Tin thế giới ngày 4/9: Nga muốn đối thoại với Đức về vụ Navalny; Mỹ-NATO đem quân sát Belarus; phát ngôn gây bão của ông Trump
Vụ chính trị gia đối lập Nga bị đầu độc, tình hình Belarus, bầu cử Mỹ 2020, căng thẳng Ấn-Trung và vaccine Covid-19 Mỹ là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Vụ chính trị gia đối lập Nga hôn mê
Tòa án Nga bác đơn khiếu nại của phe đối lập, Moscow muốn đối thoại với Berlin
Ngày 4/9, một tòa án Nga cho biết, đã bác đơn khiếu nại từ các đồng minh của nhân vật chỉ trích điện Kremlin Alexei Navalny, trong đó cáo buộc cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu nước này đã không hành động cho dù họ đã chỉ rõ rằng đây là một vụ mưu sát.
Đức, quốc gia mà ông Navalny đang được điều trị, cho biết, nhân vật này bị đầu độc bởi loại chất độc thần kinh Novichok có từ thời Liên Xô, đồng thời kêu gọi bắt giữ các thủ phạm. Tuy nhiên, đến nay, Nga vẫn chưa mở một cuộc điều tra nào và cho rằng chưa tìm thấy bằng chứng về tội ác này.
Nữ phát ngôn viên của Navalny, Kira Yarmysh đăng dòng trạng thái trên Twitter cho rằng, tòa án sẽ làm bất kỳ điều gì để không phải bắt đầu một cuộc điều tra.
Trong khi đó, cùng ngày, Điện Kremlin bày tỏ mong muốn đối thoại với Đức về vụ mà Berlin nói là đầu độc này, đồng thời khẳng định các bác sĩ Nga điều trị cho ông Navalny thời điểm đầu minh bạch hơn nhiều so với các bác sĩ của Đức hiện nay.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow muốn thông qua đối thoại với Đức để tìm hiểu chính xác loại chất độc khiến ông Navalny đổ bệnh và iới chuyên gia của Nga đang nghiên cứu vụ việc. (Reuters)
Tình hình Belarus
Mỹ, NATO tập trận "sát sườn" Belarus, Nga tái khẳng định sự đảm bảo toàn diện
Ngày 4/9 (giờ Mỹ), Washington điều 500 binh sĩ Mỹ và 40 phương tiện như xe tăng Abrams và xe bọc thép chở quân Bradley từ Ba Lan tới Lithuania để tiến hành tập trận chung trong vòng 2 tháng, kéo dài đến tháng 11.
Ngoài việc triển khai quân đội Mỹ, còn có khoảng 1.000 binh sĩ và các máy bay quân sự đến từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và một số quốc gia khác sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên từ ngày 14-25/9.
Dù Lithuania khẳng định, việc triển khai quân và tập trận của các nước phương Tây tại nước này là kế hoạch từ trước, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, Tổng thống nước láng giềng Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã coi đây là mối đe dọa đến an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Chính phủ sau bầu cử đang lan rộng, với cáo buộc có “bàn tay can thiệp của phương Tây”.
Liên quan tình hình Belarus, Đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) James Gilmore cho biết vẫn "quan ngại sâu sắc" về viễn cảnh Nga can thiệp vào Belarus để hỗ trợ nhà lãnh đạo Lukashenko, người đang níu giữ quyền lực sau khi tuyên bố thắng cử vào tháng trước trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. (Reuters, TASS)
Bầu cử Mỹ 2020
Bang đầu tiên của Mỹ bắt đầu bỏ phiếu
Theo hãng tin AP, ngày 4/9, giới chức bầu cử bang North Carolina của Mỹ đã bắt đầu gửi hơn 618.000 phiếu bầu qua thư cho các cử tri ở bang. Từ hôm nay, cử tri North Carolina có thể bỏ phiếu bầu Tổng thống mới qua thư và trở thành địa phương đầu tiên ở Mỹ bỏ phiếu sớm 2 tháng trước ngày bầu cử chính thức.
Số phiếu bầu phát đi trong đợt đầu tiên này tại North Carolina cao gấp 16 lần so với kỳ bầu cử năm 2016 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cử tri tại bang này có thể tiếp tục đề nghị bỏ phiếu qua thư cho đến ngày 27/10 và phải gửi lại phiếu bầu cho văn phòng bầu cử địa phương trước thời hạn.
Nếu trước kia, ở North Carolina, chủ yếu cử tri Cộng hòa bỏ phiếu qua thư thì năm nay đa số thuộc về những cử tri Dân chủ (53%) và cử tri độc lập (31%), trong khi cử tri Cộng hòa chỉ chiếm 15%.
Các chuyên gia dự đoán, Covid-19 có thể làm thay đổi đáng kể hình thức bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ năm nay, hàng chục triệu cử tri có thể sẽ lần đầu tiên lựa chọn hình thức bỏ phiếu qua thư thay vì bỏ phiếu trực tiếp. Sau North Carolina, một số bang chiến trường khác như Minnesota, Pennsylvania, Wisconsin cũng bắt đầu bỏ phiếu sớm qua thư, song North Carolina vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt khi là bang mở màn.
Bỏ phiếu qua thư là vấn đề gây tranh cãi lớn giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ thời gian qua mặc dù đây không phải hình thức bỏ phiếu mới ở Mỹ. Trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump phản đối hình thức bỏ phiếu này thì đảng Dân chủ lại ủng hộ.
Ông Trump nhiều lần cáo buộc đảng Dân chủ tìm cách “đánh cắp” cuộc bầu cử bằng việc thúc đẩy bỏ phiếu qua thư. Trong khi đó, đảng Dân chủ nói rằng, ông Trump và đảng Cộng hòa đang tìm cách trấn áp phiếu bầu để có lợi thế. (AP)
Tổng thống Trump gây bão, kêu gọi cử tri bỏ phiếu 2 lần
Trả lời phỏng vấn WECT-TV tại Wilmington (bang Bắc Carolina) khi được hỏi về sự an toàn của việc bỏ phiếu qua thư, Tổng thống Trump nói: “Hãy bỏ phiếu qua thư và đi bỏ phiếu trực tiếp. Nếu hệ thống hoạt động tốt thì rõ ràng bạn sẽ không thể bỏ phiếu trực tiếp nữa sau khi đã bỏ phiếu qua thư”. Lời kêu gọi này bị dư luận phản ứng gay gắt vì cho rằng, ông Trump đang kêu gọi cử tri "làm trái luật", bỏ phiếu 2 lần.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany sau đó giải thích rõ lời của ông Trump rằng: “Tổng thống không yêu cầu bất cứ ai làm điều gì trái pháp luật. Những gì ông ấy nói rất rõ ràng đó là hãy chắc chắn lá phiếu bầu của bạn được đăng ký và nếu không thì hãy bỏ phiếu trực tiếp”.
Đến sáng 4/9, Tổng thống Trump tiếp tục đăng loạt bài trên mạng xã hội Twitter, trong đó kêu gọi cử tri "... Đảm bảo phiếu bầu của bạn hợp lệ và được tính, hãy ký và gửi phiếu bầu của mình sớm nhất có thể. Sau đó vào ngày bầu cử, hoặc trong ngày bầu cử sớm, hãy tới điểm bỏ phiếu để kiểm tra liệu phiếu bầu của mình được tính hay chưa".
Nếu tại điểm bỏ phiếu mà phiếu bầu gửi qua thư trước đó của cử tri không được tính, ông Trump kêu gọi cử tri bỏ phiếu lần 2 ngay ở đó.
Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã bị Twitter gắn cờ cảnh báo, nói rằng những thông báo đó vi phạm các quy tắc của mạng xã hội này.
"Chúng tôi đã gắn cảnh báo vì lợi ích của công chúng đối với hai đoạn tweet theo nhánh này vì nó đã vi phạm chính sách đoàn kết công dân, cụ thể là kêu gọi mọi người có khả năng bỏ phiếu hai lần", bộ phận an ninh của Twitter cho biết trong một tuyên bố. (Twitter, Reuters)
Ấn Độ-Trung Quốc
Tư lệnh Lục quân Ấn Độ thừa nhận tình hình biên giới Ấn-Trung đang rất căng thẳng
Ngày 4/9, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane - người đang có chuyến công tác 2 ngày tới thị trấn Leh thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh để thị sát, kiểm tra tình hình tại đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc - đánh giá, những diễn biến gần đây tại khu vực này là “nghiêm trọng" và đang rất căng thẳng.
Tuy nhiên, Tướng Naravane khẳng định: “Chúng tôi đã triển khai lực lượng nhằm phòng ngừa, bảo vệ an toàn cho binh lính cũng như an ninh cho đất nước. Việc triển khai quân đội được thực hiện dọc theo đường Kiểm soát thực tế để đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước”.
Tư lệnh Lục quân Ấn Độ cũng cho biết, bất chấp các khác biệt, Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục liên lạc theo kênh quốc phòng và ngoại giao để giải quyết tình hình tại biên giới. Quan điểm của cả hai bên vẫn là giữ nguyên hiện trạng và cố gắng bảo vệ lợi ích của mình.
Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc ở cấp Lữ đoàn trưởng tại khu vực biên giới nhằm tìm biện pháp hạ nhiệt leo thang. (Hindustan Times)
Đảo quốc Thái Bình Dương mời Mỹ lập căn cứ quân sự
Trong bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper được công bố mới đây, Tổng thống đảo quốc Thái Bình Dương Paula Tommy Remengesau Jr. cho biết, ông hoan nghênh Mỹ mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ Palau, nơi cách Philippines khoảng 1.500 km về phía Đông.
Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa có chuyến thăm tới nơi Paula hồi tuần trước và cáo buộc Bắc Kinh "đang theo đuổi các hoạt động gây bất ổn" tại khu vực.
Theo Tổng thống Remengesau: "Đề xuất của Palau đối với quân đội Mỹ rất đơn giản, đó là xây dựng các căn cứ sử dụng chung, sau đó quân đội Mỹ có thể đến và sử dụng chúng thường xuyên", đồng thời cho biết, đảo quốc 22.000 dân này sẵn sàng cung cấp các căn cứ đặt trên đất liền, các cảng và sân bay cho quân đội Mỹ.
Ông Remengesau cũng đề xuất lực lượng tuần duyên Mỹ hiện diện ở Palau để giúp nước này tuần tra khu bảo tồn biển rộng lớn vì việc kiểm soát khu vực này là vấn đề khó khăn với một quốc đảo nhỏ bé như Palau.
Mặc dù Palau là một quốc gia độc lập nhưng không có quân đội và Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ đảo quốc này theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo COFA, quân đội Mỹ có quyền triển khai lực lượng ở Palau, nhưng Mỹ hiện không có lực lượng đồn trú tại đây.
"Chúng ta nên sử dụng các cơ chế của Hiệp ước để thiết lập sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ ở Palau. Quân đội Mỹ có quyền thiết lập các cơ sở phòng vệ ở Cộng hòa Palau", Tổng thống Palau Remengesau cho biết thêm.
Palau từng là nơi chứng kiến các trận chiến giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, Washington tập trung vào các căn cứ quân sự tại Philippines và đảo Guam. (AFP)
Vaccine Covid-19
Mỹ tiến hành các công tác chuẩn bị cho việc phân phối vaccine Covid-19 vào tháng 10
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã gửi hướng dẫn thông báo cho các quan chức y tế công cộng ở tất cả 50 bang và thành phố lớn của nước này chuẩn bị phân phối vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao khác vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Theo New York Times, các chuyên gia y tế công cộng nhất trí rằng, các cơ quan ở tất cả các cấp của Mỹ cần khẩn trương chuẩn bị cho điều phức tạp nhất là tiêm chủng cho hàng trăm triệu người Mỹ. Đối với Mỹ, quốc gia đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, việc phân phối hàng triệu liều vaccine cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sẽ là thách thức lớn. Hướng dẫn của CDC cũng thừa nhận đó chỉ là kế hoạch và sẽ dựa trên tình hình cần thiết để cho phép Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sử dụng một hoặc cả hai loại vaccine.
Kế hoạch của CDC đưa ra các thông số kỹ thuật bao gồm các yêu cầu về vận chuyển, pha trộn, bảo quản và sử dụng cho hai ứng viên là vaccine A và B. Các mô tả có vẻ trùng khớp với các sản phẩm đang được phát triển bởi tập đoàn Pfizer và Moderna hiện đang được thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng.
Tài liệu của CDC cho biết, các đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine là chuyên gia, nhân viên y tế và một số nhân viên trong các ngành thiết yếu khác, các nhân viên phụ trách an ninh quốc gia. Bên cạnh đó cũng ưu tiên những người Mỹ trên 65 tuổi, những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, người Mỹ bản địa và cộng đồng những người có nguy cơ lây nhiễm cao. (New York Times)