Tin tức ASEAN buổi sáng 29/9: Hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN vào thời kỳ hoàng kim, Washington chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông

Đàm phán COC - Con đường dài và khó khăn, Mỹ nói Trung Quốc 'hứa suông' về vấn đề Biển Đông... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Đàm phán COC: Con đường dài và khó khăn

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tháng trước, ngoại trưởng 10 quốc gia ASEAN một lần nữa kêu gọi các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sớm được diễn ra và sớm hoàn tất một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên Biển Đông ngày 2/3/2017. (Nguồn: US Navy)

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên Biển Đông ngày 2/3/2017. (Nguồn: US Navy)

Thế nhưng, để thỏa thuận này đạt được hiệu lực, ASEAN sẽ phải vượt qua vô vàn trở ngại.

Thời gian qua, thế giới đang phải chịu nhiều ảnh hưởng đến từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc. Các cuộc tập trận và triển khai hàng không mẫu hạm của cả hai cường quốc đã khiến giới quan sát khu vực lo ngại về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Biển Đông có lẽ là điểm mấu chốt trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng đã đặt các nước ASEAN vào tình thế khó khăn. Trung Quốc mạnh và hiếu chiến, nhưng là một nước láng giềng; còn Mỹ thì ra sức ủng hộ các đối tác ASEAN, nhưng lại dễ bị xoay chuyển. Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói gần đây, khu vực đang ở “giao điểm giữa các lợi ích của các cường quốc lớn khác nhau và phải tránh bị kẹt hoặc bị phụ thuộc vào những lựa chọn khó”.

(The Diplomat)

Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Trong một thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã chỉ ra "những lời hứa suông" của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

"Cách đây 5 năm, vào ngày 25/9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng và phát biểu rằng 'Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa' ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và các tiền đồn mà Trung Quốc xây sẽ 'không nhắm vào hay tác động đến quốc gia nào'" - thông cáo mở đầu.

Tuy nhiên, thông cáo cho biết, Trung Quốc đã có những động thái quân sự hóa mang tính khiêu khích ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng những tiền đồn quân sự hóa này "làm nền tảng ép buộc nhằm áp đặt quyền kiểm soát với những vùng nước mà Trung Quốc đưa ra yêu sách hàng hải bất hợp pháp".

(Reuters/AFP)

Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đang ngày có chiều hướng đi lên. (Nguồn: VGP)

Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đang ngày có chiều hướng đi lên. (Nguồn: VGP)

Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã bước vào thời kỳ hoàng kim

Đây là khẳng định của phía Trung Quốc tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 (CAEXPO 2020) vừa diễn ra.

Theo đó, ông Lý Thành Cương, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho rằng, việc tổ chức CAEXPO 2020 vừa là biện pháp nhằm đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, giữ vững đà phát triển thương mại và đầu tư ra nước ngoài của nước này, cũng là việc làm thực tế nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực trong lĩnh vực kinh tế thương mại trong khu vực.

Ông đánh giá cao sự "lội ngược dòng" trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Không chỉ trở thành đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc, đầu tư của nước này sang các nước ASEAN cũng tăng mạnh.

Theo quan chức này, nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN là điều kiện địa lý và kinh tế đặc biệt, môi trường chính sách ưu việt và hợp tác chống dịch hiệu quả. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác chống dịch, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại thiết thực với ASEAN.

(Tân Hoa xã)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính đến rạng sáng ngày 29/9, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.634 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 671.484 ca, trong đó có thêm 154 ca tử vong mới, nâng tổng số người tử vong lên 16.368.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới.

Thái Lan ngày 28/9 ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới đều là những trường hợp từ nước ngoài về, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận cho tới nay lên 3.545, trong đó có 59 người tử vong. Ngày 28/9, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã đề xuất gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, cho tới ngày 31/10, nhằm kiểm soát đại dịch.

Indonesia thông báo có thêm 3.509 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 28/9, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 lên 278.722 ca.

Ngoài ra, với thêm 87 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Indonesia đã tăng lên thành 10.473, là quốc gia có số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi ghi nhận số ca bệnh và số ca tử vong mới trong ngày cao nhất khu vực.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 3.073 ca nhiễm mới và thêm 37 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh lên lần lượt là 307.288 ca và 5.381 ca. Quốc gia này cũng có thêm 163 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số ca bình phục lên 252.665.

Những ngày qua, Myanmar ghi nhận số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến, đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng khi có tới trên 897 ca bệnh mới và 30 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày, trở thành là ổ dịch mới tại Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 29/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, đã 27 ngày không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng, gần 16.000 người đang cách ly chống dịch.

(TGVN/TTXVN)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-299-hop-tac-kinh-te-trung-quoc-asean-vao-thoi-ky-hoang-kim-washington-chi-trich-bac-kinh-ve-van-de-bien-dong-124854.html