Tin tức ASEAN buổi sáng 7/12: RCEP mang động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế vì Covid-19
RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc; Toàn khối có 9.213 ca mắc mới; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế… là những tin chính trong bản tin ASEAN buổi sáng 7/12.
Chuyên gia: RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc
THX ngày 6/12 dẫn nhận định của một học giả Singapore cho rằng, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mang lại một động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Ông Dụ Hồng, học giả thuộc Viện nghiên cứu Đông Á - Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá hợp tác kinh tế và thương mại song phương vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo chuyên gia này, một mối quan hệ như vậy sẽ được củng cố nhờ việc ký kết RCEP – hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tính tới thời điểm này.
Trong 3 quý đầu năm nay, thương mại song phương ASEAN và Trung Quốc đã đạt 481,8 tỉ USD, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ông Dụ Hồng cho rằng, "Điều này thể hiện tính thích nghi cao của hợp tác kinh tế và thương mại cũng như tiềm năng hợp tác lớn giữa hai bên".
Chỉ ra các ngành công nghiệp tại Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng bổ sung tốt cho nhau, ông Dụ Hồng nêu, hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, đổi mới sản xuất và thương mại dịch vụ. RCEP sẽ giúp các nước ASEAN giàu tài nguyên và nhân lực thực hiện việc chuyển đổi các ngành công nghiệp sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Điều này tạo điều kiện cho ASEAN hội nhập tốt hơn vào các chuỗi công nghiệp trong khu vực và trên thế giới, qua đó tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.
Theo học giả của Viện nghiên cứu Đông Á, RCEP đã mang lại một động lực mạnh mẽ cho các công ty ASEAN và Trung Quốc trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 bằng cách cho phép các công ty tiếp cận các thị trường trong khu vực. Chuyên gia này cũng cho biết, các nước ASEAN lạc quan vào sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và các cơ hội kinh doanh tại thị trường khổng lồ này. ASEAN sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
(Tân Hoa Xã)
Hội thi Bản sắc văn hóa ASEAN năm 2020 tại Đắk Lắk, Việt Nam
Ngày 5/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Đoàn trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thi Bản sắc Văn hóa ASEAN năm 2020 nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và chào mừng năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.
Hội thi có 10 đội thi thuộc 9 khoa của Đại học Tây Nguyên và PTTH Thực hành Cao Nguyên. Mỗi đội thi đại diện cho một quốc gia là thành viên của cộng đồng ASEAN.
Cuộc thi gồm 2 phần là thi sân khấu hóa và thi hùng biện. Trong đó, ở phần thi sân khấu hóa, mỗi đội thi dàn dựng chương trình nghệ thuật sân khấu dài 15 phút về những nét đặc sắc của lịch sử, văn hóa truyền thống, kinh tế - xã hội của quốc gia mà đội mình làm đại diện.
Sau đó, ban giám khảo sẽ chọn ra 4 đội thi xuất sắc nhất để thi hùng biện về mối quan hệ của quốc gia mình làm đại diện với Việt Nam, vai trò của sinh viên và thế hệ trẻ trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Hội thi nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên và người dân về vai trò quan trọng của cộng đồng ASEAN; vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng.
(VOV)
ASEAN có 9.213 ca mắc mới, Lào phong tỏa đặc khu kinh tế
Theo trang thống kê Worldometers.info, trong ngày 6/12, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 9.213 ca mắc Covid-19 và 182 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.250.649 ca, trong đó 28.884 người tử vong.
Các quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất ASEAN trong ngày 6/12 là: Indonesia (6.089 ca), Philippines (1.768 ca) và Malaysia (1.335 ca).
Trong ngày 6/12, có ba quốc gia ghi nhận ca tử vong mới vì Covid-19 gồm: Indonesia (151 ca), Philippines (29 ca) và Malaysia (2 ca). Các nước còn lại có số ca nhiễm thấp.
Ngày 6/12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các tỉnh/thành giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh, đề nghị các cơ sở này thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch Covid-19, sau khi tiếp tục phát hiện thêm một ca lây nhiễm trong cộng đồng liên quan tới “Sự kiện cộng đồng 28/11” - trường hợp bùng phát lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Campuchia.
Ca lây nhiễm này được xác định là một nam giới, 21 tuổi, sống ở gần chùa Sansam Kosal, thuộc phường Boeung Tompun - quận Khan Meanchey thuộc thủ đô Phnom Penh. Nam bệnh nhân này làm việc cho cửa hàng Carl's Jr Burger, hiện đã được điều trị tại Trung tâm y tế Chak Angre ở thủ đô Phnom Penh.
Cho đến ngày 6/12, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này đã có 346 ca mắc Covid-19, trong đó có 30 trường hợp lây nhiễm cộng đồng kể từ hôm 28/11. Trong số này, 306 người đã được điều trị bình phục và không có ca tử vong.
Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 Lào đã ra thông báo phong tỏa đặc khu kinh tế tại tỉnh Luang Namtha, miền Bắc Lào, yêu cầu xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 5/12.
Lệnh phong tỏa này được ban hành sau khi có hai người đàn ông Trung Quốc ở Chương Châu, Phúc Kiến hát karaoke tại một cửa hàng ở Myanmar trước khi nhập cảnh trái phép bằng đường thủy vào huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo cuối tháng 11 vừa qua. Khi tìm cách vượt biên về nước bằng đường tiểu ngạch tại khu vực đặc khu kinh tế Boten, tỉnh Luang Namtha đã bị công an Trung Quốc phát hiện. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai người này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo đó, Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống Covid-19 Lào yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ huyện Tonpheung và đặc khu kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha, không cho phép hoạt động ra-vào những khu vực này trong vòng 14 ngày.
Trong khi đó, số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết ngành du lịch nước này gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 10 mặc dù được ghi nhận tăng nhẹ 4,57% so với tháng 9 với 158.200 lượt người, nhưng vẫn giảm 88,25% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho ngành du lịch của xứ "Vạn Đảo" hơn 100 nghìn tỷ Rupiah (khoảng 7 tỷ USD).
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tiếp đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sau khi ghi nhận 16,1 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, thống kê của BPS cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế từ tháng 1 đến tháng 10 chỉ đạt 3,72 triệu lượt, giảm 72,35% so với cùng kỳ năm 2019.
(TTXVN)