Tin Thị trường: Đức dự báo giá khí tự nhiên sẽ ở mức cao trong nhiều năm

Đức dự báo giá khí tự nhiên vẫn ở mức cao cho tới ít nhất là năm 2027; Giới đầu tư tăng đặt cược giá lên khí đốt tại châu Âu...

Đức dự báo giá khí tự nhiên vẫn ở mức cao

Đức dự báo giá khí đốt tự nhiên vẫn duy trì ở mức cao cho đến ít nhất là năm 2027, Chính phủ Đức cho biết trong một báo cáo về các biện pháp giảm thiểu chi phí năng lượng cho các hộ gia đình.

Kể từ đầu năm nay, khi chính sách "kìm hãm" giá được áp dụng, Chính phủ Đức đã trả tổng cộng 19,6 tỷ USD (18 tỷ euro) để giúp đỡ nhóm khách hàng dễ bị tổn thương. Berlin cho rằng việc giảm giá năng lượng đang phát huy hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp này đã giúp hạ nhiệt giá năng lượng cho người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát.

Phân tích của nhà chức trách Đức cho thấy, giá khí đốt tự nhiên có thể tăng trong những tháng tới và duy trì ở mức cao trong vài năm tới.

Tuần trước, INES, tổ chức gồm các nhà điều hành kho chứa khí đốt của Đức, cho biết trong báo cáo cập nhật khí đốt tháng 8 rằng Đức sẽ tiếp tục có nguy cơ thiếu khí tự nhiên cho đến mùa đông năm 2026-2027 trừ khi nước này thúc đẩy các biện pháp để bổ sung kho cảng LNG, kho chứa khí đốt hoặc đường ống.

Người đứng đầu INES Sebastian Bleschke thông báo, nhóm dự kiến mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn về mặt cấu trúc sẽ không diễn ra sớm hơn vào năm 2026-2027.

Đức cần xem xét không chỉ các kho cảng LNG bổ sung mà còn thêm cả công suất lưu trữ khí đốt hoặc các kết nối đường ống để tăng cường an ninh nguồn cung của mình. Đức chắc chắn sẽ cần các kho cảng LNG cho mùa đông sắp tới và mùa đông năm sau, ông Bleschke nói thêm.

Giới đầu tư tăng đặt cược giá lên cho khí đốt tại châu Âu

Trong tuần qua, các nhà quản lý danh mục đầu tư đã tăng đặt cược giá đối với hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên chuẩn châu Âu do lo ngại về nguồn cung cùng với khả năng xảy ra đình công tại các cơ sở xuất khẩu LNG của Australia. Ngoài ra, còn phải kể đến sự gián đoạn dòng chảy từ Na Uy, nơi một số cơ sở hạ tầng khí đốt đang được bảo trì.

Vị thế của các nhà quản lý quỹ trong hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã trở thành vị thế mua ròng - chênh lệch giữa đặt cược giá tăng và giá - lần đầu tiên trong năm nay và lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, theo dữ liệu hàng tuần từ Sàn giao dịch liên lục địa được Bloomberg trích dẫn.

Dữ liệu cho thấy các vị thế mua đã tăng lên trong tuần qua, trong khi vị thế bán giảm hơn 20%.

Trên thực tế, giới đầu tư chưa từng lạc quan về giá khí đốt tự nhiên của châu Âu như vậy trong cả năm. Mối đe dọa về nguồn cung gần đây nhất đã làm gia tăng sự biến động sau khoảng thời gian vài tháng giao dịch trong sự "yên ắng".

Cuộc đình công có khả năng xảy ra ở Australia có thể ảnh hưởng đến 1/10 LNG toàn cầu. Mối đe dọa về một cuộc đình công đã khiến giá cả ở châu Âu tăng vọt trong vài ngày qua và một lần nữa chỉ ra những khó khăn về an ninh năng lượng mà châu Âu phải đối mặt. Giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã tăng 40% vào tuần trước khi liên đoàn công nhân đe dọa đình công.

Hợp đồng tương lai kỳ hạn trước 1 tháng tại trung tâm TTF, chuẩn cho khí đốt của châu Âu, được giao dịch ở mức 42,15 USD (38,62 euro) mỗi megawatt giờ (MWh) vào lúc 1:24 chiều 16/8 (giờ GMT), giảm nhẹ 0,5% trong ngày. Giá cao hơn 10,91 USD (10 euro) mỗi MWh so với cách đây hai tuần, mặc dù thực tế là các kho chứa khí của EU hiện đã đầy 90%.

Nhập khẩu dầu Iran của Trung Quốc cao kỷ lục vào tháng 8

Trung Quốc dự kiến nhập khẩu tới 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Iran trong tháng 8, mức cao nhất kể từ năm 2013, theo ước tính từ công ty theo dõi dữ liệu Kpler.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2023, Trung Quốc đã nhập trung bình 917.000 thùng dầu mỗi ngày từ Iran.

Nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã tăng cường mua dầu thô giá rẻ hơn của Iran trong năm nay khi cạnh tranh với Ấn Độ về nguồn cung dầu thô giá rẻ của Nga ngày càng gia tăng.

Hồi đầu năm nay, nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc bắt đầu mua khối lượng dầu thô ngày càng lớn của Iran, trong bối cảnh cạnh tranh đối với dầu của Nga từ các nhà máy lọc dầu nhà nước lớn của Trung Quốc và từ những người mua Ấn Độ đã khiến các thùng dầu của Moscow trở nên đắt hơn.

Trên thực tế, không có dữ liệu chính thức về nhập khẩu dầu của Iran vào Trung Quốc, vì vậy thị trường phụ thuộc vào các công ty theo dõi tàu chở dầu nhằm nắm bắt bức tranh thực tế về lượng dầu của Iran, vốn bị Mỹ cấm vận, đang được vận chuyển đến Trung Quốc.

Nhận xét về nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7, các nhà phân tích tại Vortexa cho biết tuần trước rằng các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc, có khả năng tăng cường nhập khẩu dầu của Iran, đặc biệt là sau khi Nga cam kết giảm khối lượng xuất khẩu dầu trong tháng này và tháng tiếp theo.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-duc-du-bao-gia-khi-tu-nhien-se-o-muc-cao-trong-nhieu-nam-691978.html