Tin tức Đời sống 30/10: Trào lưu 'mukbang' trứng thối và những hệ lụy cho sức khỏe
Cập nhật tin tức đời sống ngày 30/10: Một sai lầm khi hạ sốt khiến bé trai nhập viện đã viêm màng não; Trào lưu 'mukbang' trứng thối và những hệ lụy cho sức khỏe...
Một sai lầm khi hạ sốt khiến bé trai nhập viện đã viêm màng não
Em T.Q.T. (9 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh) có triệu chứng sốt cao 39,5 độ C, đau đầu, đau sưng 2 góc hàm. Gia đình không đưa trẻ đến cơ sở y tế khám mà tự điều trị tại nhà bằng cao dán.
Tuy nhiên, tình trạng của T. không được cải thiện, bệnh nhi bắt đầu có biểu hiện đau đầu nhiều. Lúc này, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để điều trị.
Sau khi được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán viêm màng não. Hiện em được theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với nước bọt hoặc chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi ho, hắt hơi.
Người mắc quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần.
Bệnh có thể được nhận biết thông qua các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió, một bên má sưng lên rồi dần lây lan qua bên còn lại, sốt cao, sốt 39-40 độ C trong khoảng 3-4 ngày.
Các biến chứng thường gặp của bệnh quai bị là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não - màng não…
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi xuất hiện các triệu chứng khó chịu, sốt cao, đau họng, đau ở góc hàm, tuyến mang tai sưng… cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể sẽ xảy ra.
Chuyên gia nói gì về trào lưu 'mukbang' trứng thối?
Thời gian gần đây, "trend" ăn trứng thối luộc được nhiều bạn trẻ thử trải nghiệm và quay lại clip đăng lên mạng xã hội.
Dưới mỗi video "mukbang" loại trứng này đều thu hút nhiều bình luận trái chiều. Một số người cho rằng trứng ung có hương vị thơm ngon, chữa được đau đầu, thậm chí tốt cho sinh lý nam. Song, không ít người bày tỏ sự sợ hãi, bức xúc, cho rằng đây là trào lưu nguy hại, không tốt cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trứng ung (hay còn gọi là trứng ấp dở) là những quả trứng gà đã được ấp nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không nở thành con.
Quá trình ấp không hoàn thiện khiến phôi thai bên trong bị hỏng, dẫn đến sự thay đổi về màu sắc, mùi vị và chất lượng của trứng.
"Trứng bị nhiễm khuẩn dẫn đến ung hỏng và sinh ra độc tố, sinh ra khí H2S không có lợi cho cơ thể. Nhiều người cho rằng ăn trứng gà ung có thể tăng cường sinh lực, tốt cho sức khỏe, chữa đau đầu... Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Trong trứng ung, chất dinh dưỡng hầu như không còn vì phôi đã bị tiêu hủy. Ngoài ra do tác động của vi khuẩn khiến người ăn nếu yếu bụng sẽ cảm thấy đầy hơi, thậm chí đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
"Đối với trứng ung, thối hay bất cứ thực phẩm nào có dấu hiệu bị hỏng, người dân không nên ăn. Chỉ nên ăn những thực phẩm tươi sạch, còn hạn sử dụng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Bụi mịn gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe
ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dẫn các nghiên cứu cho thấy bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu do bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phổi mạn tính, ung thư, sinh non... Phơi nhiễm ngắn hạn với PM10 có thể làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp mạn tính, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mạn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với PM10 và PM2.5.
Ngoài ra, bụi mịn còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh bởi nhiều hạt bụi mịn có chứa các chất hóa học độc hại như kim loại nặng, hợp chất hữu cơ và các chất gây ung thư. Khi hít phải bụi mịn, chúng có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây ra tác động tiêu cực lên hệ thần kinh. Từ đó, gây ra các vấn đề về sức khỏe như giảm chức năng thần kinh, ảnh hưởng tới sự phát triển và học tập cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh (đau nửa đầu, trí nhớ giảm sút, mờ mắt...).
Bụi mịn cũng có thể gây tác động lên hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và các vấn đề liên quan đến miễn dịch; đồng thời có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nhau.
Bụi mịn xuất hiện nhiều vào các giờ cao điểm như 7h - 8h và 18h - 19h. Lượng bụi cũng phụ thuộc lớn vào sự di chuyển của các phương tiện giao thông. BS Tam khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc; hoặc khi cần thiết phải tham gia giao thông cần đeo khẩu trang chống bụi mịn… Việc giảm thiểu lượng bụi mịn trong khí thải của ô tô và xe máy là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện chất lượng không khí.
T.M (tổng hợp)