Tin tức Đời sống 23/1: Những thói quen hại thận người trẻ hay mắc
Cập nhật tin tức đời sống ngày 23/1: Những thói quen hại thận người trẻ hay mắc; Những sai lầm chết người khi sưởi ấm trong mùa đông giá rét...
Những thói quen hại thận người trẻ hay mắc
Khi phát hiện bệnh, đa số bệnh nhân trẻ của tôi đều sốc, không thể chấp nhận được sự thật.
Người thầy thuốc phải đọc lại toàn bộ hồ sơ các xét nghiệm trước đó, xét nghiệm lại để biết chắc là bệnh nhân đã bị suy thận, từ đó thuyết phục họ điều trị. Thật sự rất đau lòng!
Đó là chia sẻ của TS.BS Trần Văn Vũ, Phó khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đơn vị mà mỗi ngày tiếp xúc, điều trị và đồng hành cùng những bệnh nhân có vấn đề về thận.
Tình huống càng trở nên khó khăn và éo le hơn khi những bác sĩ cầm kết quả xét nghiệm và chẩn đoán suy thận mạn, trước mặt họ là những bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ.
Hiện nay, nhiều người trẻ phát hiện mắc bệnh suy thận từ sớm. Bên cạnh việc mọi người có ý thức tầm soát bệnh tốt hơn, nguyên nhân khác là lối sinh hoạt không lành mạnh cũng khiến căn bệnh này tăng ở người trẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc suy thận mạn cũng là những người có chế độ ăn uống nhiều đạm, muối, đường hoặc có bệnh béo phì, thể trạng thừa cân (BMI > 25 kg/m2)…
Theo tiến sĩ Vũ, một số thói quen thường gặp của người trẻ hiện nay như hút thuốc lá, ăn mặn, ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu, thức khuya… có thể ảnh hưởng các cơ quan của cơ thể, trong đó có thận.
Nếu sử dụng các loại hóa chất độc hại (bia, rượu, thuốc lá…) trong thời gian kéo dài, không chỉ có hại cho gan, nó tác động tiêu cực đến chức năng thận, đặc biệt là thuốc lá cũng có thể gây hại cho thận.
“Thuốc lá gây ung thư phổi thì chúng ta đều biết nhưng ít ai biết rằng hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến thận. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm hoạt động của thận, gây tổn thương thận. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư thận ở người hút thuốc lá cao gấp 1,5 lần so với người không hút thuốc lá ”, TS Vũ phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều người hiện nay thích ăn các thực phẩm nhiều gia vị, đặc biệt là các món chế biến sẵn, chứa nhiều muối như xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp, khô, mắm... Chế độ ăn này làm tăng hấp thu nước, tăng gánh nặng cho thận, lâu dần khiến thận suy yếu, gây suy thận.
TS Vũ khuyến cáo mọi người chỉ nên ăn không quá 6 gram muối/ngày. Liều lượng muối này chỉ bằng một muỗng cà phê gạt ngang.
Giấc ngủ ban đêm là thời gian mà thận cần được nghỉ ngơi, khôi phục sau một ngày hoạt động. Thói quen thức khuya có thể khiến quả thận rơi vào tình trạng “căng thẳng”, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Bác sĩ cũng lưu ý thức khuya có thể là một phần nguyên nhân, mặc dù quan điểm còn đang nhiều tranh luận.
Một trong những lý do thuyết phục là thức khuya sẽ kích thích một số nội tiết tố trong cơ thể, làm co hệ mạch máu đến thận, gây thiếu máu cục bộ tới thận. Điều này khiến thận giảm chức năng làm việc, về lâu dài sẽ gây hại cho bộ phận này.
Ngoài ra, nước là thứ không thể thiếu để thận hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, không chỉ riêng bạn trẻ, một số người thường không có thói quen uống đủ nước, chỉ uống khi khát.
Thiếu nước khiến máu cô đặc, thể tích máu đến thận ít đi. Việc thiếu máu đến thận lâu dài có thể làm suy thận. Do đó, việc uống nhiều nước vừa có thể giúp thận làm việc trơn tru, vừa có thể giảm bớt các bệnh ở đường tiết niệu.
Đối với những người có sức khỏe bình thường, Hội Thận Thế giới khuyến khích uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, những người có bệnh tim, gan, thận phải hạn chế uống nước cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những sai lầm chết người khi sưởi ấm trong mùa đông giá rét
Không khí lạnh đã gây mưa rét tại hầu khắp các vùng thuộc thủ đô Hà Nội. Dự kiến từ ngày 22 - 25/1, rét đậm, rét hại sẽ tiếp diễn. Nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội có thể xuống dưới 10 độ C.
Rét đậm rét hại khiến nhu cầu sưởi ấm bằng than củi, các thiết bị điện... của người dân tăng cao. Tuy nhiên việc sưởi ấm sai cách có thể lấy đi sức khỏe, thậm chí là tính mạng mà ít người có thể lường trước được.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, ngạt khí CO trong quá trình đốt bếp than diễn ra rất từ từ, nạn nhân thường chìm vào giấc ngủ mà không biết là mình rơi vào tình trạng nguy hiểm, có thể mất mạng ngay sau đó. "Khí CO, CO2 sẽ dần dần chiếm trọn không gian, rút hết khí oxy khỏi không khí, khiến chúng ta không có khí oxy để thở, dẫn đến tử vong", PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Điều đáng nói là khí CO, CO2 không có mùi vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt khí không có phản ứng tự vệ, may mắn thì được người khác trông thấy và kéo ra cứu sống. Trong trường hợp được kéo ra ngoài, chữa khỏi ngạt khí CO, CO2, bạn vẫn có khả năng bị tổn thương não, dễ mắc các chứng bệnh giảm trí nhớ, liệt cơ mặt, liệt vận động…
Vì thế, nếu sử dụng than củi để sưởi ấm, cần chú ý để tránh bỏng, nhất là với trẻ em hiếu động chạy nhảy chơi đùa rất dễ ngã vào chậu than. Không để than dưới gầm giường, gần những nơi dễ bắt lửa như gỗ, quần áo. Đốt than tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cảnh báo, mùa đông, nhiều gia đình dùng các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi, chăn đệm sưởi…). Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, giật, bỏng nếu không dùng đúng cách.
Các thiết bị sưởi điện cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng, gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng.
Chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần biết nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra.
Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam. Ngoài ra tia hồng ngoại từ các thiết bị sưởi có thể xiên vào cơ thể gây hại cho mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ….
Để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để chậu nước tạo độ ẩm cho không khí. Ngoài ra mọi người nên bôi kem giữ ẩm ban đêm, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già; luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng. Đặc biệt để an toàn không bị điện giật khi sử dụng chăn điện, người sử dụng cần bật điện trước, khi chăn ấm thì tắt điện rồi mới dùng đắp, tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật.
Thông thường, đi từ bên ngoài trời lạnh trở về nhà, bạn thường có xu hướng bật điều hòa, máy sưởi càng cao càng tốt. Nhiều người cho rằng hành động này sẽ giúp ngôi nhà của mình ấm nhanh hơn, cơ thể không bị lạnh nữa nhưng điều này thực sự rất nguy hiểm.
Theo chuyên gia, khi sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy sưởi trong những ngày rét đậm, chúng ta không nên để nhiệt độ quá nóng. Việc chênh lệch nhiệt độ ngoài trời quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn bị hạ thân nhiệt khi đột ngột bước ra ngoài trời lạnh. Khi gặp nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và đi qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại. Do vậy khi sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy sưởi trong những ngày rét đậm, chúng ta không nên để nhiệt độ quá nóng.
Nhiều người có thói quen thấy trời trở lạnh là đóng kín cửa phòng hoặc cửa nhà, càng kín càng tốt để giữ ấm. Tuy nhiên nếu chúng ta đóng kín sẽ khiến trong phòng không có sự thông thoáng, ngột ngạt, thiếu oxy, sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy chúng ta cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp nhiệt độ phòng thích hợp khoảng 28 độ C, thông thoáng, tránh gió lùa.
Khi chúng ta đang ngồi trong phòng trước khi đi ra ngoài vào mùa đông chúng ta nên mặc áo khoác và đi giầy trước mấy phút khi ra ngoài đường sẽ giúp cơ thể ấm hơn. Vì nếu trường hợp chúng ta không mặc đủ ấm đột ngột đi ra ngoài rất dễ bị sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ nhất là những người có sức khỏe yếu đặc biệt người già và trẻ nhỏ. Việc chênh lệch nóng – lạnh quá lớn dễ gây ra các bệnh về hô hấp, thậm chí là sốc nhiệt, nguy cơ tai biến đối với người cao tuổi.
Ngoài ra, bạn nên tăng cường ăn thực phẩm giàu năng lượng, chất dinh dưỡng, chất béo, protein. Nên uống nhiều canh nóng, trà nóng hoặc nước gừng để ủ ấm cơ thể. Không nên ra ngoài trời khi quá sớm hoặc quá muộn, chú ý giữ ấm nhà cửa, luôn đóng cửa để tránh gió lùa nhưng cần phải hé cửa khi cần để lưu thông khí trong trường hợp dùng máy sưởi…
Phòng bệnh trong những ngày rét đậm, rét hại
Mùa Đông không chỉ làm gia tăng số trẻ em mắc bệnh hô hấp mà còn khiến số ca người cao tuổi mắc đột quỵ cũng tăng lên nhanh chóng. Bệnh nhân T.V.T. (80 tuổi, trú tại quận Long Biên) có tiền sử tiểu đường, tuy nhiên, do tập thể dục vào sáng sớm và không mặc đồ ấm, ông đã bị đột quỵ.
Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Ở nước ta mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó số ca diễn biến xấu và cướp đi mạng sống, chiếm đến 50 % đột quỵ, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.
Theo nghiên cứu, có từ 60% - 70 % bệnh nhân phải có sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hàng ngày, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Do đó, việc phát hiện sớm đột quỵ ở người già rất có lợi cho sức khỏe, có thể hạn chế di chứng về sau hoặc giảm nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Đoàn Văn Phúc – Trưởng khoa Thần Kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, những thích nghi về nhiệt độ của người cao tuổi trong mùa Đông sẽ kém hơn so với người bình thường.
Do đó, về mùa Đông, người cao tuổi nên lưu ý, hạn chế thay đổi nhiệt độ khi tắm. Khi tập thể dục, người cao tuổi nên mặc ấm hơn so với bình thường, hạn chế thấp tập thể dục buổi sáng.
Mùa Đông, người cao tuổi nên tập thể dục vào buổi chiều. Ngoài ra, người cao tuổi nên mặc áo ấm trước khi dậy đi vệ sinh vào buổi sáng sớm.
Ngoài đột quỵ, trời lạnh, nếu người dân không giữ ấm, rất có thể bị liệt dây thần kinh số 7. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại tăng cường kéo dài, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường phòng chống rét để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú và nhân viên y tế như sử dụng hệ thống quạt sưởi và điều hòa hai chiều quen.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều bệnh viện tại Hà Nội cũng đã thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống rét như sử dụng hệ thống quạt sưởi, điều hòa hai chiều để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân và nhân viên y tế khám chữa bệnh.
Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe Nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Trong đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: Nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.
Ngoài ra, thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khỏe.
T.M (tổng hợp)