Tin theo 'bác sỹ mạng'

Anh Tuấn thấy lạ khi suốt mấy ngày, mẹ anh mua cải bó xôi nấu canh, dù chính bà nói 'vị ngăm đắng, khó ăn'. Nhưng bà mẹ 68 tuổi giải thích 'rau này rất tốt cho người già, nhất là những người mắc bệnh huyết áp, trên mạng người ta bảo thế'.

Mẹ tôi có một cuốn sổ, ghi đủ loại “lời khuyên” ở trên mạng rằng ăn cái này tốt cho cái kia, chữa được bệnh nọ”, Trần Quốc Tuấn, 37 tuổi, ở khu đô thị Đại Kim, Hà Nội cho hay.

Chị Hải trong lần khám lại khối u ở bệnh viện, sau một thời gian tự mua thuốc nam uống. Ảnh: T.X

Chị Hải trong lần khám lại khối u ở bệnh viện, sau một thời gian tự mua thuốc nam uống. Ảnh: T.X

Theo lời anh Tuấn, trong cuốn sổ của bà Hạnh, mẹ anh, có những ghi chép về các loại rau, hoa quả “chữa bệnh”, những mẹo chữa bệnh mà bà ghi lại được trên Facebook. “Có u hạch nên thường xuyên ăn canh đu đủ xanh, rất tốt cho quá trình sinh hóa máu, làm mềm khối u… Đu đủ xanh ép lấy nước uống, nấu canh ăn, men gan cao cũng hết, u cũng hết”. “Tim đập chậm, lấy một trái ớt chỉ thiên đập dập cho vào chén nước ấm rồi uống, 5 - 10 phút sau tim sẽ dần ổn định”, “mề đay ngứa ngáy, tắm nước lá kinh giới, uống lá tía tô”, “uống nước chanh nóng không đường mỗi sáng sớm, hoặc lá mùi tàu hơ héo rồi sắc nướng uống 3 lần/ngày để làm sạch thận, loại bỏ cặn thận”…

“Thậm chí tôi còn đọc thấy “46 cách chữa bệnh hiệu quả của một vị giáo sư”, anh Tuấn nói. “Theo bài viết này, có nhiều cách chữa được gọi là mẹo, ví dụ bị nấc thì dùng 4 đầu ngón tay, từ ngón trỏ đến ngón út co sát lại với nhau thành một đường thẳng, vạch dọc giữa đầu, từ trán ngược lên đỉnh đầu, độ 15 cái là hết nấc”.

Anh Tuấn nói thỉnh thoảng hai vợ chồng lại lựa lời khuyên nhủ bà mẹ, rằng không nên tin vào những thông tin về thuốc, về các mẹo chữa bệnh được chia sẻ trên mạng internet nếu không rõ nguồn, không đến từ những nguồn uy tín. “Nhưng bà bảo đây là lời khuyên của giáo sư nổi tiếng, làm sao mà sai được”, anh Tuấn nói.

Theo người nhà, trước đây bà Hạnh bán hàng tạp hóa, bận bịu suốt ngày. Hồi đó cũng chưa thấy bà tìm tòi, học theo những thứ trên mạng. Nhưng từ ngày nghỉ bán hàng vì đau yếu, phát hiện nhiều bệnh, bà nghỉ ở nhà. Rảnh rỗi, bà hay lên Facebook và YouTube tham khảo các bài thuốc, những “chia sẻ” về cách chữa bệnh và tỏ ra tâm đắc, làm theo.

“Bà vốn rất ghét rau lang vì ngày xưa ở quê bữa ăn thường chỉ có cơm độn và rau lang luộc, nên sau này cứ thấy rau lang là ám ảnh thời đói khổ”, chị Tâm, vợ anh Tuấn cho biết. “Nhưng gần đây, đọc trên mạng thấy nói rau lang rất tốt cho sức khỏe, nhất là người già, đi đâu thấy rau lang bà cũng mua, ăn liên tục”.

Chị Tâm nói đã khuyên mẹ chồng rằng rau nào cũng tốt và không nên ăn thứ gì liên tục. “Bà nghe xong ậm ừ, và vẫn thấy liên tục ăn cải bó xôi và rau lang”, chị Tâm nói.

Việc tin theo những thông tin y tế qua “bác sỹ mạng” như bà Hạnh không phải là cá biệt và không chỉ giới hạn trong nhóm những người cao tuổi.

Chị Nguyễn Thị Hải (*), ngoài 30 tuổi, quê Bắc Ninh tuy biết mình bị u tuyến giáp sau khi siêu âm tại bệnh viện nhưng nghĩ khối u còn nhỏ nên không điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hải “lên mạng tìm hiểu” rồi mua thuốc nam về uống. Sau thời gian dùng thuốc, chị đi khám lại thì được biết khối u không nhỏ đi mà ngược lại còn to hơn. Chị Hải quyết định đến bệnh viện.

“Thời gian đầu, khi phát hiện bệnh, em lên mạng tìm hiểu, nghe người ta giới thiệu thuốc rất hay, giá cả cũng không cao nên mua về uống. Uống hết thuốc rồi, khi đi kiểm tra lại thì khối u lại to ra. Em lo quá, quyết định đến bệnh viện để điều trị. Sau 3 tháng, đến nay khối u trong người đã nhỏ đi đáng kể”, chị Hải cho hay.

Điểm chung của bà Hạnh và chị Hải là đều sử dụng mạng internet và dễ tin theo những thông tin y tế chưa kiểm chứng, được chia sẻ trên các mạng xã hội. Điều này cho thấy internet và mạng xã hội đang trở thành một nguồn thông tin tham khảo về sức khỏe của nhiều người. Theo DataReportal, nền tảng chuyên cung cấp dữ liệu và báo cáo về tình hình sử dụng internet, mạng xã hội, thiết bị di động và xu hướng kỹ thuật số trên toàn cầu, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tính ở thời điểm tháng 1/2024, tương đương 73,3% tổng dân số. Có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam tính đến đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.

Điều này có nghĩa là tỷ lệ tiếp cận thông tin thiếu kiểm chứng, trong đó có các thông tin y tế- sức khỏe trên các mạng xã hội ở nước ta là rất cao.

Những người suy nghĩ như chị Hải có ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ Việt Nam. Một bài viết trên tờ The Guardian của Anh đã thảo luận về lý do tại sao nhiều người tin vào thông tin y tế trên mạng xã hội dù thiếu kiểm chứng và nguồn uy tín. Bài viết chỉ ra rằng mạng xã hội tràn ngập các lời khuyên về sức khỏe và dinh dưỡng, nhưng chỉ khoảng 2% trong số đó phù hợp với hướng dẫn y tế công cộng. Nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm kiếm lời khuyên sức khỏe từ các nền tảng như TikTok và Instagram, nơi thông tin sai lệch dễ dàng lan truyền.

Theo chuyên gia y tế mà The Guardian phỏng vấn, có một số nguyên nhân khiến người ta dễ dàng tin theo các lời tư vấn thiếu cơ sở khoa học. Thứ nhất là tâm lý thích tìm kiếm thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Mạng xã hội là nơi dễ tiếp cận thông tin, không cần qua trung gian như bác sĩ hay chuyên gia, không mất thời gian chờ đợi, không mất phí. Người dùng có xu hướng tin vào những nội dung được chia sẻ nhiều hoặc có lượt tương tác cao mà không kiểm tra nguồn gốc.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu hiểu biết về kiểm chứng thông tin. Nhiều người không có thói quen kiểm tra nguồn tin, không biết cách phân biệt thông tin khoa học và thông tin giả mạo. Những thuật ngữ y khoa phức tạp khiến người đọc khó phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là suy diễn cá nhân.

Thứ ba là hiệu ứng tâm lý và xác nhận niềm tin (confirmation bias). Con người có xu hướng tin vào những gì phù hợp với suy nghĩ hoặc mong muốn của mình. Ví dụ, người sợ thuốc tây sẽ tin vào bài viết phản đối thuốc tây, ủng hộ thuốc nam, dù không có cơ sở khoa học. “Một số người tin vào trải nghiệm cá nhân hơn là nghiên cứu khoa học, nên dễ bị thuyết phục bởi những câu chuyện “người thật, việc thật” trên mạng”, tiến sỹ - bác sỹ Michelle Wong ở Sydney, Australia được The Guardian dẫn lời.

Tâm lý lo lắng và sợ hãi khi gặp vấn đề sức khỏe cũng khiến nhiều người tìm kiếm thông tin trên mạng trước thay vì đến bác sĩ. Những nội dung giật gân, gây lo lắng thường dễ thu hút sự chú ý hơn. Ví dụ, một bài viết cảnh báo về tác hại của một loại thực phẩm có thể khiến người đọc lo lắng và tin theo mà không kiểm chứng.

Và không thể không nhắc đến sức mạnh, sự lan truyền của mạng xã hội. Các thuật toán trên mạng xã hội ưu tiên nội dung có nhiều tương tác, không phân biệt đúng hay sai. Những bài viết chứa thông tin sai lệch nhưng hấp dẫn (như “uống nước chanh trị ung thư”) có thể được chia sẻ rộng rãi, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh.

“Mặc dù em vẫn thấy báo, đài nói không nên tin tưởng những lời khuyên về sức khỏe trên mạng, cần tuân theo hướng dẫn của bác sỹ, nhưng đọc mấy bài viết hồi ấy em thấy rất thuyết phục và lại hợp ý của mình nên vẫn làm theo”, chị Nguyễn Thị Hải nói.

(*)Tên nhân vật đã được thay đổi.

Thủy Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tin-theo-bac-sy-mang-10300388.html