Tin thế giới 31/8: Nga nêu chuyện New START, EU 'chốt' về thị thực cho công dân Nga, Moscow nói Đức tìm cách cắt đứt quan hệ năng lượng song phương
Nga nói về khả năng gia hạn New START, EU đưa ra quyết định cuối cùng về thị thực cho công dân Nga, Moscow nói Đức tìm cách hủy hoại quan hệ năng lượng song phương... là tin thế giới nổi bật ngày 31/8.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế đáng chú ý ngày 31/8.
Châu Âu
* Nga đề cập khả năng đàm phán để gia hạn New START: Ngày 31/8, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 31/8 cho biết đã xuất hiện những “tín hiệu” về khả năng nối lại các cuộc đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng cho biết, vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề này.
Nga và Mỹ đã đặt bút ký New START vào năm 2010. Tháng 2/2021, hai bên đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026. (Interfax)
* Nga: Đức tìm cách hủy hoại quan hệ năng lượng song phương: Ngày 31/8, phát biểu tại họp báo ở thủ đô Moscow (Nga), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Berlin đang làm mọi việc có thể để hủy hoại mối quan hệ năng lượng với Moscow. Theo bà, chính Đức, chứ không phải Nga, đang cắt đứt quan hệ năng lượng giữa hai nước.
Phát biểu này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga tạm ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Trước đó, Gazprom xác nhận việc ngừng hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 từ 4h ngày 31/8 đến 4h ngày 3/9 (giờ Moscow). (Reuters)
* EU chấm dứt thỏa thuận đơn giản hóa thị thực với Nga: Ngày 31/8, viết trên mạng xã hội sau cuộc hop Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Prague (Czech), Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto cho biết, với đa số phiếu ủng hộ, EU đã quyết định chấm dứt thỏa thuận về cơ chế đơn giản hóa thị thực với Nga: “EU sẽ chấm dứt thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực với Nga. Một đa số cần thiết các nước thành viên đã nhất trí với điều này”.
Tuy nhiên, ông Szijjarto cũng nêu rõ, ngoại trưởng các nước EU đã không nhất trí về một lệnh cấm chung liên quan việc cấp thị thực cho người Nga, bởi nhiều quốc gia, trong đó có Hungary, đã phản đối ý tưởng này. (Sputnik)
* Các nước Baltic và Ba Lan muốn áp đặt lệnh cấm riêng đối với công dân Nga: Ngày 31/8, Ba Lan và 3 nước Baltic tuyên bố đang cân nhắc việc cấm du khách Nga nhập cảnh nếu Liên minh châu Âu (EU) không thể làm như vậy. Trong một tuyên bố chung, Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva - những nước giáp giới với Nga - cho rằng việc đình chỉ thỏa thuận tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực giữa EU và Nga năm 2007 là “bước đi cần thiết đầu tiên”, song có thể cân nhắc có những biện pháp riêng gay gắt hơn.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta cần (hạn chế) đáng kể số lượng thị thực được cấp, trên hết là thị thực du lịch, để giảm số lượng công dân Nga vào EU và khu vực Schengen... Trước khi các biện pháp như vậy được áp dụng trên quy mô EU, chúng tôi... sẽ xem xét áp dụng các biện pháp tạm thời ở cấp quốc gia về cấm thị thực hoặc hạn chế công dân Nga có thị thực EU di chuyển qua biên giới".
Theo Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu, EU dường như đang quá chậm chạp để thực hiện một lệnh cấm, nhấn mạnh việc lãng phí thời gian phải trả giá bằng xương máu của người Ukraine. (AFP)
* Xuất khẩu thiết bị quân sự của Đức tăng mạnh 8 tháng đầu năm: Bộ Kinh tế Đức ngày 31/8 cho biết, tính đến ngày 24/8, tổng kim ngạch xuất khẩu thiết bị quân sự của Đức đạt xấp xỉ 5,1 tỷ Euro (5,11 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 2,9 tỷ Euro trong cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thiết bị quân sự của Đức đã tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay sau khi Berlin cung cấp thiết bị vũ khí cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trong cuộc xung đột với Nga. Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố, Đức sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine chừng nào Kiev còn thấy cần.
Đông Bắc Á
* Hàn-Mỹ tập trận bắn đạn thật gần biên giới liên Triều: Ngày 31/8, lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đã tập trận chung bắn đạn thật quy mô lớn gần biên giới liên Triều, nhằm thể hiện một cách mạnh mẽ sức mạnh quân sự của đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên.
Nội dung quan trọng của cuộc tập trận phối hợp hỏa lực (CJFCX) đã diễn ra tại khu bắn đạn thật Rodriguez ở Pocheon, cách Khu phi quân sự (DMZ) khoảng 30 km về phía Nam. Tham gia tập trận có các binh sĩ, xe tăng chiến đấu, súng cối, pháo và máy bay chiến đấu.
Yonhap cùng 3 hãng truyền thông khác được phép tiếp cận quan sát cuộc tập trận kéo dài 4 ngày này (kéo dài tới ngày 1/9), trong bối cảnh các đồng minh tăng cường tập trận chung trước các mối quan ngại về nguy cơ Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Cuộc tập trận này diễn ra trùng với thời điểm diễn ra cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi thường niên giữa hai nước. Đây cũng là cuộc tập trận bắn đạn thật cấp sư đoàn đầu tiên do Sư đoàn bộ binh số 2/Sư đoàn hỗn hợp Hàn-Mỹ thực hiện. (Yonhap)
Nam Á
* Sri Lanka: Nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền gia nhập phe đối lập: Ngày 31/8, một nhóm gồm 12 nghị sĩ quốc hội đã rời liên minh cầm quyền Nhân dân Sri Lanka (SLPP) và gia nhập phe đối lập với lý do liên minh này đã mất khế ước xã hội với người dân.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe kêu gọi xây dựng một chính phủ gồm đại diện của tất cả các đảng phái nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất hiện nay, ngăn chặn “các nền kinh tế hùng mạnh” lợi dụng tình trạng này như một “công cụ để can thiệp”. Tuy nhiên, nỗ lực trên đã không mang lại kết quả mong muốn.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Wickremesinghe thông báo chính phủ đã quyết định thành lập Đơn vị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phân bổ khoảng 556.000 USD để thực hiện việc thành lập đơn vị này.
* Ấn Độ và Pháp thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm ở HĐBA LHQ: Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 31/8 thông báo, nước này và Pháp đã tổ chức tham vấn về vấn đề Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ở Paris (Pháp) và nhất trí tăng cường hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm chống khủng bố, gìn giữ hòa bình LHQ và chủ nghĩa đa phương cải cách.
Hai bên đã thông báo cho nhau về những ưu tiên của mình trong nhiệm kỳ chủ tịch HĐBA sắp tới của Pháp và Ấn Độ, lần lượt vào tháng 9 và tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, hai nước cũng tổ chức thảo luận về các sáng kiến xung quanh Tuần lễ cấp cao của Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới.