Tin tức ASEAN buổi sáng 27/2

Vấn đề sông Mekong, ASEAN và vai trò của Việt Nam, ASEAN kêu gọi xử lý khủng hoảng tốt hơn trước tình hình dịch Covid-19...

Vấn đề sông Mekong, ASEAN và vai trò của Việt Nam

Trong một nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao xanh, Việt Nam đang thúc đẩy các vấn đề địa chính trị của sông Mekong, một trong những con sông lớn nhất thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Thời gian vừa qua, khu vực hạ nguồn Mekong bị ảnh hưởng của hạn hán nặng, khiến an ninh nguồn nước ở toàn bộ 5 quốc gia ASEAN ở khu vực này là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Lưu vực sông Mekong được coi là “bát cơm” của các quốc gia này.

Chính vì vậy, trong năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra vấn đề này trong các chương trình nghị sự của khối, biến sông Mekong từ một vấn đề tiểu vùng thành một vấn đề có quy mô lớn hơn.

Theo các nguồn tin chính phủ tại Hà Nội, số phận của sông Mekong sẽ được đưa ra thảo luận khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN thường niên vào mùa hè này.

Động thái này của Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể. Ông Pou Sothirak, nguyên Bộ trưởng năng lượng Campuchia và Giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cho biết: “Việt Nam đang lo lắng về việc khai thác thủy điện ngày càng tăng ở sông Mekong trong những năm gần đây của các quốc gia thượng nguồn sông. Nỗ lực của Việt Nam là rất đáng khen ngợi”.

Nỗ lực ngoại giao này của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các quốc gia hạ nguồn sông Mekong đang phải chịu đựng đợt hạt hán tồi tệ nhất trong khu vực từ tháng 6/2019. Hạn hán đang đe dọa cuộc sống của hơn 60 triệu người, vốn phụ thuộc vào sông Mekong và các nhánh sông khác để đánh cá, canh tác nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa.

Trước tình hình khó lường của Covid-19, ASEAN kêu gọi xử lý khủng hoảng tốt hơn

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã điều hành Hội nghị chuyên đề cấp cao ASEAN về quản lý thảm họa, diễn ra từ ngày 26-27/2 tại Trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta.

"Hội nghị chuyên đề cấp cao này là một đóng góp khác cho các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, bởi cung cấp nền tảng cho các thành viên trao đổi quan điểm và ý tưởng về các vấn đề thích hợp liên quan đến quản lý thảm họa”, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi phát biểu trong lễ khai mạc.

Với việc các nước ASEAN nằm trong khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh..., Hội nghị chuyên đề ASEAN xoay quanh nỗ lực kêu gọi sự hợp tác của các thành viên và thúc đẩy các cơ chế khu vực nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết và quản lý thảm họa.

"Các tuyên bố của ASEAN về Khủng hoảng cháy rừng ở Australia” và “Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó Covid-19” đã thể hiện sự đoàn kết và cam kết vững chắc của ASEAN trong việc chuẩn bị kỹ càng và đảm bảo sự an toàn cho người dân trong khu vực” – ông Lim Jock Hoi cho biết.

Hội nghị chuyên đề cấp cao này nhằm nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực quản lý thảm họa tốt hơn thông qua 6 cuộc thảo luận chuyên đề, giữa các thành viên ASEAN và các bên liên quan.

(Tempo)

Ấn Độ, Mỹ phản đối ý định thay đổi COC của Trung Quốc

Ấn Độ cùng với Mỹ phản đối động thái điều chỉnh Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông của Trung Quốc, nhằm không cho phép các đối thủ của quốc gia này, cũng như các quốc gia bên ngoài khu vực can dự vào vùng biển đang bị tranh chấp.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã gửi một thông điệp tới Trung Quốc, nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau chuyến thăm chính thức của ông Trump tới Ấn Độ, rằng mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai quốc gia này là “vô cùng quan trọng cho một khu vực Ấn Độ - Thái BÌnh dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng".

Hai nhà lãnh đạo cũng lưu ý đến những nỗ lực được thực hiện để xây dựng một COC thiết thực, có ý nghĩa ở Biển Đông, vốn là trung tâm của cuộc xung đột đang leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hàng hải ở Đông Nam Á.

New Delhi và Washington đang tỏ ra lo ngại về động thái điều chỉnh COC của Trung Quốc, vốn đang được quốc gia này và ASEAN đàm phán trong nhiều năm qua. Bắc Kinh thời gian gần đây đang tạo áp lực lên ASEAN để đồng ý với điều khoản của COC, trong đó có thể hạn chế Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia ngoài khu vực hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á và khám phá tài nguyên ở Biển Đông.

(Deccan Herald)

Australia kêu gọi Ấn Độ tham gia RCEP vì một ASEAN mạnh hơn

Australia đã kêu gọi Ấn Độ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mà theo chính phủ nước này, sẽ dẫn đến một ASEAN thống nhất mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia, Simon Birmingham đã nêu ý kiến này trong một bài phát biểu tại Hiệp hội châu Á: “Ấn Độ nên tham gia RCEP vì sự rộng mở sẽ khuyến khích cạnh tranh, đổi mới nhiên liệu và cải thiện năng suất trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyết định không tham gia RCEP hiện tại của Ấn Độ”.

(Press Trust of India)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-272-110397.html