Tin tức Đời sống 22/11: Gia tăng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp
Cập nhật tin tức đời sống ngày 22/11: Gia tăng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp; Sản phụ sốc nhiễm khuẩn nguy kịch do mò đốt hậu sinh con tại nhà...
Gia tăng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An gần đây tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị vì triệu chứng đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở,…) do virus hợp bào hô hấp. Virus hợp bào hô hấp (RSV) thuộc giống Orthopneumovirus, họ Pneumoviridae và bộ Mononegavirales, là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi.
Loại virus này gây bệnh và bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua: Giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng, tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...
Theo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các triệu chứng nhiễm RSV có thể giống cảm lạnh trong 1 - 3 ngày đầu, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau vài ngày. Biểu hiện lâm sàng hay gặp sau nhiễm RSV là chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho, sốt nhẹ, thở khò khè,... Các triệu chứng trên xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh chứ không đến cùng một lúc và có xu hướng nặng dần. Biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể kéo dài khoảng 4 tuần do sự phục hồi chậm của các tế bào có lông mao.
Trẻ sinh non nhiễm RSV có thể bú kém, ngưng thở, khó chịu hoặc hôn mê. Tỉ lệ ngưng thở có thể lên đến 20% ở những trẻ sơ sinh nhập viện, chủ yếu là trẻ sơ sinh thiếu tháng và non tháng.
Trẻ nhỏ thường có biểu hiện chảy nước mũi liên tục, ho, hắt hơi, sốt, khó thở, thở khò khè, viêm họng hoặc suy hô hấp. Ho và thở khò khè xảy ra ở 50% trẻ em bị nhiễm bệnh.
Trẻ lớn hơn và người lớn có các triệu chứng cảm lạnh điển hình như nghẹt mũi, ho và sốt. Thở khò khè và chảy nước mũi liên tục thường gặp ở người lớn nhiễm RSV.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn. Đồng thời cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật. Áp dụng nguyên tắc 5K trong phòng lây các căn nguyên lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có RSV.
Sản phụ sốc nhiễm khuẩn nguy kịch do mò đốt hậu sinh con tại nhà
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên vừa tiếp hành lọc máu liên tục cứu sống sản phụ bị sốc nhiễm khuẩn.
Sản phụ H.T.D. (trú tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) sinh con đầu tại nhà. Sau sinh, sản phụ chảy nhiều máu, kèm theo sốt, mệt nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn.
Sản phụ được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều trị và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên điều trị tiếp.
Ngay khi tiếp nhận, sản phụ đã rơi vào tình trạng sốc, huyết áp: 80/40mmHg, SpO2: 90%, có dịch máu âm đạo, tiên lượng rất nặng.
Qua đánh giá ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ sốc nhiễm khuẩn hậu sản, chỉ định hồi sức tích cực khẩn cấp kết hợp nhiều phương pháp thở máy, lọc máu, an thần, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch.
Sau hội chẩn cùng Khoa Phụ sản và phát hiện có vết mò đốt bên ngực trái, sản phụ được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn Ricketsia (sốt mò)/hậu sản thường đẻ tại nhà.
Bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Sản phụ vào viện trong tình trạng sốc nặng, suy tim, gan, phổi đều bị tổn thương, hậu sản đẻ thường tại nhà, nhiễm trùng tử cung. Lúc đầu, các bác sĩ chỉ nghĩ sốc do nhiễm khuẩn hậu sản đẻ thường tại nhà, nhưng khi thăm khám có vết mò đốt ở ngực trái, các kết quả xét nghiệm và hội chẩn đa chuyên khoa thì xác định được nguyên nhân là sốt mò, tử cung bị nhiễm trùng.
Qua 19 ngày hồi sức tích cực, sản phụ đã thoát nguy kịch, các chức năng gan, thận, tim, phổi hồi phục trở về bình thường.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên đẻ tại nhà vì có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra, khi sản phụ trở dạ nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ trong mùa đông
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viên Bạch Mai, hội chứng rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy rất thường gặp ở trẻ nhỏ và xảy ra quanh năm do vi khuẩn, virus. Đặc biệt trong mùa đông, nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy ở trẻ là rotavirus.
Hiện nay, dù nhiều trẻ đã được uống vaccine phòng tiêu chảy do virus Rota, song, vẫn có một số bé mắc bệnh. Đối với những trẻ đã được uống vaccine thì tình trạng tiêu chảy sẽ nhẹ hơn những trẻ chưa được uống.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa do các nguyên nhân khác như ngộ độc thức ăn, thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt là đối với những trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ bú sữa mẹ chuyển sang ăn dặm hoặc từ ăn bột chuyển sang cơm, cháo...
Khi trẻ có dấu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, để phân biệt giữa rối loạn tiêu hóa đơn thuần với các bệnh lý khác như viêm ruột thừa, viêm não...các bậc cha mẹ cần quan sát, theo dõi các biểu hiện của trẻ. Chẳng hạn như trẻ nôn ói kèm theo sốt cao, nôn liên tục, tiêu chảy không cầm, đau đầu, mệt lả.. thì cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Với trẻ chỉ bị rối loạn tiêu hóa đơn thuần, khi chăm sóc, điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là bù nước cho trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy, nguy hiểm nhất là trẻ bị mất nước. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresol hoặc các loại nước sạch khác. Khi pha oresol, chú ý pha theo đúng tỉ lệ được hướng dẫn, cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, đều đặn, liên tục. Không nên cho trẻ uống cả cốc nước lớn vì như vậy sẽ khiến trẻ càng đi ngoài nhiều hơn và tiếp tục mất nước. Đồng thời, có thể mua men vi sinh cho trẻ uống, giúp làm giảm thời gian tiêu chảy.
“Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do virus, việc dùng kháng sinh không có tác dụng. Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc tiêu chảy do nhiễm khuẩn, việc sử dụng kháng sinh phải do bác sĩ chỉ định. Bởi không phải kháng sinh nào cũng dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường ruột và phải tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà lựa chọn kháng sinh phù hợp cũng như liều lượng sao cho đúng. Nên nếu các bạn tự ý sử dụng kháng sinh cho con thì lợi bất cập hại”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ nói chung và bệnh tiêu chảy mùa đông nói riêng, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, có hai việc quan trọng cần thực hiện, đó là vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân. “Chúng tôi vẫn gọi rối loạn tiêu hóa là bệnh tay – miệng. Tức là bàn tay không sạch hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn. Do đó, luôn luôn phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo an toàn, phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá trình chế biến, bảo quản cần đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ chứa đựng thực ăn cho trẻ cũng cần phải sạch sẽ, kể cả cái cốc uống nước cũng phải rửa sạch. Chỉ cần đảm bảo hai yếu tố đó là đã giảm phần lớn nguy cơ mắc bệnh”, BS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn.
T.M (tổng hợp)