa Yerevan và Baku xung quanh việc phong tỏa 2 tuần qua tại hành lang giao thông Lachin - tuyến đường duy nhất nối khu vực Nagorno-Karabakh với Armenia. Ông cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục duy trì đàm phán với hai bên.

Hành lang Lachin là tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ Armenia tới 120.000 người dân tộc Armenia ở vùng núi của Azerbaijan. Khu vực này đã được lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga kiểm soát kể từ năm 2020. Tuy nhiên, ngày 12/12 vừa qua, các công dân Azerbaijan tự nhận mình là các nhà hoạt động môi trường đã phong tỏa tuyến đường này. Hai tuần sau đó, Azerbaijan tuyên bố những cuộc biểu tình sẽ dừng lại nếu các giám sát viên của nước này được phép tiếp cận những địa điểm khai thác bất hợp pháp ở khu vực Nagorno-Karabakh. (Reuters)

Châu Âu

* Italy và NATO giám sát các tàu Nga tại Địa Trung Hải: Ngày 28/12, phát biểu tại Căn cứ Hải quân Mar Grande ở thành phố Taranto, miền Nam Italy, Tư lệnh Hải quân Italy, Phó Đô đốc Aurelio De Carolis nêu rõ: “Người Nga đang ở đó, vì vậy chúng tôi có nhiệm vụ giám sát Địa Trung Hải và những con tàu này”.

Ông cũng nhấn mạnh Hải quân Italy “(hành động) trong bối cảnh phối hợp hoàn toàn với các lực lượng Hải quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác đang hoạt động ở Địa Trung Hải và với tất cả các chiến dịch khác - Chiến dịch Irini của Liên minh châu Âu, Chiến dịch người bảo vệ biển của NATO và một chiến dịch quan trọng hơn có tên Lá chắn Nobel”.

Theo ông, Chiến dịch Địa Trung Hải an toàn (Mediterraneo Sicuro) là một ví dụ về cam kết của Italy với an ninh biển. Chiến dịch quy định triển khai các đơn vị không quân và hải quân nhằm đảm bảo sự hiện diện và giám sát ở Trung và Đông Địa Trung Hải, qua đó bảo vệ lợi ích quốc gia, an ninh hàng hải và năng lượng của nước này. Italy hiện cũng giám sát hàng hải các khu vực có lợi ích quốc gia, tập trung giám sát cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng và viễn thông, đảm bảo an ninh cho các giàn khoan quốc gia ngoài khơi và các nhà khai thác. (Nova News)

Trung Đông-châu Phi

* Quốc hội Israel họp phiên toàn thể về thành lập chính phủ mới: Ngày 29/12, Quốc hội Israel đã triệu tập phiên họp toàn thể để thảo luận về thành lập chính phủ mới. Dự kiến, các nghị sĩ nước này sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội mới, với ứng cử viên duy nhất được đảng Likud đề xuất là nghị sĩ Amir Ohana.

Sau đó, họ sẽ tiến hành thông qua việc thành lập chính phủ thứ 37 của Nhà nước Hồi giáo. Đảng Likud của chính trị gia Benjamin Netanyahu đã đề cử cựu Bộ trưởng Tình báo Eli Cohen, kiến trúc sư của các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Arab, giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ mới.

Phát biểu trong phiên thảo luận trước cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo liên minh cánh hữu Benjamin Netanyahu đã công bố định hướng ưu tiên chính sách thời gian tới, gồm ba nhiệm vụ lớn: Chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran; phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia - tập trung vào vấn đề kết nối các khu vực ngoại vi vào trung tâm đất nước; khôi phục an ninh trong nước và quản trị nhà nước của Israel. (TTXVN)

* Lực lượng người Kurd ở Syria tấn công IS: Ngày 29/12, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết đã mở “Chiến dịch Tia sét al-Jazeera”, nhằm “loại bỏ” các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi các khu vực “nguồn gốc của các cuộc tấn công khủng bố gần đây”.

Theo SDF, chiến dịch được thực hiện cùng liên minh do Mỹ hậu thuẫn, song liên minh chưa xác nhận thông tin trên.

Trước đó, ngày 26/12, 6 thành viên của SDF đã thiệt mạng sau khi các tay súng IS tấn công một khu phức hợp ở Raqa, thủ phủ trước đây của nhóm thánh chiến ở Syria, nhằm giải phóng cho những tay súng bị giam giữ tại đó. (AFP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2912-ukraine-ha-hang-chuc-ten-lua-nga-chay-lon-o-campuchia-nhieu-nguoi-thiet-mang-211583.html