Tin tức ASEAN buổi sáng 3/6

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Australia cần hợp tác với châu Á để phối hợp phục hồi hậu Covid-19... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách lên tàu hỏa tại Manila, Philippines ngày 1/6. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 3/6, ASEAN ghi nhận thêm có thêm 1.533 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số ca nhiễm lên 94.207 ca. SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.834 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 45.346 trường hợp.

Tại Indonesia, số ca mắc mới và tử vong trong ngày vẫn cao. Số liệu thống kê của trang Worldometers tới hết ngày 2/6 cho thấy Indonesia trong 24 giờ qua ghi nhận 609 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 22 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại nước này lên lần lượt 27.549 và 1.663.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Indonesia Fachrul Razi cho biết bộ này đã hủy bỏ cuộc hành hương của người dân trong năm 2020 cũng như đưa ra các quy định hạn chế đi lại do lo ngại lây lan dịch Covid-19.

Philippines, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 18.997 ca sau khi nước này thông báo có thêm 359 ca nhiễm mới trong ngày 2/6. Với việc ghi nhận thêm 6 ca tử vong, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên tới 966 ca.

Người phát ngôn Tổng thống Philiipines cho biết nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 30.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020.

Thái Lan sau một thời gian dài yên ắng, ngày 2/6 đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại xứ sở chùa Phật ngọc lên 58 ca, trong tổng số 3.083 trường hợp mắc bệnh.

Thượng viện Thái Lan ngày 2/6 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD) để giảm thiểu khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Malaysia trong ngày 3/6 ghi nhận thêm 20 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.877 ca.

Theo số liệu mới nhất, Singapore ngày 2/6 thông báo có 544 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 35.836 ca, trong khi số ca tử vong đến nay vẫn là 24 ca.

Tuy là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất ở châu Á, Singapore thông báo sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Các trường học ở Singapore đã mở cửa trở lại sau gần 2 tháng đóng cửa do dịch Covid-19. Học sinh đến trường phải tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn...

Theo kết quả nghiên cứu ở một số nước châu Âu đã mở cửa lại trường học, việc mở cửa này không làm tăng số ca nhiễm bệnh, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy số ca nhiễm ở trẻ em ít hơn so với người trưởng thành.

Các quốc gia còn lại trong khu vực là Campuchia, Brunei, Myanmar không ghi nhận ca mắc mới nào.

Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 3/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, đã 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Hiện tại, về mặt tri giác, bệnh nhân nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đã tỉnh táo hoàn toàn.

(TGVN/TTXVN)

Australia cần hợp tác với châu Á để phối hợp phục hồi hậu Covid-19

Một nhóm các nhà kinh tế, chính trị gia và nhà lãnh đạo của Australia đang kêu gọi Chính phủ Liên bang chính thức hợp tác với châu Á để phục hồi nền kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19.

Trong một báo cáo mang tên “Chiến lược châu Á để phục hồi và tái thiết hậu Covid-19” được công bố ngày 2/6, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng y tế, sức khỏe công cộng và kinh tế kéo dài nếu thiếu đi sự hợp tác quốc tế. Đồng thời, nhóm này đã kêu gọi sự hợp tác giữa Australia và châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhất Bản và 10 nước ASEAN phối hợp các chính sách tài chính, thương mại, y tế công cộng và an ninh lương thực sau đại dịch.

“Nền kinh tế của Australia cơ bản được xây dựng dựa trên châu Á. Chúng ta cần phải chuyển trọng tâm một chút, đặc biệt khi châu Á đang hồi phục nhanh hơn rất nhiều”, ông Adam Triggs, đồng tác giả của báo cáo trên và là giám đốc nghiên cứu của Phòng nghiên cứu kinh tế châu Á tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho biết.

Giáo sư Peter Drysdale cũng thuộc thuộc ANU cho biết, chìa khóa của sự phục hồi thành công nằm ở châu Á. Ông cũng kêu gọi ASEAN tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN +6, bao gồm cả Australia, Ấn Độ và Trung Quốc để đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đồng thời, báo cáo trên kêu gọi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được hoàn thành trong năm nay để đảm bảo sự đoàn kết thương mại khu vực, đồng thời giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho tất cả các quốc gia ký kết.

(ABC)

Singapore đã trở thành điểm đến ưa thích của các công ty công nghệ Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Công ty công nghệ Trung Quốc hướng tới thị trường Đông Nam Á

Các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm nhiều ông lớn như ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng TikTok, Huawei, hay gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đang hướng tới thị trường Đông Nam Á, khi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn tiếp tục căng thẳng.

Theo đó, căng thẳng chính trị leo thang giữa thế giới hai nền kinh tế lớn nhất đã chứng kiến các công ty công nghệ đang nhắm đến việc tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài. Trong khi đó, Đông Nam Á hiện đang là trung tâm mới của thế giới cho các startup công nghệ, nên việc đẩy mạnh sang thị trường này là một điều dĩ nhiên.

Các công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã tăng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, với việc Alibaba mua lại và đầu tư vào hàng loạt các công ty công nghệ trong khu vực, bao gồm nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á Lazada và trang web mua sắm trực tuyến của Indonesia mang tên Tokopedia.

Ngoài ra, theo công ty bất động sản JLL, bên ngoài Trung Quốc đại lục, Singapore hiện này là quốc gia tập trung nhiều công ty công nghệ Trung Quốc nhất thế giới, bằng với số lượng công ty Trung Quốc tại Thung lũng Silicon, Mỹ.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ, vốn đã có sự hiện diện lành mạnh ở Đông Nam Á trong nhiều năm nay.

(TechWire)

Đứt tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối Đông Nam Á với Mỹ

Ngày 2/6, đại diện nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) thông báo đã phát hiện thêm điểm đứt nối mới trên tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối Đông Nam Á và Hoa Kỳ (Asia America Gateway, gọi tắt là tuyến cáp AAG). Dự kiến phải đến ngày 6/6, sự cố mới có thể khắc phục xong.

Tuyến cáp quang biển AAG có chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ; được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Hiện tại, tuyến cáp biển Đông Nam Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Gateway, gọi tắt là APG) cũng đang gặp sự cố. Cụ thể, từ ngày 23/5, cáp biển APG bị đứt trên đoạn S1.7 gây mất toàn bộ dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.

Vào cuối tháng 4/2020, APG có thể cũng đã gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Để khôi phục toàn bộ kênh truyền trên tuyến APG, cần phải khắc phục sự cố trên cả hai nhánh cáp S9 và S1.7 nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch, thời gian sửa chữa.

(AEC News Today)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-36-116790.html