Tin tức ASEAN buổi sáng 10/11: Những kỳ vọng vào ASEAN 37 và Hiệp định RCEP, Việt Nam đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN
Những kỳ vọng vào Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hiệp định RCEP có thể được ký tại ASEAN 37... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
ASEAN 37 sẽ có 20 hoạt động ở Cấp cao
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì các Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2.
Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự Lễ khai mạc và phát biểu chào mừng Hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 28 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 22.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP trù bị.
(TGVN)
Những kỳ vọng vào ASEAN 37
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN là cơ quan ra quyết định cao nhất trong khu vực. Sự cân nhắc và quyết định của các nhà lãnh đạo sẽ tạo đường hướng làm việc, cũng như cam kết của ASEAN với các nước đối tác đối thoại.
Theo ông Dato Lim, điểm đáng chú ý trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này là sự tán thành của các nhà lãnh đạo đối với Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai. Các văn bản này sẽ đóng vai trò là “chiến lược rút lui” của cả Cộng đồng nhằm phục hồi khu vực sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký ASEAN cũng kỳ vọng các cuộc thảo luận về Thỏa thuận thiết lập hành lang đi lại ASEAN sẽ đạt được kết quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại các hoạt động kết nối người dân trong khu vực một cách an toàn.
Tổng Thư ký Dato Lim cho biết, dưới sự chủ trì của Việt Nam, công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra thuận lợi.
Về phần mình, Ban Thư ký ASEAN đã kích hoạt các kênh và nền tảng trực tuyến để đảm bảo liên lạc thông suốt với các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác bên ngoài và các bên liên quan. Điều này đã giúp khu vực duy trì kết nối và phối hợp trong suốt cuộc khủng hoảng đại dịch và đảm bảo các ứng phó kịp thời.
(TTXVN)
Hiệp định RCEP có thể được ký tại ASEAN 37
Theo tin từ Bangkok Post, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đại diện cho Thái Lan ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong khuôn khổ một loạt hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội từ ngày 12-15/11.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong cho biết, người dân đang rất kỳ vọng và lạc quan về việc RCEP có thể được ký kết vào cuối năm nay, và điều này sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN vẫn duy trì việc mở cửa đối với thương mại và kinh doanh, góp phần thúc đẩy, nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Hiệp định RCEP đã mất nhiều năm để đàm phán, thương lượng, qua đó thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa lớn của RCEP đối với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng.
Việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ tạo sức bật, cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực và giữa các nước tham gia ký kết Hiệp định.
RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012, tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh (Campuchia).
Theo một tuyên bố từ RCEP, 15 nước tham gia đã kết thúc các cuộc đàm phán cho tất cả 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường. Dù có Ấn Độ hay không, Hiệp định đã được lên kế hoạch ký kết chính thức trong năm 2020 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021 hoặc tháng 1/2022.
RCEP sẽ hỗ trợ thương mại và đầu tư mở, toàn diện và có quy định, đồng thời củng cố, duy trì kết nối với chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực, đặc biệt là đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Theo quy trình phê chuẩn, nếu một nửa số quốc gia thành viên RCEP (ít nhất 6 nước ASEAN và 4 nước ngoài ASEAN) phê chuẩn, Hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.
(TTXVN/TGVN)
Việt Nam đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN
Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, nhiều chuyên gia, học giả Nga đã bày tỏ tin tưởng vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga-ASEAN.
Trong 2 ấn phẩm mới xuất bản gần đây tại Nga nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” Grigory Trofimchuk và Tiến sĩ khoa học chính trị Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư Khoa Phương Đông học, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra nhiều đánh giá, phân tích vai trò quan trọng này của Việt Nam.
Trong bài viết Vai trò và vị trí của Việt Nam trong hợp tác Nga-ASEAN đăng trong kỷ yếu Quan hệ Nga-Việt ngày nay: Những lĩnh vực lợi ích song trùng, Tiến sĩ Ekaterina Koldunova cho rằng, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam có đặc điểm nổi bật là tần suất các cuộc gặp cấp cao nhiều hơn và cơ cấu hợp tác nhân văn dày đặc hơn so với các quốc gia thành viên còn lại của ASEAN.
Vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam dường như vẫn "đầy triển vọng", có thể xuất hiện các lĩnh vực hợp tác độc đáo giữa Nga và ASEAN, với nền tảng chủ yếu dựa vào hướng hợp tác song phương Nga-Việt trong các lĩnh vực quân y, ứng phó với tình huống khẩn cấp, hợp tác khoa học chống lại các nguy cơ và thách thức do dịch bệnh gây ra.
Trong cuốn sách Việt Nam cất cánh của chuyên gia về các vấn đề quốc tế Grigory Trofimchuk, tác giả đã dành nhiều trang để nói về vai trò của Việt Nam trong việc kết nối, quảng bá hình ảnh của ASEAN không chỉ ở Nga, mà trên phạm vi toàn thế giới.
Chuyên gia Nga cho rằng, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong các tổ chức quốc tế và khu vực, thậm chí giữ vai trò đầu tàu trong ASEAN. Việt Nam xứng đáng được trao giải thưởng vì những đóng góp trong việc nâng cao hình ảnh của ASEAN trên phạm vi toàn cầu.
Ông Grigory Trofimchuk khẳng định: “Việt Nam là một đối tác thực sự tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, là hướng ưu tiên của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương”.
(TTXVN)