Tin Thị trường: Nguồn cung tại Mỹ gây áp lực lên giá dầu
Nguồn cung tại Mỹ gây áp lực lên giá dầu; Thị trường khí đốt Châu Âu sẽ thắt chặt vào mùa đông...
Giá dầu thế giới trở lại đà tăng
Tính đến đầu giờ chiều 21/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,96 USD/thùng - tăng 0,31%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,01 USD/thùng - tăng 0,27%.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô và xăng của nước này đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, gây áp lực lên giá.
Ông lớn năng lượng Equinor của Na Uy cho biết đã khôi phục toàn bộ công suất đầu ra tại mỏ dầu Johan Sverdrup ở Biển Bắc sau sự cố mất điện, giúp thúc đẩy nguồn cung cho thị trường.
Ngày 19/11, Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga sau khi nhận được sự cho phép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ leo thang và lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu trong tương lai, bù đắp phần nào cho triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc, từ đó giúp duy trì giá ở mức sàn.
Trong khi đó, thị trường dầu cũng phụ thuộc tình hình địa chính trị giữa Israel và Iran. Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza vào ngày 20/11, đẩy cao mức phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh của giá dầu do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung khi chiến tranh ở Trung Đông vẫn tiếp diễn.
Nguồn cung toàn cầu có thể bị siết chặt hơn nữa, với khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ lùi việc tăng sản lượng một lần nữa khi nhóm họp vào ngày 1/12 do nhu cầu dầu toàn cầu yếu.
Giá khí đốt tăng mạnh tại Châu Âu
Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 21/11 (giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới tăng 3,66% đạt mức 3,310 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 12/2024.
Giá khí đốt tăng cao tại Châu Âu đang đặt ra những thách thức về tăng trưởng kinh tế tại lục địa già trong năm 2025. Sự biến động này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, tiêu dùng mà còn tác động đến các chính sách an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Liên minh Châu Âu (EU).
Cụ thể, giá khí đốt ở Châu Âu đã vượt mức 14,16 USD/MMBtu, tương đương khoảng 46 euro (48,6 USD) cho mỗi MWh. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá tăng là do Nga ngừng cung cấp khí đốt cho công ty OMV của Áo, khiến thị trường mất đi một nguồn cung quan trọng. Ngoài ra, thời tiết lạnh giá bất thường tại khu vực đã làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng khí đốt, đặc biệt trong việc sưởi ấm và sản xuất điện. Sự gia tăng nhu cầu này càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung và đẩy giá khí lên cao.
Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine và tình hình tại Trung Đông, cũng đóng vai trò đáng kể, làm gián đoạn thị trường năng lượng. Rủi ro về địa chính trị có thể sẽ kéo dài và trở thành mối đe dọa thường trực đối với thị trường năng lượng khu vực.
Giá khí đốt tăng cao đang tạo ra gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Châu Âu. Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro (Eurozone) trong năm 2025 sẽ đạt 1,3%, cao hơn mức 0,8% của năm 2024.
Equinor: Thị trường khí đốt Châu Âu thắt chặt vào mùa đông
Thị trường khí đốt tự nhiên của Châu Âu đang trong tình trạng bấp bênh khi mùa đông bắt đầu và các yếu tố bên ngoài có thể sẽ dẫn đến thị trường thắt chặt vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025, theo Torgrim Reitan, Giám đốc Tài chính tại công ty năng lượng Equinor của Na Uy.
Thị trường khí đốt tự nhiên và giá cả tại Châu Âu sẽ được định hình trong những tháng tới khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga - Ukraine kết thúc và nhu cầu LNG tại Châu Á, Reitan trả lời phỏng vấn Bloomberg TV.
Equinor là hãng khai thác khí đốt lớn nhất ngoài khơi Na Uy, hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Châu Âu, chiếm khoảng 30% thị trường khu vực.
Thị trường khí đốt tự nhiên Châu Âu tương đối căng thẳng trong nhiều tuần qua với sự khởi đầu của mùa sưởi ấm, tốc độ gió giảm ở Tây Bắc Âu, một cuộc tranh chấp ở Áo về việc cung cấp khí đốt của Gazprom và việc sắp kết thúc hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine.
Thị trường khí đốt Châu Âu đang chuẩn bị cho việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Ukraine đã phát đi các tín hiệu cho thấy họ không muốn gia hạn thỏa thuận với Nga.
Tuần trước, công ty năng lượng quốc gia của Slovakia, SPP, đã ký một hợp đồng thí điểm ngắn hạn với SOCAR để mua khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan khi công ty này chuẩn bị cho khả năng dừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine.
Ngoài khả năng dừng một số nguồn cung cấp khí đốt còn lại qua đường ống của Nga, giá khí đốt tự nhiên của Châu Âu cũng bị đẩy lên cao do thời tiết lạnh hơn ở Châu Âu, điều này thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm và phát điện bằng khí đốt.