Tin thế giới 3/8: Chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi, Bắc Kinh yêu cầu Washington 'sửa sai'; lý do Nga cảnh báo Mỹ

Chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi, xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

 Chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được dư luận quan tâm. (Nguồn: Reuters)

Chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được dư luận quan tâm. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua một số tin thế giới nổi bật trong ngày:

Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc):

* Phản ứng của Trung Quốc về chuyến thăm của bà Pelosi: Ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan vào đêm 2/8, Trung Quốc đã ra tuyên bố rằng chuyến thăm này ảnh hưởng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Mỹ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc" và những điều khoản của 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh cách đúng đắn để giải quyết quan hệ giữa hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là phải trên cơ sở "tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, không đối đầu và hợp tác cùng thắng".

Trong ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns để phản đối chuyến thăm. Trong cuộc gặp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong "phản đối mạnh mẽ" động thái của Mỹ và yêu cầu nước này “sửa sai ngay lập tức”.

Đồng thời, Trung Quốc lên án các quốc gia ủng hộ chuyến thăm này. Khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cam kết ủng hộ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ, Berlin cần “thận trọng trong lời nói và việc làm liên quan đến Đài Loan”. (THX/Sputnik)

* Chủ tịch Hạ viện Mỹ nêu quan điểm về Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 3/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, Washington muốn Đài Loan luôn có tự do về an ninh và sẽ không lùi bước để đạt được điều đó.

Bà Pelosi nhấn mạnh, Washington dù tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng tình đoàn kết giữa Mỹ và Đài Loan là quan trọng hơn bao giờ hết. Mỹ ủng hộ tình trạng hiện nay và không mong muốn bất kỳ điều gì xấu xảy ra với hòn đảo này.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn cho biết, hòn đảo này cam kết duy trì hiện trạng trên toàn bộ eo biển Đài Loan, đồng thời cho rằng, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc, được phát động để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi là một phản ứng không cần thiết. (Reuters)

* EU kêu gọi giải quyết vấn đề Đài Loan thông qua đối thoại: Ngày 3/8, một người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ: "EU có lợi ích trong việc gìn giữ hòa bình và hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi khuyến khích giải quyết hòa bình đối với các vấn đề qua eo biển. Căng thẳng nên được giải quyết thông qua đối thoại. Cần duy trì các kênh liên lạc phù hợp để giảm rủi ro tính toán sai lầm".

Quan chức này nhấn mạnh, EU có lập trường rõ ràng về chính sách "Một Trung Quốc", công nhận chính phủ Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, đồng thời theo đuổi "quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ". (AFP)

Nga-Ukraine:

* Nga tiếp tục khẳng định không dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Ngày 2/8, phát biểu tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở New York, Phó Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Igor Vishnevetsky cho hay Moscow bác bỏ những lời bóng gió về các mối đe dọa vũ khí hạt nhân và các hành động nhằm phá hoại an ninh hạt nhân ở Ukraine.

Ông Vishnevetsky nói: "Chúng tôi sẽ đưa ra những phản ứng tiếp theo đối với những lời bóng gió về các mối đe dọađược cho là vũ khí hạt nhân và hành động phá hoại an ninh hạt nhân ở Ukraine, khi thực hiện quyền trả lời của mình (trong khuôn khổ cuộc tranh luận tại Hội nghị)". (Sputnik)

* Mỹ, Canada trừng phạt Nga và phản ứng của Moscow: Ngày 3/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ bổ sung 25 máy bay của hãng Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành, gồm Ural Airlines, S7 Airlines, Red Wings, Yamal Airlines, Nordwind và I-Fly vận hành vào danh sách trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Các máy bay này bị cho là vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Trước đó, Mỹ cũng đã thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế đối với một số quan chức, doanh nhân Nga. Theo đó, những cá nhân này sẽ bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản tại Mỹ, trong khi đó, các công ty và công dân Mỹ cũng bị cấm làm ăn với các đối tác này.

Tương tự, ngày 2/8, chính phủ Canada thông báo mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, ảnh hưởng tới 43 cá nhân và 17 pháp nhân. Trong số các pháp nhân mới bị đưa vào danh sách trừng phạt có các công ty nghiên cứu và các viện nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tự động, thông tin liên lạc và điện cơ.

Bình luận về gói trừng phạt mới của Mỹ, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động thương mại của Nga là một cách để cô lập Nga với thị trường thế giới, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng, phá vỡ các thị trường, gia tăng nguy cơ lạm phát và các vấn đề liên quan. (Reuters/TASS)

* Ukraine mong muốn NATO tiếp tục viện trợ: Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 2/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Kiev nhận được khoản viện trợ quân sự phi sát thương mà NATO đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2022 của khối ở Madrid trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, phòng thủ mạng, nhiên liệu và vật tư y tế.

Ông Zelensky cũng nói thêm rằng, Ukraine trông đợi nhận được nhiều vũ khí hạng nặng hơn từ các nước thành viên NATO. (THX)

Châu Á:

* Hàn Quốc, Mỹ nhất trí phối hợp trong trường hợp Triều Tiên thử hạt nhân: Ngày 3/8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc Kim Seung-kyum và người đồng cấp Mỹ Mark Milley đã có buổi họp trực tuyến trong bối cảnh Seoul và Washington đang chuẩn bị cho cuộc huấn luyện phối hợp thường kỳ giữa những lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng thử hạt nhân.

Hai quan chức quốc phòng nhất trí tích cực hợp tác nhằm nâng cao độ tin cậy của khả năng răn đe mở rộng, cam kết của Mỹ trong việc triển khai đầy đủ các khả năng quân sự của mình, bao gồm cả các lựa chọn hạt nhân, để bảo vệ đồng minh châu Á.

Hai bên cũng khẳng định ưu tiên củng cố thế trận phòng thủ tổng hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ thông qua huấn luyện thực địa và các cuộc diễn tập khác, trong chương trình huấn luyện Lá chắn tự do Ulchi (UFS), theo kế hoạch diễn ra từ ngày 22/8 đến 1/9 tới. (Yonhap)

* ASEAN cần đoàn kết hơn bao giờ hết: Tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) tại Phnom Penh ngày 3/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh, trước tình hình khu vực - quốc tế ngày càng khó lường, ASEAN cần đoàn kết hơn bao giờ hết để có thể phát huy được vai trò trung tâm, đồng thời nỗ lực xây dựng Cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, gắn kết, bao trùm và hợp tác.

* Nga khen ngợi quan điểm của Myanmar: Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, “đối với tình hình ở Ukraine, Myanmar có cách tiếp cận cân bằng, có trách nhiệm, hoàn toàn hiểu được lý do của những gì đang xảy ra, đó là mong muốn của phương Tây ra lệnh cho mọi người, cư xử tùy tiện ở bất kỳ đâu trên thế giới".

Ngoại trưởng Lavrov cho hay: "Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ tại LHQ, trong khuôn khổ quan hệ giữa ASEAN và Liên bang Nga. Và hôm nay chúng tôi tái khẳng định đánh giá cao các lập trường mà Myanmar bảo vệ trên trường quốc tế. Đây là những lập trường ủng hộ tôn trọng Hiến chương LHQ, ủng hộ sự tôn trọng vô điều kiện đối với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia".

Phát biểu khi gặp gỡ giới lãnh đạo quân sự của nước chủ nhà, truyền thông Nga dẫn lời ông Lavrov nhấn mạnh, Nga ủng hộ các nỗ lực của chính quyền quân sự Myanmar để "bình ổn" đất nước bị tàn phá sau khủng hoảng. (Sputnik)

* Tổng thống Sri Lanka đề xuất kế hoạch 25 năm để khôi phục đất nước: Ngày 3/8, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết chính phủ của ông đang chuẩn bị một lộ trình chính sách quốc gia cho 25 năm tới nhằm cắt giảm nợ công và biến quốc đảo này thành một nền kinh tế xuất khẩu cạnh tranh.

Mục tiêu của chính phủ Sri Lanka là tạo thặng dư ngân sách vào năm 2025 và giảm nợ công, hiện ở mức 140% GDP, xuống dưới 100% tới năm 2032.

Bên cạnh đó, ông tiết lộ, chính phủ Sri Lanka đã bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kế hoạch giải cứu kéo dài 4 năm và đã bắt dầu hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ. (AP)

Châu Âu:

* Đức cáo buộc Nga cản trở việc vận chuyển tuabin của Dòng chảy phương Bắc 1: Ngày 3/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cáo buộc Nga cản trở việc vận chuyển tuabin cần thiết để đảm bảo hoạt động dẫn khí đốt tới châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Phát biểu khi tới thăm cơ sở sản xuất của công ty Siemens Energy ở thành phố Mulheim an der Ruhr, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Không có lý do gì để việc vận chuyển không thể diễn ra. Moscow chỉ nói rằng ‘họ muốn có tuabin và cung cấp các thông tin hải quan cần thiết để vận chuyển tới Nga. Tuabin này có thể được kết nối bất kỳ lúc nào, nó có thể được sử dụng". (AFP)

* Đảng Bảo thủ (Anh) tăng cường bảo mật cho cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng: Ngày 3/8, đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh thông báo sẽ tăng cường bảo mật cho tiến trình bỏ phiếu bầu ra lãnh đạo mới của đảng, đồng thời cũng là Thủ tướng tiếp theo của nước này, thay thế Thủ tướng Boris Johnson.

Theo một người phát ngôn đảng Bảo thủ, quyết định trên được đưa ra sau khi đảng Bảo thủ tham vấn Cơ quan An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC). Một ngày trước đó, tờ Telegraph đưa tin đảng Bảo thủ đã lùi thời gian bỏ phiếu sau khi NCSC cảnh báo tin tặc có thể thay đổi lá phiếu.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss là hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua tìm Thủ tướng mới ở Anh. Bà Truss đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây.

Theo kế hoạch, người đắc cử sẽ được công bố vào ngày 5/9 tới. (Guardian)

* EU, Phần Lan, Italy viện trợ các bệnh viện ở Đông Jerusalem: Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan và Italy đã viện trợ 15,678 triệu Euro (gần 16 triệu USD) cho chính quyền Palestine (PA) để hỗ trợ thanh toán cho trang thiết bị và dược phẩm của các bệnh viện ở Đông Jerusalem.

Theo thông báo của Văn phòng đại diện EU ở Palestine ngày 2/8, khoản viện trợ này, gồm 13 triệu Euro từ EU, 1,678 triệu Euro từ Phần Lan và 1 triệu Euro từ Italy, sẽ giúp các bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế cho bệnh nhân Palestine từ Bờ Tây và Dải Gaza. (Reuters)

Châu Mỹ:

* Mexico điều tra cựu Tổng thống Pena Nieto về cáo buộc rửa tiền: Các nguồn thạo tin ngày 2/8 cho biết, Văn phòng Tổng chưởng lý Mexico (FGR) đang điều tra cựu Tổng thống nước này - ông Enrique Pena Nieto với cáo buộc rửa tiền, làm giàu bất chính, cũng như chuyển tiền quốc tế bất hợp pháp.

Hiện ông Pena Nieto chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan tới vấn đề này. Hồi tháng trước, khi đơn vị chống rửa tiền của Mexico công bố báo cáo điều tra, ông đã phủ nhận mọi hành vi phạm pháp. (DW)

* Nga cảnh báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ: Ngày 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, “trong trường hợp Mỹ nhận định Nga là nhà tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố thì mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước không thể hóa giải”.

Trước đó, một số nhà lập pháp của Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã ủng hộ ý tưởng đưa Nga vào "danh sách đen" cùng với các nước Iran, Triều Tiên, Syria và Cuba. (TASS)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-38-chuyen-tham-dai-loan-trung-quoc-cua-ba-pelosi-bac-kinh-yeu-cau-washington-sua-sai-ly-do-nga-canh-bao-my-193102.html