Tin thị trường: Mỹ giảm sản lượng, bán dầu chiến lược

Saudi Aramco công bố tăng giá bán chính thức (OSP) tháng 4 đối với tất cả các loại dầu thô cho thị trường châu Á và Mỹ, trong khi giảm đáng kể cho thị trường châu Âu.

Cụ thể, dầu thô loại Arab Super Light, Extra Light, Light và Medium xuất sang châu Á tăng 20-60 cent/thùng, tăng mạnh nhất là dầu Light, Heavy không thay đổi. Giá xuất sang thị trường Mỹ điều chỉnh tăng 10-30 cent/thùng, Heavy cũng được giữ nguyên. Đối với thị trường tây bắc Âu (NWE) và Địa Trung Hải, tỷ lệ giảm tương ứng 1,5 - 1,8 USD/thùng và 1,0 - 1,9 USD/thùng, tại hai thị trường này, dầu Arab Heavy giảm mạnh nhất. Sắp tới sẽ có đợt tăng giá từ phía những nhà sản xuất Trung Đông khác.

Nguồn cung dầu thô biển Bắc trong quý 2 sẽ giảm đáng kể sau khi nhiều nhà sản xuất khu vực này bắt đầu chương trình bảo dưỡng thiết bị định kỳ, chênh lệch Brent so với Dubai tăng lên 3 USD/thùng – mức cao nhất kể từ cuối năm 2019. Do vậy, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu thô neo giá trên cơ sở Brent tiêu chuẩn, trong đó có LB Nga, Tây Phi và Địa Trung Hải đang phải giảm giá bán, đặc biệt sau khi Saudi Aramco công bố giảm (OSP neo trên cơ sở Dubai) đối với thị trường châu Âu. Xuất khẩu dầu thô biển Bắc sang thị trường châu Á trong năm 2020 trung bình khoảng 450-500.000 bpd.

Công ty dầu khí quốc gia Libya NOC có kế hoạch tăng lượng khai thác dầu thô đến cuối năm 2021 lên 1,45 triệu bpd, thấp hơn tham vọng 1,6-1,7 triệu bpd được tuyên bố trước đó. Sản lượng khai thác thực tế tháng 01/2021 đã giảm -4,2% so với tháng 12/20 xuống 1,16 triệu bpd. Ngày 10/03, lần đầu tiên sau nhiều năm chia tách, Quốc hội Libya đã có cuộc họp tập trung, thông qua chính phủ thống nhất. Cuộc họp được tổ chức tại thành phố Sirte - giáp ranh với khu vực kiểm soát bởi chính phủ miền Tây và miền Đông.

Bộ Năng lượng Mỹ ký hợp đồng bán bớt 10,1 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ dầu chiến lược (SPR), hiện đang ở mức 637,8 triệu thùng. Những đơn vị tham gia mua bao gồm Glencore, Marathon, Motiva, Phillips 66, Shell Trading, Valero và chính phủ Úc. Dự kiến thời gian giao hàng trong tháng 3 này. Động thái này phát đi tín hiệu giai đoạn khủng hoảng khó khăn nhất đã qua, năm ngoái, SPR đã mua vào 77 triệu thùng nhằm hỗ trợ giá dầu. Vào đỉnh điểm khủng hoảng, chính quyền Mỹ thậm chí sẵn sàng mua dầu thô chưa khai thác, gửi luôn dưới lòng đất để hỗ trợ giá.

Sản lượng khai thác dầu thô Mỹ năm 2020 giảm 8% xuống 11,3 triệu bpd – mức giảm mạnh nhất trong lịch sử do giá dầu sụt giảm kết hợp cùng cắt giảm hoạt động khoan, mạnh nhất là khu vực vịnh Mexico và Bắc Dakota (-250.000 bpd), Texas (-200.000 bpd). Đáng chú ý, sản lượng trung bình tháng 2/2021 do ảnh hưởng của thời tiết lạnh đã giảm 500.000 bpd so với tháng 1 xuống còn 10,4 triệu bpd. Bộ Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo tăng trưởng sản lượng năm 2021 thêm 100.000 bpd - lên 11,1 triệu bpd, năm 2022 thêm 500.000 bpd - lên 12 triệu bpd. Nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới dự kiến sẽ đạt 97,5 triệu bpd, tăng 5,3 triệu bpd so với năm 2020 và 101,3 triệu bpd vào năm 2022. Giá Brent trung bình năm nay được điều chỉnh tăng từ 53,2 USD/thùng lên 60,67 USD/thùng.

Giá dầu thế giới tăng sau quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+ đang giúp hầu hết các quốc gia vùng Vịnh gạt bỏ mối đe dọa thâm hụt ngân sách trong năm 2021. Đợt sụt giảm giá dầu thô năm 2020 đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với KSA, buộc vương quốc này phải cắt giảm chi phí xã hội và tăng thuế tiêu dùng. Giá dầu cân đối tối thiểu năm nay ở mức 67,9 USD/thùng sẽ giúp Saudi Aramco đủ khả năng chi trả cổ tức 75 tỷ USD/năm theo cam kết IPO.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-my-giam-san-luong-ban-dau-chien-luoc-603503.html