Tin Thị trường: Các nhà máy lọc dầu châu Âu không thể tận dụng cơ hội

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Xê-út sẽ tăng mạnh; Các nhà máy lọc dầu châu Âu không thể tận dụng thời cơ giá tăng để cải thiện lợi nhuận...

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Xê-út sẽ tăng mạnh

Giới thương nhân mới đây tiết lộ với Bloomberg rằng, Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm 40% dầu thô từ Ả Rập Xê-út theo các hợp đồng kỳ hạn vào tháng 9 bất chấp việc nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

Theo ước tính, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc sẽ nhận được khoảng 52 triệu thùng dầu thô trong tháng tới, so với khoảng 37 triệu thùng dự kiến vào tháng 8. Sự gia tăng đáng kể này đến từ việc hợp đồng cung cấp mới giữa gã khổng lồ dầu mỏ Aramco và nhà máy lọc dầu Trung Quốc Rongsheng Petrochemical Co có hiệu lực.

Theo một thỏa thuận được ký giữa Aramco và Rongsheng Petrochemical vào tháng trước, Aramco đã chốt thành công giao dịch mua 10% cổ phần của nhà máy lọc dầu Trung Quốc với giá 3,4 tỷ USD (24,6 tỷ nhân dân tệ). Thương vụ này bao gồm việc cung cấp 480.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho tổ hợp hóa chất và lọc dầu tích hợp lớn nhất Trung Quốc, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dầu khí và Hóa chất Chiết Giang (ZPC) chi nhánh Rongsheng.

Tuần trước, Ả Rập Xê-út cho biết sẽ đơn phương gia hạn cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9, đồng thời để ngỏ khả năng rằng việc cắt giảm có thể tiếp tục duy trì hay thậm chí giảm sâu hơn.

Bất chấp việc cắt giảm, Ả Rập Xê-út được cho là sẽ vẫn cung cấp đầy đủ khối lượng dầu thô vào tháng 9 theo hợp đồng với các khách hàng châu Á.

Các nhà máy lọc dầu châu Âu không thể tận dụng thời cơ

Khả năng sinh lời của các nhà máy lọc dầu ở châu Âu hiện ở mức cao nhất được ghi nhận, ngoại trừ thời điểm ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trên thực tế, ngay cả khi lợi nhuận ở mức gần như cao kỷ lục như vậy, công suất tại các nhà máy lọc dầu OECD ở châu Âu cũng chỉ đạt trung bình 81% trong tháng 6 - thấp hơn 530.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và khiến hoạt động lọc dầu của châu Âu trở thành "tâm điểm của hoạt động kém hiệu quả", Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo thị trường dầu mới nhất.

Theo IEA, điểm mấu chốt của vấn đề là các nhà máy lọc dầu này không có khả năng tận dụng đợt tăng giá gần đây và cải thiện lợi nhuận.

Đối với triển vọng của ngành lọc dầu châu Âu, đó là "thách thức".

IEA cho biết các vấn đề về lọc dầu có thể sẽ lan sang những nơi khác trên thế giới. Đối với châu Âu, công suất lọc dầu trong quý III dự kiến là 600.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Các quốc gia OECD châu Mỹ sẽ chứng kiến công suất lọc dầu ít hơn với 250.000 thùng/ngày so với cùng kỳ.

Hoạt động của các nhà máy lọc dầu đã bị hạn chế do nắng nóng ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc đặt ra thách thức cho các nhà giao dịch hàng hóa

Trong bối cảnh xu hướng giảm giá phổ biến đối với nhiều ngành hàng trong suốt năm nay, đã có kỳ vọng về một nền kinh tế Trung Quốc đang hồi sinh để khởi động một chu kỳ nhu cầu mới, qua đó thúc đẩy giá cả. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế mới nhất của Trung Quốc được công bố đã đặt ra nghi ngờ về việc hiện thực hóa sự hồi sinh này.

Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái đối với CPI vào tháng 7 và qua đó trở thành quốc gia G20 đầu tiên bước vào thời kỳ giảm phát kể từ khi Nhật Bản rơi vào tình trạng này hồi tháng 2 năm 2021. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, xuống 4,4% và nhanh hơn mức giảm dự báo 4,1%, theo Reuters.

Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã dành cả năm qua để chống lại lạm phát cao thông qua việc tăng lãi suất, thì Trung Quốc lại phải vật lộn để thiết lập lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Một lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc đặc biệt bị ảnh hưởng là thương mại, với cả nhập khẩu và xuất khẩu đều giảm trong tháng Bảy. Theo báo cáo của Reuters, nhập khẩu trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ; Dữ liệu thương mại của Trung Quốc chưa bao giờ giảm với tốc độ như vậy kể từ sau đại dịch Covid.

Đối với dầu thô, trong phần lớn thời gian 12 tháng qua, Trung Quốc đã mua dầu thô giá rẻ của Nga, tận dụng cơ hội thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow tạo ra. Do đó, mức giảm nhập khẩu dầu thô hơn 10 triệu thùng/ngày của tháng 7 so với tháng 6 cần được xem xét trong bối cảnh khối lượng nhập khẩu đáng kể trong nửa đầu năm.

Mặc dù dự trữ dầu thô ở Trung Quốc có thể dồi dào, nhưng nhập khẩu giảm gần 19% so với tháng trước cho thấy nhu cầu không tăng nhanh như nhiều người dự đoán cho nửa cuối năm nay.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-cac-nha-may-loc-dau-chau-au-khong-the-tan-dung-co-hoi-691718.html