Tin thế giới 6/10: Quốc hội Kyrgyzstan họp bất thường, hủy kết quả bầu cử; Ông Trump lại 'vạ miệng'; Thủ lĩnh đối lập Belarus nói về 'chiến thắng'
Biểu tình bùng phát thành bạo loạn ở Kyrgyzstan, vạ miệng của ông Trump, xung đột Armenia-Azerbaijan, tình hình Belarus, Brexit, Bộ tứ Quad là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Biểu tình ở Kyrgyzstan
Đụng độ gây thương vong lớn, hủy kết quả bầu cử, Quốc hội triệu tập họp bất thường
Ngày 6/10, các vụ biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội Kyrgyzstan hôm 4/10 đã trở thành đụng độ. Bộ Y tế nước này cho biết, ít nhất 1 người thiệt mạng và 686 người đã bị thương trong các vụ đụng độ liên quan tới biểu tình.
Theo AFP, ngay trong ngày 6/10, Ủy ban bầu cử trung ương Kyrgyzstan đã quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử Quốc hội.
Sau quyết định của Ủy ban bầu cử, theo hãng thông tấn Nga TASS, Quốc hội Kyrgyzstan đã phải triệu tập cuộc họp bất thường, dự kiến sẽ diễn ra tại khách sạn Dostuk ở thủ đô Bishkek do trụ sở Quốc hội đã bị người biểu tình kiểm soát.
Trong khi đó, Phủ Tổng thống nêu rõ, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov đã kiểm soát được tình hình và bày tỏ tự tin rằng, tất cả các lực lượng chính trị sẽ đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân.
Trong một tuyên bố khác, Tổng thống Jeenbekov cho biết, ông đã ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật không được nổ súng hoặc gây đổ máu, tránh gây nguy hiểm tới tính mạng người dân.
Đại sứ quán Nga tại Bishkek đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho người dân, ổn định đất nước nên là ưu tiên hàng đầu. (Reuters, TASS)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Azerbaijan phá hủy pháo phản lực của Armenia, Iran điều 200 xe tăng đến khu vực tranh chấp
Ngày 6/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đã phá hủy hai hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21 Grad và các khẩu pháo D-20 của Lực lượng vũ trang Armenia trên tuyến giáp ranh ở khu vực tranh chấp Nargono-Karabakh.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, trang tin The Eur Asian Times dẫn các nguồn truyền thông Iran cho hay, Tehran đã triển khai 200 xe tăng thiết giáp hạng nặng để hỗ trợ Armenia.
Theo các thông tin của truyền thông Iran chưa được xác minh, Iran đã triển khai 200 xe tăng bọc thép hạng nặng nhằm "bảo vệ biên giới quốc gia", tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, việc triển khai xe tăng với số lượng lớn như vậy không chỉ có ý nghĩa bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của Iran mà còn để triển khai ở Armenia theo lời kêu gọi của Yerevan.
Theo The Eur Asian Times, mặc dù chưa có xác nhận chính thức về thông tin trên song những diễn biến này phù hợp với những gì Bộ Ngoại giao Iran nói gần đây.
Trong cuộc giao tranh gần đây giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, nhiều tên lửa và đạn cối đã rơi xuống bên trong lãnh thổ Iran ở phía biên giới buộc Bộ Ngoại giao Iran đưa ra cảnh báo.
Trong ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng cho biết đang theo dõi sát diễn biến tình hình gần khu vực biên giới phía Đông Bắc của nước này và Tehran đã chuẩn bị một "kế hoạch chấm dứt xung đột chi tiết". (The Eur Asian Times)
Mỹ-Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo về hành động của Trung Quốc
Ngày 6/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo hành động của Trung Quốc trong khu vực khi ông gặp các đồng minh quan trọng cùng trong nhóm Bộ Tứ Quad ở châu Á-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tại Tokyo.
Đây là sự kiện được đánh giá là nỗ lực của Mỹ nhằm hình thành mặt trận thống nhất chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp giữa ông Pompeo với Ngoại trưởng Australia Marise Payne, hai bên đã thảo luận về những lo ngại chung liên quan "hành động của Trung Quốc ở khu vực".
Cùng ngày 6/10, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi, hai bên tái khẳng định sức mạnh của quan hệ liên minh song phương vững chắc dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, nhất trí rằng, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là nền tảng của hòa bình, ổn định tại khu vực, mà trụ cột của nền tảng đó là mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. (AFP)
Tình hình Belarus
Thủ lĩnh đối lập Belarus nói về 'chiến thắng nhỏ'
Ngày 5/10, Thủ lĩnh đối lập Svetlana Tikhanovskaya cho rằng, lệnh trừng phạt Belarus của Liên minh châu Âu (EU) đối với 40 quan chức Belarus là một "chiến thắng nhỏ" và cần được mở rộng thêm.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Tikhanovskaya nói thêm rằng, bà sẽ đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel xem xét và tiến hành thêm nhiều lệnh trừng phạt khác nữa tại cuộc gặp vào ngày 6/10.
Thủ lĩnh đối lập Belarus bày tỏ hy vọng cuộc gặp với bà Merkel sẽ là "buổi trò chuyện ấm áp giữa hai người phụ nữ", đồng thời mong muốn nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn từ Đức. Bà Tikhanovskaya cho rằng, Đức "cũng sẵn sàng giúp đỡ".
Nói về những người biểu tình, bà Tikhanovskaya chia sẻ: "Dù biểu tình là một việc làm không an toàn, nhưng họ làm điều này bởi vì họ biết họ đang chiến đấu vì điều gì, họ đang biểu tình để làm gì và điều này vô cùng quan trọng".
Trước đó, ngày 5/10, Bộ Nội vụ Belarus cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 317 người trong các cuộc biểu tình tại thủ đô Minsk và trên khắp đất nước trong ngày cuối tuần vừa qua. (Reuters)
Brexit
EU thừa nhận khả năng "ly hôn" không thỏa thuận với Anh
Ngày 6/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Maros Sefcovic cho biết, EU muốn có một thỏa thuận thương mại với Anh nhưng không loại trừ khả năng không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay.
Ông Sefcovic cho hay, mục tiêu hàng đầu là đạt được thỏa thuận, tuy nhiên, cả hai bên sẽ phải đảm bảo việc thông qua thỏa thuận này đúng lúc để nó có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, tuy nhiên, thời gian để đạt được thỏa thuận không còn nhiều.
"Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không thỏa thuận. Chúng ta không thể loại trừ viễn cảnh này vì chỉ còn lại chưa đầy 100 ngày là đến thời điểm đó", ông Sefcovic nhấn mạnh. (Reuters)
Tổng thống Trump nhiễm Covid-19
Ông Trump 'vạ miệng' vì Covid-19
Ngày 5/10, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump kêu gọi mọi người “Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn”.
Vài giờ sau, khi đặt chân tới Nhà Trắng sau 3 ngày điều trị Covid-19 ở bệnh viện, ông Trump tháo khẩu trang trước báo giới và người ủng hộ trước khi đi vào bên trong.
Trong đoạn video được quay tại Nhà Trắng sau đó, ông Trump tiếp tục kêu gọi người Mỹ: “Đừng để Covid-19 chi phối bạn. Đừng sợ nó. Bạn sẽ đánh bại nó. Chúng ta có thiết bị y tế tốt nhất. Chúng ta có những loại thuốc tốt nhất, tất cả đều được phát triển gần đây… Đừng để nó thống trị bạn. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Đừng để điều đó xảy ra"
Ngay lập tức, các nhà khoa học, đạo đức học và các bác sĩ đã bày tỏ sự giận dữ trước những phát ngôn của Tổng thống về Covid-19 dịch bệnh khiến gần 210.000 người thiệt mạng tại Mỹ và hơn 1 triệu người tử vong toàn cầu.
Nhiều chuyên gia về y khoa coi thông điệp của Tổng thống Trump là "nguy hiểm" vì khuyến khích những người ủng hộ ông bỏ qua các khuyến cáo cơ bản để giữ an toàn cho bản thân.
Trong khi đó, đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump: "Hãy nói điều đó với 205.000 gia đình đã mất người thân".
Theo New York Times, không như những người Mỹ bình thường, trong đó nhiều người không được xét nghiệm Covid-19 hoặc phải điều trị tại các bệnh viện quá tải bệnh nhân mắc Covid-19, Tổng thống Trump có đội ngũ chuyên gia đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của ông tại bệnh viện Walter Reed. Ngoài ra tại Nhà Trắng, nơi Tổng thống Trump ở lại, ông cũng có một đội ngũ y tế sẵn sàng phục vụ 24/7.
Theo New York Times, đối với những bệnh nhân không may mắn như Tổng thống Trump, thông điệp của ông khiến họ buồn lòng. (AFP, New York Times)