Tin tức kinh tế ngày 2/12: Sắt, thép Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam
Sắt, thép Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam; Ngân hàng được làm đại lý bán trái phiếu Chính phủ; Chi phí logistics bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/12.
Giá vàng bất ngờ tăng mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/12/2023, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2068,64 USD/ounce, tăng 26,9 USD so với cùng thời điểm ngày 1/12.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/12, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 72,3-73,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/12.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 72,3-73,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/12.
Sắt, thép Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, cả nước nhập khẩu gần 675.800 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 493 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15-11, Việt Nam nhập khẩu hơn 11,3 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 9 tỉ USD, tăng 9% về lượng nhưng giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Việt Nam chi hơn 4 tỉ USD nhập sắt thép Trung Quốc
Ngân hàng được làm đại lý bán trái phiếu Chính phủ
Đây là quy định được nêu tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024, về phát hành, đăng ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Nghị định số 83 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Theo Nghị định số 83, khi phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước có thể chọn các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý, thay vì bán trực tiếp và thanh toán cho người mua như trước đây.
Chi phí logistics bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8%-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết, quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...
Năm nay, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do WB công bố, đà tăng của Việt Nam đã chậm lại và Việt Nam bị tụt 4 bậc trên bảng xếp hạng, rơi xuống vị trí thứ 43 so với vị trí 39 đã đạt được vào năm 2018.
Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao nhất từ đầu năm đến nay
Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong tháng 11/2023, du lịch Việt Nam đón trên 1,23 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% so với tháng trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt trên 11,2 triệu lượt.
Theo Cục Du lịch quốc gia, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng của năm 2023 với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,5 triệu lượt. Tiếp theo là thị trường Đài Loan (thứ 3) với 758 nghìn lượt, Mỹ (thứ 4) với 658 nghìn lượt, Nhật (thứ 5) với 527 nghìn lượt.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất - thước đo chủ chốt của sản lượng nhà máy - đã giảm xuống 49,4. Con số này giảm nhẹ so với tháng 10/2023 và cũng thấp hơn mức dự báo 49,8 trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế thắt chặt để phòng chống dịch COVID-19 vào tháng 12/2022 sau gần ba năm để giúp nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, sự phục hồi đó thiếu ổn định do niềm tin tiêu dùng và kinh doanh yếu, những khó khăn của thị trường bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và tình trạng kinh tế giảm tốc trên toàn cầu đang tác động tiêu cực tới nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.