Tin tức ASEAN sáng 15/10: ASEAN, Nhật Bản bày tỏ quan ngại về Biển Đông; công ty dược Thái Lan hướng tới cung cấp vaccine Covid-19 cho khu vực
Nhật Bản, ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, tình hình Covid-19 tại ASEAN, Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho một số nước Đông Nam Á,... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN sáng 15/10.
Covid-19 tại ASEAN: Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Tính hết ngày 14/10, ASEAN ghi nhận thêm 7.608 ca mắc bệnh Covid-19 mới, trong khi đó, tổng số ca tử vong vì Covid-19 đã tăng lên trên 19.620 người.
Indonesia là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại quốc gia vạn đảo chưa hề thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong ngày 14/10, Indonesia đã ghi nhận thêm 4.127 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 344.749 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 129 ca lên 12.156 ca, đây là mức cao nhất kể từ ngày 30/9.
Tại Malaysia, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận thêm 660 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, nâng tổng số ca nhiễm lên 17.540 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 167 ca. Thủ đô Kuala Lumpur hiện đã siết chặt hạn chế đi lại trong 2 tuần.
Tại Philippines, nước này đã có thêm 1.910 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, mức thấp nhất trong 3 tuần, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 346.536 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 78 ca lên 6.449 ca.
Trong khi đó, tại Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng nhanh. Tình hình tại Myanmar hiện rất đáng quan ngại với 888 ca bệnh mới và 39 người tử vong trong ngày 14/10.
Brunei, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca mắc Covid-19 trong ngày 14/10.
Như vậy, cho tới nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 19.629 người dân ASEAN, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 803.294 ca. Bên cạnh đó, ASEAN cũng có số bệnh nhân được điều trị thành công là 649.891 trường hợp. (TGVN/TTXVN)
ASEAN - Nhật Bản quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông
Sáng 14/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam và Thứ trưởng cao cấp Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đồng chủ trì Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 35.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định chính quyền mới do Thủ tướng Suga đứng đầu sẽ duy trì chính sách của Nhật Bản, đề cao hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác trong khu vực. Để triển khai chính sách này, Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ trưởng Mori cũng khẳng định Nhật Bản ủng hộ Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), mong muốn cùng ASEAN triển khai thực tế quan điểm này.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Mori nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trong khu vực, bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, kêu gọi đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Nhật Bản cũng mong các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phát biểu với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN-Nhật Bản bất chấp những khó khăn, thách thức do Covid-19 gây ra. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong ứng phó Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ ý kiến của các nước về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông đã được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6/2020 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tháng 9/2020, hướng tới xây dựng Biển Đông trở thành khu vực biển hòa bình, an ninh và ổn định. (TGVN)
Công ty dược Thái Lan liên kết với Anh sản xuất vaccine Covid-19 tại Đông Nam Á
Công ty dược phẩm sinh học Thái Lan Siam Bioscience đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty dược AstraZeneca có trụ sở tại Vương quốc Anh để sản xuất và cung cấp vaccine Covid-19 tiềm năng AZD1222 do Đại học Oxford phát triển cho Thái Lan và một số nước Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết tất cả các bên đã nhất trí chuẩn bị năng lực sản xuất quy mô lớn. Công ty AstraZeneca sẽ cung cấp loại vaccine tiềm năng theo hình thức phi lợi nhuận trong thời kỳ dịch bệnh, trong khi đó, công ty Siam Bioscience sẽ thiết lập các cơ sở sản xuất trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ Anh.
Theo thỏa thuận, công ty Siam Bioscience sẽ hợp tác với công ty AstraZeneca, Đại học Oxford và các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phân phối vaccine Covid-19 tiềm năng trên toàn cầu, nếu các thử nghiệm lâm sàng chứng minh thành công và các cơ quan quản lý chấp nhận phổ biến những loại vaccine này. (The Nikkei)
Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án công nghệ tại Đông Nam Á
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch hỗ trợ tài chính cho 23 dự án hợp tác về công nghệ giữa các công ty Nhật Bản và đối tác ở khu vực Đông Nam Á. Các dự án này nhằm giải quyết các thách thức như năng suất nông nghiệp và chất lượng y tế mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt.
Nhật báo Yomiuri cho biết, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ công bố kế hoạch này trước khi Thủ tướng Yoshihide Suga tới Đông Nam Á vào cuối tháng này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Theo dự kiến, Nhật Bản sẽ cung cấp tổng cộng 500 triệu Yên (4,75 triệu USD) cho 23 dự án tại 9 nước ASEAN.
Trong số 23 dự án trên, đáng chú ý, tại Việt Nam, tập đoàn thương mại Sojitz Corp. sẽ cung cấp cho những người chăn nuôi lợn ở Việt Nam hệ thống quản lý sản xuất dựa trên công nghệ thông tin. Họ có thể điều chỉnh lượng thức ăn và quản lý tình trạng sức khỏe của lợn bằng cách phân tích chuyển động của con lợn bằng camera để cải thiện chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, tại Campuchia, Toyota Tsusho Corp., một công ty thương mại lớn khác, sẽ hợp tác với Grab, một công ty điều hành dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ kết hợp tham quan và nhiều phương thức di chuyển, bao gồm cả xe buýt và taxi. Tại Thái Lan, Hitachi Ltd. sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu y tế tại các bệnh viện lớn nhằm cải thiện các dịch vụ y tế. Tại Indonesia, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Bản và Indonesia sẽ hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trước đó, Nhật Bản và ASEAN đã nhất trí về việc hợp tác thúc đẩy việc ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật số nhằm tăng cường tính bền vững của các hoạt động kinh tế trước sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sự hỗ trợ này sẽ giúp các công ty Nhật Bản mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới ở Đông Nam Á, đồng thời khuyến khích hoạt động sáng tạo nhiều dịch vụ kỹ thuật số hơn tại Nhật Bản. (Yomiuri)