Tin tức ASEAN buổi sáng 29/4

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, EU hỗ trợ ASEAN 350 triệu euro ứng phó với Covid-19... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Các ca nhiễm Covid-19 mới có chiều hướng giảm trên toàn bộ ASEAN.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN: Các ca nhiễm mới có chiều hướng giảm

Tính tới rạng sáng 29/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 41.928 ca mắc Covid-19 và 1.477 người tử vong.

Tại Singapore, số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm những ngày gần đây. Trong ngày 28/4, nước này ghi nhận 528 ca nhiễm, mức thấp nhất trong 5 ngày qua. Số ca nhiễm trong cộng đồng giảm từ 29 ca/ngày trong tuần trước, xuống 20 ca/ngày trong tuần qua, trong đó số ca không rõ nguồn gốc giảm từ 19 ca/ngày xuống 13 ca/ngày.

Số ca nhiễm trong cộng đồng đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia nước này cho rằng vẫn còn quá sớm để lạc quan và con số giảm này chưa phản ánh đúng thực tế.

Thái Lan ngày 28/4 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức một con số, với 7 ca nhiễm và 2 ca tử vong. Đây cũng là số ca nhiễm thấp nhất trong một ngày ở nước này kể từ ngày 14/3. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này đến nay là 2.938 trường hợp, trong đó có 54 bệnh nhân tử vong.

Malaysia đã bước vào giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19 sau khi số ca nhiễm liên tục giảm trong những ngày gần đây. Trong ngày 28/4, nước này chỉ ghi nhận 31 ca nhiễm, mức thấp nhất kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ngày 18/3 vừa qua. Malaysia hiện có tổng cộng 5.851 người mắc Covid-19, trong đó có 100 ca tử vong.

Trong khi đó, Indonesia ngày 28/4 đã ghi nhận 415 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 9.511 người. Quan chức Bộ Y tế Achmad Yurianto cho biết nước này cũng ghi nhận 8 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 773 người, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Còn Philippines cũng đã có gần 8.000 người mắc Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Riêng trong ngày 28/4, nước này ghi nhận 19 ca tử vong do Covid-19 và 181 ca mắc bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Campuchia vẫn được coi là ở mức độ “đáng báo động” và xác suất lây nhiễm không hề thấp dù tính đến ngày 28/4, Campuchia đã bước sang ngày thứ 16 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm nào. Tính đến ngày 27/4, Viện Y tế công và Viện Pasteur Campuchia đã xét nghiệm 11.576 mẫu bệnh phẩm và phát hiện 122 ca mắc COVID-19, trong đó 119 bệnh nhân đã bình phục.

Như vậy, trong 24 giờ qua, toàn khối chỉ có 32 ca tử vong. Các nước Đông Nam Á tới nay chưa ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19 là Việt Nam, Lào, CampuchiaTimor-Leste.

Tại Việt Nam, tính đến 6h sáng ngày 29/4, không có ca mắc mới Covid-19, tuy nhiên có thêm 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh.

(TGVN/TTXVN)

EU hỗ trợ ASEAN 350 triệu euro ứng phó với Covid-19

Thông cáo mới của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại ASEAN cho biết, nằm trong kế hoạch hỗ trợ các đối tác toàn cầu, EU đang huy động 350 triệu euro để hỗ trợ các nước ASEAN ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và giảm thiểu các tác động của đại dịch với khu vực.

Theo đó, EU sẽ hỗ trợ các hoạt động theo cấp độ quốc gia và khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, tăng cường các hệ thống y tế, cũng như giảm thiểu các hậu quả kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra. Tại Việt Nam, EU sẽ hỗ trợ triển khai các biện pháp ứng phó với tác động của dịch bệnh và sớm triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong thông cáo, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans nhấn mạnh: “Trong những thời điểm khó khăn, ASEAN có thể tin tưởng vào EU. EU và ASEAN là các tổ chức khu vực trải qua 42 năm đoàn kết và hợp tác. Bằng việc huy động 350 triệu euro để hỗ trợ các nước ASEAN, EU muốn thể hiện tình hữu nghị với người dân trong khu vực”.

Đại sứ Igor Driesmans khẳng định, EU sẽ hỗ trợ các biện pháp quyết liệt và cụ thể của ASEAN nhằm giải quyết các tác động y tế, xã hội và kinh tế trong khu vực.

“Chúng ta chỉ có thể vượt qua đại dịch Covid-19 bằng sự hợp tác, đoàn kết và phối hợp quốc tế”, Đại sứ EU nêu rõ.

(TTXVN)

Phun thuốc khử khuẩn tại Yangon, Myanmar.

Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng khu vực CLMV

Đại dịch Covid-19 đang gây áp lực tăng trưởng nghiêm trọng đối với các nền kinh tế CLMV - Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - và có thể khiến tăng trưởng của khu vực chậm lại ở mức thấp lịch sử, theo báo cáo của Maybank Kim Eng ngày 28/4.

Việt Nam dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng nhiều so với các nước còn lại với mức tăng trưởng 3,6%. Đó là nhờ cơ cấu kinh tế đa dạng, vị thế tài chính và các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản vững mạnh hơn. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7% trong năm 2019.

Ngược lại, Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tăng trưởng 0,5% trong năm 2020 so với mức 7% năm 2019. Điều này là do Campuchia phụ thuộc lớn vào các ngành du lịch (chiếm 12,3% GDP) và xuất khẩu hàng dệt may.

Với Myanmar, quốc gia này dự kiến đạt tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm từ 6,8% so với năm 2019. Đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, với các ngành liên quan đến du lịch và giao thông chiếm tới 11,2% GDP - con số này thậm chí có thể lớn hơn nếu cộng thêm dịch vụ lưu trú và ngành thực phẩm. Myanmar cũng dễ bị tổn thương do nhu cầu sản xuất và xuất khẩu giảm, với ngành sản xuất chiếm 24,2% GDP.

Lào có thể ít bị ảnh hưởng hơn, do sản xuất chỉ chiếm 7,5% và du lịch cùng vận chuyển chiếm 3,9% GDP. Nhưng thay vào đó, sự phụ thuộc nặng nề vào điện và khí đốt (10,8%) có thể gây tổn hại cho nền kinh tế khi các nhà máy đóng cửa và hoạt động chậm lại.

Tăng trưởng ở Lào được dự đoán là 2,4% vào năm 2020 so với 4,7% vào năm 2019.

(Business Times)

Doctor Anywhere, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa của Singapore.

Startup chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á thu hút đầu tư mạnh mẽ

Các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, đặc biệt là những công ty chăm sóc sức khỏe và giao hàng, đã tìm cách huy động hàng triệu USD để đẩy nhanh việc mở rộng hoạt động. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã tìm thấy cơ hội làm ăn đầy triển vọng trong khu vực bất chấp khủng hoảng kinh tế xuất phát từ đại dịch Covid-19.

Trong số đó, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) có trụ sở Singapore có tên Doctor Anywhere đã huy động được 27 triệu USD vào cuối tháng 3 trong vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có nhà điều hành bệnh viện Malaysia IHH Healthcare.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, nền tảng telehealth ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý. Ứng dựng này được triển khai tại các trạm kiểm soát hải quan tại các bến phà của Singapore, giúp kiểm tra sức khỏe tại chỗ các hành khách có triệu chứng Covid-19 thông qua tư vấn sức khỏe từ xa. Telehealth cũng cung cấp dịch vụ y tế cho các cá nhân đang phải cách ly tại nhà.

Theo Crunchbase, tổng số vốn do các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á huy động trong quý I/2020 là 26,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái (29,3 tỷ USD). Số lượng các vòng gọi vốn thành công trong giai đoạn này cũng giảm 40%.

Ngoài ra, dịch vụ giao hàng, nhất là đồ ăn là một điểm sáng khác trong đại dịch ở Đông Nam Á khi nhiều người phải làm việc và học tập tại nhà do các lệnh giãn cách xã hội. Tổng số vốn huy động của các công ty khởi nghiệp liên quan đến hậu cần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 56 triệu USD.

(Nikkei)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-294-114657.html