Tin thế giới 7/11: Mỹ bắt đầu chuyển giao quyền lực, Hezbollah tấn công căn cứ hải quân Israel, Chính phủ liên minh Đức sụp đổ

Nội bộ NATO 'mất ngủ' sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thăm tàu chiến Hàn Quốc, Trung Quốc dự báo Mỹ gia tăng quân sự hóa Biển Đông, đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống đắc cử Donald Trump bước lên sân khấu cùng vợ Melania, con trai Eric và con dâu Lara tại Trung tâm Hội nghị Quận Palm Beach, ở West Palm Beach, Florida, ngày 5/11. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống đắc cử Donald Trump bước lên sân khấu cùng vợ Melania, con trai Eric và con dâu Lara tại Trung tâm Hội nghị Quận Palm Beach, ở West Palm Beach, Florida, ngày 5/11. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc kêu gọi thiết lập quan hệ ổn định với Mỹ: Ngày 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, kêu gọi xây dựng quan hệ song phương "ổn định, lành mạnh và bền vững".

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy hai nước đều được hưởng lợi từ hợp tác và chịu thiệt hại từ đối đầu. Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tăng cường đối thoại, quản lý khác biệt và mở rộng hợp tác cùng có lợi.

Trong thông điệp đầu tiên kể từ khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hai nước duy trì nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình vì lợi ích chung của hai nước và cộng đồng quốc tế.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Quan hệ Trung Quốc-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững là vì lợi ích chung của cả hai nước và phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế". (AFP)

*Tân Tổng thống Indonesia thăm Trung Quốc: Ngay sau khi nhậm chức được hơn 2 tuần, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc từ ngày 8-10/11, theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Indonesia, trong chuyến thăm cấp nhà nước này, Tổng thống Prabowo dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của chuyến thăm đối với việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. (Reuters)

*Thủ tướng Campuchia gặp lãnh đạo Myanmar: Thông tấn xã Campuchia (AKP) đưa tin, bên lề một loạt hội nghị diễn ra tại thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc từ ngày 6-7/11, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar – Thống tướng Min Aung Hlaing vào ngày 6/11.

Tại cuộc gặp, Thống tướng Min Aung Hlaing đã cập nhật với Thủ tướng Campuchia về tình hình chính trị chung cũng như công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Myanmar. Đáp lại, Thủ tướng Hun Manet cảm ơn nhà lãnh đạo Myanmar trước thông tin được ông cập nhật, đồng thời hy vọng rằng cuộc khủng hoảng tại Myanmar sẽ được giải quyết một cách hòa bình trong tương lai gần. Ngoài ra, ông Hun Manet nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại toàn diện và việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Strait Times)

*Philippines tin tưởng vào liên minh với Mỹ: Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez ngày 7/11 tuyên bố Philippines kỳ vọng chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự ủng hộ dành cho đồng minh theo hiệp ước song phương trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông sẽ vẫn ổn định dưới thời ông Donald Trump, được thúc đẩy bởi quyết tâm của lưỡng đảng tại Washington.

Đại sứ Romualdez bày tỏ tin tưởng những cam kết giữa Philippines với Mỹ, bao gồm các cuộc tập trận hàng hải chung bắt đầu vào năm ngoái, sẽ tiếp tục dưới thời ông Trump. (Reuters)

*Lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thăm tàu chiến Hàn Quốc: Trong động thái thể hiện mối quan hệ ngày càng cải thiện giữa hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 7/11 đã có chuyến thăm lịch sử tới tàu chiến Hàn Quốc đang cập cảng tại Nhật Bản.

Phát biểu trong buổi lễ chào đón, đề cập tới các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, ông Nakatani nhấn mạnh: "Hợp tác Nhật-Hàn quan trọng hơn bao giờ hết".

Quan hệ Tokyo-Seoul đã xấu đi sau vụ tàu chiến Hàn Quốc bị cáo buộc khóa mục tiêu radar kiểm soát hỏa lực nhắm vào máy bay tuần tra Nhật Bản năm 2018. Quan hệ song phương đã dần hồi phục kể từ khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2022. (Kyodo)

*Trung Quốc dự báo Mỹ gia tăng quân sự hóa Biển Đông: Theo các chuyên gia Trung Quốc, dù có sự thay đổi lãnh đạo tại Nhà Trắng, việc quân sự hóa Biển Đông do Mỹ dẫn đầu có khả năng sẽ gia tăng, nhưng tình hình chiến lược khu vực vẫn duy trì ổn định.

Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), mỗi năm quân đội Mỹ thực hiện khoảng 8.000 chuyến bay quân sự trong khu vực.

Giáo sư Hồ Ba, người đứng đầu SCSPI, nhận định cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh xung đột trực tiếp. Về phía Philippines, các chuyên gia cho rằng nước này có thể tiếp tục cách hành xử "cường độ thấp" với Trung Quốc và tận dụng cạnh tranh Mỹ-Trung để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ. (CGTN)

Châu Âu

*Số người di cư bất hợp pháp đến Italy giảm mạnh: Ngày 6/11, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi tuyên bố tính từ đầu năm đến ngày 4/11, 55.892 người di cư bất hợp pháp đã đến bờ biển Italy, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 36% so với năm 2022.

Bộ trưởng Piantedosi cũng cho biết từ đầu năm đến nay 4.514 người di cư đã được hồi hương, tăng 15% so với năm 2023 và 34% so với năm 2022", đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ có ý định "tăng thêm số lượng người hồi hương thực tế". Trong khi đó, lực lượng cảnh sát cũng đã bắt giữ hơn 450 kẻ buôn người di cư trong 2 năm qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Piantedosi nói rằng quy định về thủ tục tị nạn của EU đã đặt mục tiêu Italy cần tạo ra hơn 8.000 điểm vào năm 2026 để tiếp nhận người di cư như một quốc gia biên giới, ám chỉ đến các trung tâm mới do Italy điều hành tại Albania. (AFP)

*Nội bộ NATO bất an sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ: Tạp chí Foreign Policy (FP) dẫn các nguồn tin trong NATO cho biết, liên minh quân sự này ngày càng quan ngại về tình hình hiện nay ở Ukraine, khi vị thế của Kiev trong cuộc xung đột đang suy yếu.

Việc thừa nhận Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong bối cảnh chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đang gây thêm lo ngại trong liên minh.

Theo các nguồn tin, việc ông Trump lên nắm quyền, người đã nhiều lần tuyên bố cần xem xét lại sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, đang làm gia tăng sự bất an của các đồng minh phương Tây về việc hỗ trợ trong tương lai cho Kiev.

NATO lo ngại rằng việc ông Trump đắc cử có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược của liên minh và gây nguy hiểm cho chính sách hỗ trợ lâu dài của NATO trong xung đột hiện nay. (FP)

*Binh sĩ Triều Tiên lần đầu tham chiến ở tỉnh Kursk của Nga: Theo Reuters, binh sĩ Triều Tiên đã lần đầu tiên tham gia chiến sự ở tỉnh Kursk của LB Nga.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, các binh sĩ Triều Tiên đã đụng độ với đối phương vào ngày 4/11. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về sự tham gia của lực lượng Triều Tiên vào các hoạt động chiến đấu ở Nga.

Các đại diện chính thức chưa tiết lộ thông tin về thương vong của quân đội Triều Tiên và từ chối bình luận thêm về chi tiết của vụ việc. Thông tin về mức độ tham gia cũng như khuôn khổ hợp tác của các lực lượng Triều Tiên chưa được tiết lộ. Thông tin này cũng không được phía Nga hoặc phía Triều Tiên xác nhận. (Reuters)

*Chính phủ liên minh Đức sụp đổ do không phù hợp về mặt chính trị: Ngay sau khi Chính phủ liên minh Đức sụp đổ tối 6/11 và Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15/1/2025, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến vào tháng 3/2025, giới phân tích đã đưa ra đánh giá rằng ngay từ đầu, niềm tin chính trị cơ bản của 3 đảng trong liên minh đã không ăn nhập với nhau.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh về cơ bản là các đảng cánh tả tin tưởng vào một nhà nước mạnh và cần rất nhiều tiền cho chính sách xã hội và bảo vệ khí hậu. Trong khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo chủ nghĩa tự do về kinh tế lại có quan điểm ngược lại: muốn một nhà nước tinh gọn chỉ can thiệp vào những trường hợp ngoại lệ và thực hiện kiềm chế tài chính. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

*Hezbollah nhận định về thỏa thuận ngừng bắn sau bầu cử Mỹ: Thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah Naim Qassem khẳng định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không tác động đến việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng này và Israel. Ông Qassem nhấn mạnh: "Chúng tôi không kỳ vọng về việc chấm dứt hành động xâm lược dựa trên các diễn biến chính trị.

Theo AFP, thủ lĩnh Hezbollah khẳng định chỉ có diễn biến thực tế trên chiến trường mới có thể chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai bên. Ông cũng cho biết sẽ có các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua chính phủ Lebanon khi Israel chấm dứt các cuộc tấn công vào lãnh thổ Lebanon. (AFP)

*Bộ trưởng Quốc phòng Israel bị sa thải: Ngày 6/11, tờ New York Times đánh giá Israel đang đứng trước nguy cơ bất ổn an ninh quốc gia khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đột ngột sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant giữa lúc đất nước đang phải đối mặt với cuộc chiến trên hai mặt trận.

Theo New York Times, quyết định sa thải của Thủ tướng Netanyahu đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo phe đối lập Israel, những người cho rằng động thái này đang đặt an ninh quốc gia vào tình thế nguy hiểm vì mục đích chính trị cá nhân.

Về phía ông Gallant, vị Bộ trưởng Quốc phòng bị sa thải xác nhận có ba lý do chính dẫn đến quyết định này: việc ông kêu gọi thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự phổ quát, ưu tiên giải cứu các con tin đang bị giam giữ tại Gaza, và yêu cầu thành lập ủy ban độc lập điều tra các thất bại an ninh dẫn đến cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023. (Al Jazeera)

*Hezbollah tấn công căn cứ hải quân Israel: Theo AFP ngày 6/11, phong trào Hezbollah tại Lebanon cho biết đã nhắm mục tiêu vào một căn cứ hải quân gần thành phố Haifa của Israel bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa. Đây là cuộc tấn công thứ tư của Hezbollah vào căn cứ này trong nhiều tuần qua.

Tuyên bố của Hezbollah nhấn mạnh, các chiến binh của phong trào này đã “nhắm mục tiêu vào căn cứ hải quân Stella Maris ở phía Tây Bắc Haifa bằng một loạt tên lửa chất lượng cao và một phi đội UAV”. (AFP)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump thảo luận kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine: Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn tin ngày 7/11 cho biết đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang thảo luận một kế hoạch mới nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo các nguồn tin, kế hoạch này bao gồm một số điểm chính: đó là ngừng bắn và tạo ra một khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến. Tuy nhiên, câu hỏi ai sẽ đảm bảo an ninh cho khu vực này vẫn còn bỏ ngỏ.

Một thành viên giấu tên trong ê-kíp của ông Trump hé lộ: “Chúng tôi sẽ không gửi đàn ông và phụ nữ Mỹ đến để gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho nó. Hãy nhờ người Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm việc đó”. (WSJ)

*Cuba thiệt hại nặng nề do bão Rafael: Ngày 6/11, Chính phủ Cuba đưa ra đánh giá thiệt hại ban đầu sau khi bão Rafael quét qua đảo quốc Caribe này với sức gió tối đa 185 km/giờ, tương đương cấp độ 3 trên thang bão 5 cấp Saffir-Simpson.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết đến nay đã ghi nhận thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Tây Mayabeque, Artemisa và thủ đô La Habana.

Theo ước tính ban đầu, bão Rafael đã ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người dân Cuba. Rafael là cơn bão mạnh thứ 2 trong vòng 3 tuần qua đổ bộ vào Cuba, sau bão Óscar. Cơ quan Phòng vệ dân sự Cuba xác nhận bão Oscar đổ bộ vào miền Tây nước này đã khiến ít nhất 8 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán, hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hại, gây nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác. (Reuters)

*Venezuela mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 7/11 đã chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương.

Phát biểu trên chương trình Maduro Live, ông Maduro nhấn mạnh: “Dù quan hệ hai nước không mấy tốt đẹp trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhưng giờ đây là cơ hội để mở ra khởi đầu mới. Chúng tôi hy vọng vào thành công của cả Mỹ và Venezuela. Chúng tôi luôn thúc đẩy những điều có lợi cho Mỹ Latinh và Caribe".

Tổng thống Venezuela cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng xây dựng mối quan hệ tích cực với Mỹ trong thời gian tới. (Sputniknews)

*Mỹ bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực: Ngày 6/11, chỉ một ngày sau khi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 khép lại với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, nước Mỹ đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới.

Theo hãng tin AP, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực kéo dài 75 ngày bằng việc thiết lập một nhóm tiếp quản quyền lực. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trước ngày nhậm chức 20/1/2025 đó là bổ nhiệm mới khoảng 4.000 vị trí nhân viên chính phủ trong chính quyền mới, trong đó có những vị trí quan trọng như Ngoại trưởng, các thành viên nội các…

Khoảng 1.200 vị trí đề cử của tổng thống sẽ cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Phát biểu ngày 6/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng cựu ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy Jr. và tỷ phú Elon Musk nhiều khả năng sẽ tham gia chính quyền của ông.

Ngoài việc hoạch định các thành viên chính quyền mới, trong giai đoạn chuyển tiếp, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng bắt đầu nhận được các báo cáo tình báo mỗi ngày. (AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-711-my-bat-dau-chuyen-giao-quyen-luc-hezbollah-tan-cong-can-cu-hai-quan-israel-chinh-phu-lien-minh-duc-sup-do-292927.html