Tin Thị trường: Nguồn cung dầu sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc 'siết' trần giá
Nguồn cung dầu toàn cầu được cho là sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc 'siết' trần giá; Turkmenistan trên đường trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu...
IEA: Nguồn cung dầu sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc "siết" trần giá
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol không cho rằng các động thái của G7 nhằm chống lại việc né tránh trần giá của các nguồn năng lượng Nga sẽ làm thay đổi tình hình cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu.
G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã đồng ý áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời đặt ra giới hạn giá cao hơn đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm gây tổn hại đến nguồn thu của Moscow, liên quan đến cuộc xâm lược Nga - Ukraine.
G7 sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại việc né tránh cơ chế giới hạn giá, đồng thời tránh tác động lan tỏa và duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu, nhóm các cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển cho biết hồi cuối tuần qua.
IEA, cơ quan cung cấp các phân tích năng lượng cho G7, không nhận thấy việc tăng cường thực thi trần giá sẽ tác động đến nguồn cung dầu và nhiên liệu toàn cầu, ông Birol trả lời phỏng vấn hãng Reuters bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Theo giám đốc IEA, mức trần giá đạt được hai mục tiêu chính, bao gồm không gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường do dầu của Nga tiếp tục chảy nhưng đồng thời doanh thu của nước này bị sụt giảm.
Turkmenistan trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu
Trong những tháng gần đây, Turkmenistan đã bắt đầu nỗ lực mở cửa nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Kết quả là, đã xảy ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể chính, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ, để tiếp cận các tuyến giao thông vận tải và tài nguyên năng lượng của Turkmenistan.
Một hệ quả từ việc mở cửa của Ashgabat là sự quan tâm trở lại trong việc thiết lập đường ống xuyên Caspian (TCP) để vận chuyển năng lượng của Turkmenistan đến châu Âu.
Hồi cuối tháng 12/2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thông báo ý định của Ankara để bắt đầu vận chuyển khí đốt tự nhiên của Turkmenistan đến các thị trường phương Tây. Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan và Azerbaijan, tất cả các bên đã đồng ý hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp khí đốt của Turkmenistan cho châu Âu, bao gồm việc xây dựng TCP được đề xuất với chi phí ước tính khoảng 5 tỷ USD, chiều dài 300 km và công suất hàng năm khoảng 30 tỷ m3.
Đường ống sẽ chạy từ Turkmenbashi đến Baku dọc theo đáy Biển Caspi và kết nối với Hành lang khí đốt phía Nam (SGC), cho phép khí đốt của Turkmenistan chảy vào châu Âu.
Thực tế, việc triển khai TCP đã bị trì hoãn do nhiều vấn đề khác nhau; tuy nhiên, việc xây dựng đường ống có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc mang lại sự cân bằng năng lượng cho khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Donald Lu đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng cung cấp khí đốt cho châu Âu của Turkmenistan trong những tháng gần đây.
Trước đó, tại một hội nghị ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đại diện Turkmenistan đã đề cập đến kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu tới châu Âu đi qua Azerbaijan.
New Mexico chiếm 50% tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2022
New Mexico, bao gồm một phần lưu vực Permian, đã chứng kiến mức tăng sản lượng dầu thô cao nhất so với bất kỳ tiểu bang nào của Mỹ vào năm ngoái, với mức tăng sản lượng 300.000 thùng/ngày, chiếm một nửa mức tăng sản lượng dầu của Mỹ, theo một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa được công bố.
Tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 600.000 thùng/ngày vào năm 2022 so với năm 2021, đạt trung bình 11,9 triệu thùng/ngày, theo số liệu hàng tháng của EIA.
Trong năm thứ ba liên tiếp, tăng trưởng sản lượng dầu của New Mexico đã làm lu mờ tăng trưởng sản lượng dầu thô ở bất kỳ bang nào khác của Mỹ, bao gồm Texas, bang sản xuất dầu lớn nhất nước và cũng là nơi có một phần lưu vực đá phiến Permian.
Sản lượng dầu thô ở New Mexico đã tăng 300.000 thùng/ngày lên 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2022, một kỷ lục đối với bang này, EIA ước tính.
New Mexico và Texas đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ vào năm 2022, trong khi sản lượng dầu ở những nơi còn lại trong nước chỉ tăng 0,6% vào năm ngoái, tương đương 33.000 thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô ở California giảm năm thứ tám liên tiếp và sản lượng ở Alaska giảm năm thứ năm liên tiếp. North Dakota, một trong những bang dẫn đầu về tăng trưởng khai thác dầu trong thập kỷ qua, đã chứng kiến sản lượng dầu giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022.