Tin tức ASEAN buổi sáng 23/7: Indonesia ghi nhận số ca Covid-19 tử vong kỷ lục. Không có đột phá, ASEAN khó đạt được tham vọng kinh tế

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Hàn Quốc cấp 90 học bổng đào tạo nhân tài cho ASEAN, hướng đi để kinh tế ASEAN tạo đột phá... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Surabaya, Indonesia, ngày 20/7. (Nguồn: THX)

Covid-19 tại ASEAN: Indonesia lập kỷ lục số ca tử vong, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp

Tính đến hết ngày 22/7, ASEAN ghi nhận thêm 3.817 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 6.500 người.

Tại Indonesia, tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục xu thế tăng cao, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Ngày 22/7, Indonesia đã ghi nhận thêm 139 ca tử vong do Covid-19, mức tăng trong ngày cao nhất và nâng tổng số ca tử vong lên 4.459 ca.

Trong khi đó, tại Philippines, dịch bệnh đã có phần hạ nhiệt khi số ca tử vong/ngày giảm mạnh mấy ngày qua, dù số ca mắc mới vẫn cao thứ hai trong số các nước ASEAN. Ngày 22/7, nước này chỉ có 4 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2; tổng số ca mắc Covid-19 đã tăng thêm 1.594 ca, lên tổng số 72.269 ca. Thủ đô Manila, nơi sinh sống của gần 15 triệu dân, vẫn là tâm dịch với 971 ca nhiễm mới trong ngày.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiếp tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội.

Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng cho tới ngày 31/8.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết, việc kéo dài nói trên là cần thiết vì đại dịch Covid-19 vẫn đang lây lan trên thế giới, trong khi Thái Lan sẽ cho phép khách nước ngoài nhập cảnh và nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với những loại hình kinh doanh và hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao.

Ngày 22/7, Bộ Giáo dục, Thanh Niên và Thể thao Campuchia thông báo về việc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho phép bộ này được mở cửa trở lại 20 trường học đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn sau khi phải đóng cửa để đề phòng nguy cơ dịch Covid-19 lây lan.

Người phát ngôn Bộ Giáo dục-Thanh Niên và Thể thao Campuchia Ros Soveacha cho biết, trong ngày 22/7, bộ sẽ ký bản ghi nhớ với các trường để đảm bảo những cơ sở này tuân thủ các biện pháp an toàn của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tính đến hết ngày 22/7, Campuchia ghi nhận tổng cộng 197 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 140 trường hợp đã khỏi bệnh, không có ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận.

(TGVN/TTXVN)

Hàn Quốc cấp 90 suất học bổng Đào tạo nhân tài ASEAN

Ngày 22/7, Phái đoàn Hàn Quốc tại ASEAN phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Hội đồng Giáo dục đại học Hàn Quốc (KCUE) đã công bố chương trình học bổng Đào tạo nhân tài ASEAN (HEAT).

Chương trình học bổng này là một trong những nội dung đã được các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc nhất trí tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc được tổ chức ở thành phố Busan vào tháng 11 năm ngoái.

Trong khuôn khổ chương trình, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dành tổng cộng 90 suất học bổng đào tạo tiến sĩ cho ứng viên từ các nước ASEAN theo học tại 6 trường đại học danh tiếng của Hàn Quốc trong 5 năm tới. Dự kiến, 11 ứng viên được chọn trong đợt tuyển sinh đầu tiên sẽ nhập học từ tháng 9 năm nay.

Tại buổi lễ được tổ chức trực tuyến, 11 ứng viên được chọn cùng 500 ứng viên tiềm năng khác từ các nước ASEAN đã bày tỏ quan tâm tới chương trình nghiên cứu sau đại học tại Hàn Quốc và trình bày kế hoạch phát triển sự nghiệp sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu, học tập tại nước này.

Trong bài phát biểu chào mừng, Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lim Sungnam khẳng định, với việc thực hiện thành công chương trình học bổng này, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực tại từng quốc gia thành viên ASEAN.

Khẳng định HEAT là “khoản đầu tư tương lai” cho các nước khu vực, Đại sứ Lim Sungnam bày tỏ tin tưởng những người nhận được học bổng sẽ trở thành "hạt giống" ươm mầm các nhà lãnh đạo ASEAN trong vai trò giảng dạy tại các trường đại học sau khi trở về nước.

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – xã hội Kung Phoak nhấn mạnh, giao lưu nhân dân thông qua việc cấp học bổng có thể thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Hàn Quốc, cũng như góp phần tăng cường quan hệ song phương.

Phó Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo cơ hội quý giá cho các nhà nghiên cứu ASEAN, cho rằng trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, vấn đề đào tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

HEAT có tổng ngân sách 8,3 triệu USD do Quỹ Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc (AKCF) hỗ trợ dành cho nhiều dự án và chương trình nhằm tăng cường quan hệ Hàn Quốc-ASEAN và đóng góp vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

AKCF được thành lập năm 1990 với khoản đóng góp lên tới 1 triệu USD/năm. Kể từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng gấp đôi khoản đóng góp hằng năm cho AKCF lên 14 triệu USD trong khuôn khổ Chính sách hướng Nam mới.

(TTXVN)

Mỗi nước ASEAN cần phải tiến hành những cải cách căn bản mang tính quyết định và những thay đổi mang tính chiến lược để luôn ở trong trạng thái sẵn sàng cao độ. (Nguồn: QT)

ASEAN cần đột phá để đạt được các mục tiêu kinh tế tham vọng

Khi tất cả các nước ASEAN đề ra những mục tiêu đầy tham vọng cho hành trình phát triển của mình trong 2 đến 3 thập kỷ tới, mỗi nước trong khu vực cần phải tiến hành những cải cách căn bản mang tính quyết định và những thay đổi mang tính chiến lược để luôn ở trong trạng thái sẵn sàng cao độ, cạnh tranh và bền bỉ trong bối cảnh phát triển trong tương lai.

Hơn nữa, ASEAN sẽ hùng mạnh hơn rất nhiều nếu Hiệp hội này có thể tự đặt mình vào vị trí là thị trường hợp nhất và cộng đồng điều phối tốt, trong đó, mỗi nước nỗ lực thúc đẩy không chỉ sự thịnh vượng của riêng mình, mà còn của cả khu vực trong sự phát triển kinh tế toàn cầu hậu Covid-19.

Để bảo vệ tốt hơn những triển vọng trong tương lai của các nước ASEAN, điều quan trọng là ASEAN cần phải nhận thức được thấu đáo 3 đặc điểm khác biệt hiện nay của khu vực, đó là: sự đa dạng về mức độ hòa hợp, khát vọng phát triển và khả năng tham gia hội nhập toàn cầu.

Đối với sự đa dạng về mức độ hòa hợp, 10 nước có tôn giáo, quy mô dân số, hệ thống chính trị và trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, những nỗ lực thực chất và lâu dài của ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình, quan hệ đối tác và sự hội nhập là rất ấn tượng. Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 là mốc lịch sử lớn trong những nỗ lực này.

Về khát vọng phát triển, ASEAN đã khiến thế giới kinh ngạc không chỉ với thành công của Singapore, mà còn bởi những làn sóng cải cách mới ở các nước thành viên, từ Việt Nam và Myanmar đến Indonesia và Philippines.

Về vấn đề tham gia hội nhập toàn cầu, với tư cách là một khối kinh tế, ASEAN là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tỷ lệ thương mại/GDP vượt 100%.

(Viện Brookings)

EVFTA tác động như thế nào tới chính sách của EU với ASEAN?

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8 tới. EVFTA đã chứng minh rằng EU tiếp tục nhận thấy những triển vọng kinh doanh lớn tại Đông Nam Á. Cuối năm 2017, EU đã đầu tư 374 tỷ USD vào ASEAN.

EU cũng bày tỏ mong muốn theo đuổi một hiệp định tự do thương mại (FTA) với cả khối ASEAN. Tuy nhiên, đến nay tiến trình này vẫn chưa có nhiều tiến triển. Các cuộc đàm phán EU-ASEAN được bắt đầu vào năm 2007 nhưng kết thúc vào năm 2009 khi các quốc gia riêng lẻ trong ASEAN bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại song phương với EU.

Để đạt được FTA riêng rẽ với từng nước ASEAN cũng cần một quá trình dài. Hiện nay, EU vẫn đang đàm phán FTA với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều tiến triển cho tới thời điểm hiện tại.

EU coi các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này là nền tảng để hướng tới thỏa thuận giữa các khu vực trong tương lai. EU đã và đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế hiện có với các nước ASEAN riêng lẻ để thúc đẩy thay đổi chính sách thương mại của họ.

(ASEAN Today)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-237-indonesia-ghi-nhan-so-ca-covid-19-tu-vong-ky-luc-khong-co-dot-pha-asean-kho-dat-duoc-tham-vong-kinh-te-119940.html